Bão Wipha tàn phá Hong Kong (Trung Quốc): Nhiều người bị thương, hàng nghìn hành khách mắc kẹt

Bão Wipha khiến Hong Kong (Trung Quốc) tê liệt với tín hiệu cấp 10 kéo dài 7 giờ, tốc độ gió giật lên đến 234km/h, hơn 700 cây đổ, 500 chuyến bay bị hủy và hàng nghìn du khách phải ngủ lại sân bay.

Trước Wipha, 17 cơn bão nhiệt đới đã kích hoạt tín hiệu cảnh báo số 10 kể từ khi bắt đầu ghi chép vào năm 1946. Ảnh: SCMP.

Trước Wipha, 17 cơn bão nhiệt đới đã kích hoạt tín hiệu cảnh báo số 10 kể từ khi bắt đầu ghi chép vào năm 1946. Ảnh: SCMP.

Hong Kong đã dần trở lại bình thường vào đêm 20/7 sau khi hứng chịu cơn bão Wipha, trước đó đã kích hoạt tín hiệu cảnh báo cấp 10 (mức cao nhất) trong 7 giờ liên tiếp, khiến thành phố tê liệt, hàng chục người bị thương, hàng trăm cây xanh bị đổ và hàng chục nghìn hành khách hàng không bị mắc kẹt.

Tín hiệu cảnh báo từ cấp 8 trở lên được duy trì suốt 19 giờ trong hôm Chủ nhật, trong đó có 7 giờ với tín hiệu bão cấp 10, trước khi Đài Thiên văn Hong Kong hạ xuống cấp 3 lúc 19h40. Tất cả các tín hiệu được hủy bỏ vào lúc 5h10 sáng 21/7.

Trong suốt ngày Chủ nhật vừa qua, đã có 18 nam và 15 nữ bị thương và cần được điều trị tại các phòng cấp cứu. Con số này thấp hơn so với bão Saola năm 2023 với 86 người bị thương cũng dưới tín hiệu bão cấp 10.

 Một chiếc ô tô bị đè bẹp một phần dưới gốc cây đổ ở Sha Tin, Hong Kong. Ảnh: SCMP.

Một chiếc ô tô bị đè bẹp một phần dưới gốc cây đổ ở Sha Tin, Hong Kong. Ảnh: SCMP.

Hơn 270 người đã phải trú tạm tại 34 trung tâm trú ẩn khẩn cấp của chính phủ. Tính đến 20h, có hơn 700 báo cáo về cây đổ, trong đó một số dẫn đến việc đường bị tắc nghẽn và làm hư hại phương tiện đang đỗ bên dưới.

Giao thông công cộng bị đình trệ gần như hoàn toàn cho đến cuối giờ chiều mới dần khôi phục. Khoảng 500 chuyến bay bị hủy khiến hàng nghìn hành khách giận dữ vì bị mắc kẹt tại sân bay và nhà ga cao tốc Tây Cửu Long.

Một du khách Indonesia tên Amy cho biết cô phải ở lại sân bay Hong Kong hơn 30 giờ để đặt lại chuyến bay sau khi chuyến bay đến Bali lúc 10h sáng Chủ nhật bị hủy. Cô đến sân bay từ 18h hôm 19/7 nhưng chỉ có thể đặt được chuyến mới vào sáng 21/7, buộc phải ngủ lại sân bay hai đêm.

 Giàn giáo tre bị thổi bay khỏi một tòa nhà khi cơn bão Wipha đổ bộ vào Hong Kong. Ảnh: SCMP.

Giàn giáo tre bị thổi bay khỏi một tòa nhà khi cơn bão Wipha đổ bộ vào Hong Kong. Ảnh: SCMP.

Tại nhà ga Tây Cửu Long, Kelvin Qiao (36 tuổi) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Chuyến tàu về Quảng Châu của ông bị hủy, buộc vợ chồng ông phải mua vé chuyến 20h. Ông cho biết du khách Trung Quốc đại lục rất khó cập nhật tình hình giao thông tại Hong Kong.

Trong thời gian tín hiệu cảnh báo số 10 có hiệu lực, tại khu vực cao nguyên Ngong Ping, gió giật mạnh nhất vượt 234 km/h.

Cơ quan quản lý xây dựng nhận được 21 báo cáo sự cố, chủ yếu là cửa sổ bị gió thổi văng. 15 trường hợp đã được xử lý, còn lại được chuyển cho cơ quan chức năng khác.

Một sự việc hiếm gặp xảy ra khi một con tàu không neo đậu bị sóng đánh trôi và va vào cầu cảng China Merchants tại khu Kennedy Town. Hiện chưa rõ có người trên tàu hay không.

Cơ quan Cứu hỏa và các bộ phận chính quyền đã hoạt động liên tục trong ngày để dọn cây đổ, thông cống thoát nước và làm sạch đường phố.

 Hành khách xếp hàng tại ga tàu cao tốc Tây Cửu Long. Ảnh: SCMP.

Hành khách xếp hàng tại ga tàu cao tốc Tây Cửu Long. Ảnh: SCMP.

Trước Wipha, Hong Kong từng ghi nhận 17 cơn bão kích hoạt tín hiệu số 10 kể từ năm 1946. Wipha – có nghĩa là "rực rỡ" trong tiếng Thái – là cơn bão thứ năm trong hai thập kỷ qua có mức cảnh báo cao nhất này. Tuy nhiên, vận tốc gió trung bình gần tâm bão chỉ là 140 km/h – thuộc mức thấp.

Bão Saola năm 2023 có tốc độ gió 210 km/h – cao nhất kể từ năm 1946. Các siêu bão Mangkhut (2018) và Hato (2017) đạt 185 km/h. Tuy vậy, Đài Thiên văn Hong Kong cho biết tốc độ gió đo được ở nhiều khu vực khi bão Wipha đi qua tương đương với Saola.

Dù Wipha đã rời Hong Kong, Đài Thiên văn cho biết tín hiệu cảnh báo số 3 vẫn sẽ được duy trì trong thời gian tới. Sau đó, khi bão không còn đe dọa, sẽ được thay bằng tín hiệu gió mùa mạnh hoặc tín hiệu cảnh báo số 1.

Bão đổ bộ vào thành phố Đài Sơn, tỉnh Quảng Đông lúc 18h ngày 20/7. Trước đó khoảng 280.000 người đã được sơ tán trên đất liền và hơn 12.000 người từ ngoài khơi. Dự báo trong vài ngày tới, ven biển Quảng Đông vẫn có mưa rào và giông gió mạnh. Thời tiết sẽ cải thiện vào cuối tuần, nhưng một vùng áp thấp sẽ tiếp tục gây mưa rải rác.

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/bao-wipha-tan-pha-hong-kong-nhieu-nguoi-bi-thuong-hang-nghin-hanh-khach-mac-ket-post187765.html