Chậm rãi

Sự chậm rãi trong tác phẩm văn học là thế nào? Người viết ai không muốn tác phẩm của mình đi nhanh? Ở đây tôi muốn đề cập đến sự diễn tiến chậm chạp của một phong cách sáng tác mà chỉ có lòng kiên nhẫn và tài năng mới làm nổi.

"Đi tìm thời gian đã mất" là bộ tiểu thuyết nổi tiếng của Marcel Proust, thậm chí nhiều người coi nó là bộ tiểu thuyết lớn nhất thế kỉ XX nhưng bản thân tôi ít nể phục số chữ của Marcel Proust hay trí nhớ tuyệt vời của ông mà ngưỡng mộ sự chậm rãi, kiên nhẫn gần như tuyệt đối của nhà văn nhiều hơn.

Suốt sáu tập sách, Marcel Proust đã kể rất tỉ mỉ câu chuyện ký ức của mình với nhiều sự việc, nhân vật với lòng kiên nhẫn vô biên. Ông hầu như không bỏ qua một hành động nhỏ nào trong hành trình tìm lại ký ức của mình và không cảm thấy sốt ruột. Dòng ý thức miên man suốt bộ sách dài và rõ ràng người viết không vội gì cả. Câu chuyện diễn chậm chạp, người đọc phấp phỏng chờ đợi những bước ngoặt mới nhưng nhà văn thì bình thản như không; không vội vàng, không cần những chấn động hoặc gấp gáp, câu chữ như một dòng sông phẳng lặng chảy khoan thai.

Bìa tiểu thuyết “Chiến trường vinh quang” và bìa tiểu thuyết “Đi tìm thời gian đã mất”.

Bìa tiểu thuyết “Chiến trường vinh quang” và bìa tiểu thuyết “Đi tìm thời gian đã mất”.

Nhưng mặc dù rất buồn ngủ và mỏi mệt người ta vẫn phải công nhận rằng làm được như Marcel Proust không phải dễ, ngoài việc đóng góp về mặt thể loại - văn chương dòng ý thức thì Marcel Proust đã tạo ra một kiệt tác vô song và sự nhẫn nại của người viết là điều rất đáng kể.

Tôi nhìn nhận sự nhẫn nại này với tư cách một đồng nghiệp và kính phục sự kiên trì của Marcel Proust. Thông thường người viết luôn có xu hướng tạo ra các bước ngoặt, các cú chấn động trong tác phẩm của mình. Anh ta thường muốn câu chuyện diễn ra nhanh, tốc độ. Người viết không muốn độc giả buồn ngủ khi rơi vào một dòng sông nhàm chán đơn điệu.

Những nhà làm phim Hollywood là những người chống lại sự đơn điệu rất giỏi, họ nghiên cứu và biết rằng cứ khoảng tám phút người ta sẽ rơi vào trạng thái buồn ngủ nếu không có một hành động (action) mới được tạo dựng. Vì thế phim Hollywood nói chung thường có diễn biến rất nhanh, nhân vật hầu như không bao giờ được nghỉ và người xem bị cuốn theo mạch của phim. Người ta gọi kiểu phim ăn khách của Hollywood là "phim hành động" (action film). Hành động liên tục là đặc trưng và triết lí cơ bản của kiểu phim mang tính giải trí cao. Những người viết truyện thông thường, kể cả không biết đến thủ thuật của Hollywood thì vẫn hiểu rằng tác phẩm của anh ta cần những tình huống bước ngoặt, những cú rung chấn để câu chuyện hấp dẫn và giữ chân được độc giả.

Nhưng Marcel Proust trong "Đi tìm thời gian đã mất" và nhiều đồng nghiệp của ông đã không làm thế. Italo Calvino trong "Đêm đông có một người lữ khách" cũng đã từng làm tương tự; cả cuốn tiểu thuyết của tác giả lừng danh người Ý là sự "lừng khừng" không chịu tiến thêm một bước nào cả, bất cứ đoạn nào trong cuốn sách cũng giống như đoạn mở đầu, nhà văn cố ý để cho mạch truyện luôn giậm chân tại chỗ. Nó không định đi tiếp hay chuẩn bị đến đỉnh điểm và kết thúc. Nó chống lại quy luật thông thường của một câu chuyện là có khởi đầu, chuẩn bị, mâu thuẫn, cao trào và kết thúc. Nhà văn đã tự chịu đựng mình một cách có chủ ý và đó cũng là sự kiên nhẫn tuyệt vời của người viết. Lưu ý rằng với Italo Calvino ngoài bộ ba "Tổ tiên của chúng ta" thì "Đêm đông có một người lữ khách" được đánh giá là cuốn sách lớn và rất đặc biệt của văn hào người Ý.

