Chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi

Chuyên gia đến từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khám bệnh và tư vấn cho người cao tuổi ở Phú Yên, trong một chương trình thiện nguyện được tổ chức vào cuối năm 2020. Ảnh: YÊN LAN

Cơ cấu dân số nước ta đang được xếp vào nhóm có cơ cấu vàng, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng dân cư cũng được cải thiện đáng kể, tuổi thọ trung bình của người dân xấp xỉ 74 tuổi. Tuy nhiên, chúng ta còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa, nhất là trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng, bình quân một người cao tuổi có 2-3 bệnh lý mãn tính. Mỗi người, sau 60 tuổi đều sống với bệnh tật, cần có sự chăm sóc nhiều mặt. Tuy tuổi thọ có tăng nhưng chất lượng cuộc sống của người cao tuổi chưa được cải thiện nhiều.

Thay đổi lớn về tâm sinh lý

Người cao tuổi là những người từ đủ 60 tuổi trở lên (theo Luật Người cao tuổi). Ở độ tuổi này, do hệ thống cơ xương khớp đã lão hóa, xương bị loãng, dịch khớp giảm, mạch máu bị xơ hóa, đưa máu đến nuôi các cơ quan kém nên hầu hết người cao tuổi có cảm giác nhức mỏi, ngủ chập chờn... Đàn ông hay tiểu đêm, tiểu dắt do u xơ tuyến tiền liệt. Ở nữ, lượng nội tiết tố nữ giảm kéo theo nhiều rối loạn sinh lý khác. Bên cạnh đó, ở người cao tuổi, răng đã lung lay, thậm chí rụng nhiều, sức nhai kém, ăn uống khó khăn, khó hấp thu thức ăn, dễ bị rối loạn tiêu hóa...

Về tâm lý, ở tuổi trên 60, người cao tuổi thường có tâm lý muốn được mọi người trong gia đình quan tâm. Họ thường nghĩ phải là tâm điểm để mọi thành viên trong gia đình - nhất là con cháu - quan tâm đến. Thậm chí, có người cao tuổi trở thành “trẻ nhỏ” của con cái họ. Họ hờn dỗi, thậm chí bỏ ăn, bỏ uống khi cảm thấy con cháu không quan tâm đến mình. Hơn nữa, sau một thời gian dài làm lụng, về già họ trở nên chậm chạp, các động tác thiếu chuẩn xác. Nhiều người cao tuổi bị hạn chế nhiều trong sinh hoạt hàng ngày, từ đó họ trở nên chán nản, cảm thấy mình bị “thừa” trong cuộc sống hiện tại, thậm chí nảy sinh những ý nghĩ tiêu cực. Người cao tuổi trở nên bẳn tính, hay cáu gắt, dễ rối loạn cảm xúc, thiếu sự thông cảm, chia sẻ với con cháu và có khi xảy ra xung đột do độ tuổi khác nhau, tâm lý khác nhau. Những xung đột này hay xảy ra ở những gia đình tam, tứ đại đồng đường (3-4 thế hệ sống trong một nhà).

Cần được chăm sóc, nghỉ ngơi

Bình quân một người cao tuổi ở nước ta “sống chung” với 2-3 bệnh lý mãn tính. Do đó, họ cần được chăm sóc sức khỏe khi cần thiết, cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi khác với các thành viên khác trong gia đình.

Người cao tuổi cần có chế độ ăn mềm, dễ tiêu, thức ăn cần đủ dinh dưỡng, dễ hấp thu và hợp khẩu vị. Điều này không hề đơn giản, nếu trong một gia đình có cả người già, trẻ em, thanh niên, vị thành niên, trung niên. Trong sinh hoạt cũng vậy. Người cao tuổi thích yên tĩnh, trong khi thanh niên lại thích sôi động… Còn nhiều, rất nhiều sự khác biệt giữa người cao tuổi và lớp con cháu, cần phải điều chỉnh cho hợp lý, nếu không xung đột trong gia đình là điều không tránh khỏi.

Để giải quyết hài hòa và tạo điều kiện cho người cao tuổi sống vui, sống khỏe, cần có sự vào cuộc của cả cơ quan chức năng, cộng đồng dân cư và các thành viên của từng gia đình có người cao tuổi.

Cơ quan chức năng có các chính sách chăm sóc người cao tuổi như hỗ trợ tài chính, tạo môi trường cho họ có nơi sinh hoạt, vui chơi giải trí, tổ chức các CLB Người cao tuổi, dịch vụ y tế chăm sóc người cao tuổi khi họ có nhu cầu.

Phú Yên có hơn 960.000 dân, trong đó khoảng 130.000 người trên 60 tuổi (chiếm khoảng 11%, riêng số người trên 65 tuổi chiếm 7,7%). Phú Yên cần có các viện dưỡng lão hoặc khoa chăm sóc người cao tuổi ở các bệnh viện. Viện dưỡng lão vừa đáp ứng nhu cầu chăm sóc người cao tuổi vừa góp phần sử dụng nguồn nhân lực y tế chưa có việc làm phù hợp với chuyên môn của họ, đồng thời tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình người cao tuổi tập trung phát triển kinh tế gia đình, kinh tế xã hội.

Bên cạnh đó, các gia đình của người cao tuổi cần hiểu được tâm lý người cao tuổi để có sự thông cảm, chia sẻ với bố mẹ, ông bà mình trong sinh hoạt và cuộc sống, giúp người cao tuổi cảm thấy thoải mái, vui sống với con cháu.

Toàn tỉnh có hơn 30.800 người cao tuổi được lập hồ sơ quản lý sức khỏe, gần 92.200 người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, gần 34.700 người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ; 100% trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố bố trí phòng, buồng khám bệnh cho người cao tuổi. Công tác khám chữa bệnh cho người cao tuổi đã được đưa về tuyến xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện cho họ tiếp cận các dịch vụ y tế.

BS NGUYỄN VINH QUANG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/95/269121/cham-soc-bao-ve-suc-khoe-cho-nguoi-cao-tuoi.html