Chăm sóc, bảo vệ lúa mùa ngay đầu vụ
ĐBP - Vụ mùa là vụ sản xuất lúa quan trọng của nông dân tỉnh Điện Biên. Hiện nay, ngành chuyên môn, chính quyền địa phương và bà con nông dân tích cực triển khai các biện pháp bảo vệ, chăm sóc nhằm nâng cao năng suất lúa vụ mùa.
Vụ mùa năm 2025, toàn tỉnh gieo cấy 19.628,04ha lúa, vượt kế hoạch cùng kỳ năm trước 190,5ha, đạt 92,2% kế hoạch năm. Các giống lúa được gieo cấy chủ yếu là lúa thuần có chất lượng cao, năng suất ổn định và khả năng chống chịu sâu bệnh tốt như: Bắc thơm số 7, IR64, Séng cù, Đài thơm, Hana 112... Thời điểm này, cây lúa đang trong giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh, cơ quan chức năng và bà con nông dân tập trung chăm sóc, bón phân, thường xuyên bám sát đồng ruộng nhằm phát hiện, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, đảm bảo cây lúa sinh trưởng tốt.
Vụ mùa thường chịu nhiều bất lợi về thời tiết mưa lũ, ảnh hưởng quá trình sinh trưởng, phát triển cây lúa. Từ ngày 1 - 3/7, mưa lớn trên địa bàn tỉnh làm 83,53ha lúa bị ngập úng, vùi lấp do sạt lở. Trong đó, xã Mường Luân thiệt hại 9,33ha; Thanh Nưa 8,3ha; Chiềng Sinh 25ha; Mường Pồn 2,5ha; Thanh Yên 37,5ha; Tuần Giáo 0,5ha... Mưa nắng thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng sinh vật gây hại phát sinh ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Đáng chú ý, ốc bươu vàng gây hại mạnh; chuột tiếp tục phá hại, nhất là tại các chân ruộng mới gieo cấy, khu vực ven dân cư. Đến nay tổng diện tích lúa nhiễm sinh vật gây hại hơn 875,88ha.
Chị Lò Thị Hinh, bản Mường Pồn 2, xã Mường Pồn cho biết: Vụ này gia đình cấy hơn 4.000m2 lúa Bắc thơm số 7. Thời điểm này tôi thường xuyên ra đồng kiểm tra lúa và chủ động phòng ngừa sâu bệnh theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp. Đồng thời, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” giúp giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường. Nhờ đó, lúa sinh trưởng và phát triển tốt.

Nông dân xã Mường Pồn bón phân cho lúa mùa.
Chủ động chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên hiện nay diện tích lúa mùa trên địa bàn tỉnh đều sinh trưởng và phát triển tốt; chưa phát hiện các loại sâu, bệnh hại nguy hiểm. Đối với diện tích bị nhiễm các loại bệnh hại thông thường, người dân đã tiến hành phun phòng trừ hơn 3.000ha. Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, thời gian tới diễn biến thời tiết sẽ phức tạp và tình hình dịch bệnh trên cây lúa có nguy cơ phát triển mạnh. Đáng chú ý là sâu đục thân, bọ rầy, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn và chuột.
Để chủ động ứng phó với các tình huống bất lợi do thời tiết và sinh vật gây hại, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã có hướng dẫn cụ thể, yêu cầu các địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp kỹ thuật. Đối với diện tích lúa bị ảnh hưởng bởi mưa lớn và ngập úng, các đơn vị chuyên môn đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tiêu thoát nước ra khỏi ruộng, khơi thông hệ thống kênh mương nội đồng, hạn chế tình trạng nước đọng lâu gây thối rễ, chết cây.
Đối với ruộng lúa bị vùi lấp bởi bùn đất, cơ quan chuyên môn hướng dẫn bà con vệ sinh đồng ruộng, loại bỏ bùn đất bám trên cây lúa để cây nhanh chóng phục hồi quang hợp. Với diện tích lúa còn khả năng phục hồi, nông dân được khuyến cáo bón bổ sung phân lân, kali hoặc NPK với lượng phù hợp để tăng cường dinh dưỡng, giúp cây lúa hồi phục và tiếp tục phát triển. Trường hợp lúa bị thiệt hại nặng, không thể phục hồi, bà con được khuyến khích khẩn trương gieo cấy lại, sử dụng các giống lúa ngắn ngày, phù hợp với điều kiện thời vụ và khí hậu, đảm bảo không làm chậm tiến độ sản xuất.
Ngành Nông nghiệp chỉ đạo, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón cân đối, hợp lý, tiết kiệm; đặc biệt lưu ý không bón phân trong thời điểm nắng nóng gay gắt hoặc mưa lớn kèm theo gió lốc. Tiếp tục áp dụng biện pháp xử lý lúa lẫn, tạp. Đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, lúa cải tiến (SRI), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP)... để cây lúa khỏe, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh.
Bà Chu Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Chúng tôi đã chỉ đạo các phòng chuyên môn bám sát địa bàn, hướng dẫn nông dân khôi phục diện tích lúa bị thiệt hại, đồng thời tăng cường công tác quản lý, phát hiện sớm sinh vật gây hại. Việc khuyến khích sử dụng giống lúa ngắn ngày, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt là một trong những giải pháp then chốt để đảm bảo kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm nay đạt mục tiêu.
Ngành Nông nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật canh tác bền vững, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng. Từ việc xử lý giống trước khi gieo cấy, bón phân cân đối theo từng giai đoạn sinh trưởng, đến việc áp dụng biện pháp tưới tiêu hợp lý nhằm hạn chế điều kiện sinh trưởng của sâu bệnh.