Gần đây tôi có đọc cuốn "Chiến trường vinh quang" của Jean Rouaud, giải Goncourt năm 1990 và cũng thấy vậy. Nhà văn kể một câu chuyện chậm chạp và dềnh dàng, quanh đi quẩn lại, mấy chục trang sách là giọng đều đều, êm ả, rủ rỉ. Người viết không vội và cũng không có những đoạn bùng nổ hoặc chuẩn bị cho điều ấy. Câu chuyện thiếu đi một sự kích thích cố ý, tác giả nhẩn nha kể một câu chuyện hồi ức kiểu của Marcel Proust và không có gì cần phải khẩn trương cả ...

Thiên tài người Áo, Kafka cũng thích sự chậm rãi này trong cuốn "Lâu đài "của ông. Một câu chuyện loanh quanh và tù túng với hàng trăm trang sách mà không vấn đề nào được xử lý dứt điểm. Người đạc điền tìm cách tiếp cận "lâu đài" và giải quyết những vấn đề của mình nhưng anh ta đã bất lực, câu chuyện vòng vo và không đi đến đâu. Kafka đã tạo ra những tình huống lặp lại, quanh quẩn và không bao giờ chấm dứt, thậm chí chúng còn báo hiệu cho một thời kì xã hội đình trệ, quan liêu, đầy rẫy những thủ tục hành chính.

Sự chậm rãi hoặc trì hoãn các câu chuyện của các nhà văn kể trên là hoàn toàn có chủ ý. Họ cố tình tạo ra một câu chuyện như vậy, một cách kể hầu như không đầu không cuối, điều có lẽ không còn phù hợp với một thời đại ưa sự nhanh chóng và dứt khoát. Trong khi cuộc sống xã hội phóng đi như bay thì một số người viết vẫn trong tâm trạng và tư thế "Trong khi chờ đợi Godot", diễn tả một sự chờ đợi không hợp thời và phi lí. Điều này có phải mâu thuẫn khi những tác phẩm kể trên được coi là kinh điển và khác thường. Về mặt nào đó, ví dụ xét đến thể loại và gu thẩm mĩ, người ta vẫn công nhận đóng góp hoặc ưa thích sự chậm chạp; nhưng cơ bản sự dềnh dàng chậm rãi đang trở thành thứ rất khó tiêu hóa với đa số người đọc hiện đại.

Với các nhà văn Việt, tôi hầu như chưa nhìn thấy hiện tượng chậm rãi cố ý như vậy. Các tác phẩm cơ bản đều diễn tiến nhanh, gấp gáp, có nút thắt, nút mở. Có thể người viết không ưa sự chậm chạp hoặc lo lắng độc giả sẽ buồn chán khi dõi theo câu chuyện. Viết chậm một cách cố ý không những thách thức độc giả mà thậm chí thách thức chính người viết. Ta sẽ hiểu rõ điều này nếu lưu ý và so sánh đến môn thể thao đi xe đạp chậm. Đi xe đạp chậm thậm chí còn khó hơn đi xe đạp nhanh rất nhiều! Sự lựa chọn này mang tính chủ quan và tùy thuộc vào phong cách của mỗi cá nhân. Tất nhiên nhà văn có thể chọn phong cách bất kì nhưng người đọc có thích kiểu đó hay không hoặc đánh giá thế nào lại là một chuyện khác.

Ngay cả với chính Marcel Proust, thực tế rất ít người đủ kiên nhẫn để đọc hết bộ "Đi tìm thời gian đã mất" của ông. Họ nói rằng: "Đời quá ngắn còn Proust thì lại quá dài", và tôi nhấn mạnh thêm: ông còn quá chậm nữa! Với những tác phẩm lê thê, tỉ mẩn kiểu này, thời gian thích hợp nhất đọc sách là khi ta phải nằm trong bệnh viện để điều trị dài ngày! Hoặc vào buổi tối, khi người ta cần phải làm một việc gì đó để cưỡng bức cơn buồn ngủ đến mau hơn!

Rõ ràng chậm rãi là một sự lựa chọn khó khăn và cũng đầy thách thức!

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/cham-rai-i692450/