Chăm sóc đàn vật nuôi mùa nắng nóng

Hiện đang là cao điểm nắng nóng, việc chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi đang được các địa phương tích cực triển khai, đảm bảo cho đàn vật nuôi phát triển ổn định.

Những ngày nắng nóng gay gắt vừa qua, để bảo vệ hơn 6.000 con gà mái đẻ, ông Trần Văn Phúc, thôn Tân Thắng, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) sử dụng hệ thống phun nước trên mái chuồng và giàn lạnh trong chuồng nuôi để hạ nhiệt. Theo ông Thắng, bắt đầu từ đợt cao điểm nắng nóng đầu tháng 5 vừa qua, tất cả các chuồng nuôi của gia đình ông đều phải vận hành hệ thống làm mát, quạt gió cho đến hệ thống lọc nước để bảo đảm an toàn cho đàn gà. Để không gia tăng hơi nóng cho chuồng trại, ông Thắng chỉ phun nước trên mái từ 9 - 10 giờ, chiều từ 3 giờ đến tối mát. Ngoài ra, ông Thắng cũng đã tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh vụ xuân hè cho gà giống, cung cấp đủ thức ăn, bổ sung chất điện giải, giảm tinh bột, chất béo và các loại vitamin để tăng sức đề kháng cho đàn gà.

Ông Lương Hải Tuyên, thôn Nặm Kép, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) bổ sung thêm thức ăn xanhcho đàn bò trong mùa nắng nóng.

Huyện vùng cao Lâm Bình hiện có gần 13 nghìn con gia súc và trên 42 nghìn con gia cầm, việc bảo vệ đàn vật nuôi cũng được người dân chủ động thực hiện. Ông Nguyễn Quốc Sử, thôn Nà Khà, xã Lăng Can hiện đang nuôi 4 con trâu, bò và 500 con vịt. Những ngày nắng nóng cao điểm, ông Sử không thả đàn gia súc mà buộc trong chuồng, chủ động sẵn nguồn thức ăn xanh, thức ăn tinh và nước uống đầy đủ. Đàn vịt cũng được ông bổ sung thêm nguồn thức ăn từ tôm, cá nhỏ để tăng sức đề kháng.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, ngoài việc hướng dẫn người dân cách xây dựng chuồng trại thoáng mát, đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, thì việc tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi được địa phương này quyết liệt triển khai. Đến hết tháng 5, Lâm Bình đã tiêm các loại vắc xin đối với đàn trâu, bò đạt gần 90%, đàn lợn đạt 43,5%, đàn gia cầm 11%. Hiện, lực lượng thú y trên địa bàn huyện tiếp tục tiêm bổ sung những con vật nuôi chưa được tiêm vắc xin, song song với đó là hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại bảo vệ đàn vật nuôi, không để dịch bệnh lây lan.

Hợp tác xã chăn nuôi trâu, bò Hùng Đức (Hàm Yên) hiện đang duy trì hơn 50 con trâu, bò. Anh Bùi Văn Nguyên, Phó Giám đốc Hợp tác xã cho biết, để bảo vệ đàn trâu bò, các thành viên trong hợp tác xã đã lắp thêm chống nóng cho hệ thống mái che và tắm mát thường xuyên cho đàn. Có những ngày nhiệt độ ngoài trời lên đến gần 40 độ C, nhưng nhờ đã được hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc nên đàn đại gia súc vẫn được chăm sóc, bảo vệ khỏe mạnh.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, những ngày nắng nóng, đơn vị khuyến cáo nhân dân không thả rông đàn gia súc, nhất là trong khoảng thời gian từ 10 giờ đến 16 giờ trong ngày. Các hộ chăn nuôi chăn thả gia súc vào buổi sáng sớm, buổi chiều mát hoặc những ngày nhiệt độ dưới 30oC. Thường xuyên kiểm tra chuồng trại, che phủ lên mái thêm các vật liệu chống nóng, tạo chuồng trại thoáng mát, rải thêm các nguyên liệu làm mát xuống nền nhằm giảm nhiệt, tạo sự dễ chịu cho vật nuôi. Những hộ chăn nuôi quy mô lớn, đơn vị cũng khuyến cáo giảm mật độ chăn nuôi, giãn thời gian các lứa nuôi, chú trọng làm thoáng chuồng nuôi. Đối với chuồng kín, phải thường xuyên kiểm tra nhiệt độ chuồng nuôi, tránh trường hợp mất điện, cần cải tạo cho thông thoáng hoặc đặt quạt hút gió để tăng cường đối lưu không khí, giảm nhiệt độ và khí độc trong chuồng. Bảo đảm dinh dưỡng, khẩu phần ăn hợp lý, bổ sung chất điện giải, tăng sức đề kháng cho gia súc, gia cầm.

Không chỉ đàn gia súc, gia cầm bị ảnh hưởng, động vật thủy sản cũng là những đối tượng nuôi nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết, đặc biệt trong mùa nắng nóng, làm giảm năng suất và sản lượng. Chi cục Thủy sản tỉnh cũng đã có văn vản hướng dẫn các hộ chăn nuôi sử dụng lưới đen che phủ 2/3 diện tích mặt ao bảo đảm cao hơn mặt nước trên 2 m; những ao nuôi có thể thả bèo tây chiếm 1/3 diện tích mặt ao làm chỗ trú nắng cho cá. Duy trì mực nước ao nuôi tối thiểu từ 1,2 m trở lên; tăng cường sục khí, quạt nước, sử dụng chế phẩm vi sinh, men tiêu hóa, vitamin C, chất khoáng trộn vào thức ăn và vãi trực tiếp xuống ao nuôi để tăng sức đề kháng, cải thiện môi trường nước và phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản. Đối với cá nuôi trong lồng, bè cần thường xuyên vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ và thông thoáng để lưu thông nước trong và ngoài lồng; kiểm tra, tu sửa bảo đảm lồng nuôi luôn vững chắc, đậy nắp lồng để tránh thất thoát cá ra ngoài; hạ thấp lồng nuôi bảo đảm độ sâu luôn ở mức 2,5 - 3 m; dùng vôi bột cho vào túi vải treo ở các góc lồng nuôi để phòng bệnh cho cá.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng yêu cầu các đơn vị chuyên môn phối hợp với cán bộ thú y cơ sở hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật chăm sóc, bổ sung thêm rau xanh, nước uống và các loại Vitamin A, D, chất điện giải... nhằm tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi trong những ngày nắng nóng. Tránh vận chuyển gia súc, gia cầm trong thời điểm nắng nóng, nên vận chuyển vào sáng sớm hoặc chiều mát. Khi vận chuyển cần bảo đảm mật độ hợp lý để gia súc, gia cầm thoải mái, tránh ngột ngạt. Các hộ chăn nuôi cần theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng của đàn vật nuôi, nếu phát hiện gia súc, gia cầm ốm, bị bệnh phải cho cách ly, điều trị, xử lý kịp thời, đặc biệt là các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp và bệnh truyền nhiễm, đồng thời tiêm phòng vắc xin đầy đủ nhằm bảo đảm an toàn cho vật nuôi trong mọi tình huống.

Bài, ảnh: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/cham-soc-dan-vat-nuoi-mua-nang-nong-133077.html