Chăm sóc, điều trị những bệnh nhân 'đặc biệt'

'Giúp bệnh nhân tâm thần giảm được các triệu chứng, phục hồi khả năng giao tiếp, sinh hoạt hằng ngày, lao động, tái hòa nhập cộng đồng'. Đây là công việc hằng ngày của các y, bác sỹ và điều dưỡng tại Bệnh viện tâm thần tỉnh trong những năm qua.

Y sỹ, điều dưỡng Bệnh viện tâm thần tỉnh phát thuốc uống cho bệnh nhân.

Y sỹ, điều dưỡng Bệnh viện tâm thần tỉnh phát thuốc uống cho bệnh nhân.

Bệnh viện tâm thần tỉnh hiện có 7 khoa, phòng, quy mô 135 giường bệnh, với 47 cán bộ, y, bác sĩ, điều dưỡng, có nhiệm vụ chăm sóc và điều trị nội trú cho bệnh nhân nội trú và bệnh nhân ngoại trú. Với các nhiệm vụ đặc thù trong điều trị các dạng bệnh lý: Tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, rối loạn tâm thần do sử dụng rượu, ma túy, sốc tâm lý... tính chất bệnh tâm thần luôn có chiều hướng phức tạp hơn.

Với phương châm “Sử dụng hài hòa phương pháp điều trị hóa dược, điều trị tâm lý kết hợp lao động và thể dục, thể thao”, ngoài thực hiện nghiêm túc quy chế thường trực, cấp cứu, khám bệnh, hội chẩn, kê đơn thuốc, giám sát bệnh nhân uống thuốc.... y, bác sỹ, điều dưỡng còn thường xuyên trò chuyện, thăm hỏi, khai thác yếu tố tâm lý bệnh nhân từ người nhà để nắm bắt kịp thời các diễn biến bất thường của người bệnh, như hoang tưởng, lo sợ, nói nhảm,...

Các bệnh nhân đã điều trị có tâm lý ổn định được y, bác sỹ hướng dẫn trồng cây, chăm sóc vườn rau, tập luyện bóng rổ, bóng chuyền hơi, đá cầu… Trung bình một ngày, Bệnh viện điều trị từ 20-30 lượt bệnh nhân nội trú; khám bệnh, cấp thuốc cho từ 40 - 50 lượt người bệnh mới và điều trị ngoại trú.

Gần 15 năm gắn bó với công tác chẩn đoán, điều trị bệnh nhân tâm thần, bác sỹ chuyên khoa I Sa Hải Nam, phụ trách điều trị chung và chẩn đoán hình ảnh, chia sẻ: Đa số bệnh nhân được đưa vào khám, điều trị bệnh đều đã chuyển biến nặng do sợ định kiến xã hội không, hoặc kinh tế gia đình khó khăn, nên trong thời gian đầu điều trị thường có biểu hiện hoảng loạn, la hét, đập phá… nhiều bệnh nhân bỏ ăn, không uống thuốc, không cho khám bệnh. Với các liều pháp điều trị và làm công tác tâm lý hầu hết các bệnh nhân chỉ sau khoảng 7 - 10 ngày điều trị, chăm sóc, bệnh nhân dần ổn định, đáp ứng tốt y lệnh của bác sỹ, điều dưỡng, nên việc chăm sóc, điều trị thuận lợi hơn.

Hằng năm, Bệnh viện cử các y, bác sỹ đi bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức mới trong chẩn đoán và điều trị; thực hành các quy trình kỹ thuật theo chuyên ngành. Khuyến khích cán bộ, y, bác sỹ tham gia nghiên cứu đề tài khoa học để áp dụng vào khám, chữa bệnh. Riêng năm 2020, Bệnh viện có 5 đề tài nghiên cứu khoa học được Hội đồng Khoa học Sở Y tế nghiệm thu, trong đó 2 đề tài đạt khá, 3 đề tài đạt. Các đề tài đều được áp dụng vào thực tiễn chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân tâm thần.

Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Lâm, Giám đốc Bệnh viện, cho biết: Bệnh viện đã được đầu tư máy siêu âm doppler xuyên sọ, siêu âm ổ bụng tổng quát, điện tim, sốc điện, điện não đồ, lưu huyết não... hỗ trợ chẩn đoán, điều trị bệnh nhân. Đối với bệnh nhân tâm thần, trong quá trình điều trị, ngoài yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ thì yếu tố tâm lý chiếm phần lớn. Nhiều khi họ chống đối, hoang tưởng, nên đội ngũ y, bác sỹ vừa bảo vệ an toàn cho bản thân, vừa cùng gia đình ổn định tâm lý tạm thời cho bệnh nhân... Vì vậy, điều trị cho bệnh nhân tâm thần đòi hỏi tinh thần, trách nhiệm, yêu nghề và đồng cảm với người bệnh.

Chị Quàng Thị Liên, bản Phung, phường Chiềng Sinh (Thành phố), người nhà bệnh nhân Nguyễn Công Cường đang điều trị tại Bệnh viện, chia sẻ: Chồng tôi bị mắc chứng rối loạn cảm xúc. Trước đây thường hay bỏ nhà đi, sợ bị người khác đánh, sợ bóng tối, không kiểm soát được hành vi, phải đưa vào Bệnh viện Tâm thần điều trị. Được các y, bác sỹ tận tình chăm sóc, sau 3 năm điều trị nội trú, bệnh của tôi đã giảm, tự vệ sinh cá nhân, tự ăn uống, tâm lý ổn định. Tôi được xuất viện hơn 3 tháng nay và tiếp tục điều trị ngoại trú, tái khám và cấp thuốc uống hàng tháng.

Với tinh thần, trách nhiệm, yêu nghề và đồng cảm với người bệnh, Bệnh viện tâm thần tỉnh tiếp tục phối hợp với các bệnh viện tuyến trung ương bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ y, bác sỹ, nâng cao chất lượng khám, điều trị cho bệnh nhân; phối hợp với trạm y tế, xã, phường trong toàn tỉnh thực hiện Chương trình “chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân và trẻ em ngay tại cộng đồng”..., góp sức chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân.

Trường Sơn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/cham-soc-dieu-tri-nhung-benh-nhan-dac-biet-42527