Chăm sóc học sinh như chăm chính con mình đẻ ra

Sức khỏe học đường chỉ có thể được xây dựng và củng cố bằng lương tâm và sự minh triết của các nhà giáo dục để luôn quan tâm đúng mức đến thể chất và tinh thần của học sinh. Đó cũng là mục tiêu mà Trường Tiểu học Văn Khê (Hà Nội) đang theo đuổi.

Cô và trò Trường Tiểu học Văn Khê (Hà Nội) vừa trải qua tết cổ truyền 2024 đáng nhớ.

Cô và trò Trường Tiểu học Văn Khê (Hà Nội) vừa trải qua tết cổ truyền 2024 đáng nhớ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Một năm khởi đầu từ mùa xuân/ Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ/ Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội".

Tuổi trẻ có vai trò vô cùng quan trọng đối với tương lai của một đất nước. Lớp người trẻ với năng lượng trẻ, sức khỏe, tinh thần hứng khởi là nguồn tài nguyên "sống" quý giá cho sự phát triển của quốc gia.

Sức khỏe nói chung và sức khỏe học đường nói riêng có vị trí then chốt đối với hạnh phúc của con người cũng như sự phát triển bền vững của một quốc gia. Làm thế nào để con em chúng ta được chăm sóc và giáo dưỡng cho sức khỏe thể chất và tinh thần ở những môi trường có những yếu tố tích cực và thấm đẫm những giá trị nhân văn và minh triết?

Chúng ta hãy cùng đến với ngôi trường nhỏ thuộc Phường La Khê, Hà Đông, Hà Nội - Trường Tiểu học Văn Khê. Nơi mà ở đó có những "người lái đò" thầm lặng đã và đang ngày đêm nuôi dưỡng những tâm hồn non trẻ để các con ngày càng mạnh khỏe và hạnh phúc.

Sức khỏe học đường với 3 trụ cột là dinh dưỡng học đường, thể lực học đường và vệ sinh trường học được nhà trường đặc biệt chú trọng.

Cán bộ giáo viên nhà trường hướng các hoạt động tập trung vào học sinh nhằm trang bị sẵn sàng về nhân cách, tri thức, thể chất và tinh thần giúp học sinh dễ dàng thích nghi và thành công trong bất kỳ môi trường nào.

Trường Tiểu học Văn Khê thuộc quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Ngôi trường nhỏ có gần 1700 học sinh (các khối lớp từ lớp 1 đến lớp 5) và tổng số 60 giáo viên luôn tràn ngập không khí lao động, học tập rất vui tươi, phấn khởi.

Với phương châm "COI HỌC SINH NHƯ CHÍNH CON MÌNH ĐẺ RA" nên các cán bộ giáo viên nhà trường đã luôn làm việc bằng cả trái tim. Các thầy cô, cán bộ, công nhân viên nhà trường luôn coi sức khỏe của học sinh là một ưu tiên. Hạnh phúc của học sinh khi đến trường là điều quan trọng. Nhiệm vụ chăm sóc thể chất, tinh thần cho học sinh là điều cần làm mỗi ngày. Học sinh đến trường mỗi ngày như được đến ngôi nhà thứ 2 của mình, đắm chìm trong tình thương chân chính, tình thương xuất phát từ tâm của người giáo viên.

Không gian bếp ăn bán trú của Trường Tiểu học Văn Khê.

Không gian bếp ăn bán trú của Trường Tiểu học Văn Khê.

Hiệu trưởng luôn kiểm tra thực phẩm trong bếp ăn bán trú hằng ngày.

Hiệu trưởng luôn kiểm tra thực phẩm trong bếp ăn bán trú hằng ngày.

Đối với sức khỏe thể chất của các con, nhà trường có kế hoạch chăm lo từng bữa ăn với chế độ cân bằng dinh dưỡng khoa học. Với lương tâm và trách nhiệm của cha mẹ với đàn con thơ, để xây dựng một môi trường an toàn nhất cho các học sinh.

Trong bếp ăn nêu cao khẩu hiệu: "Lương tâm người đầu bếp, dành phúc đức mai sau" như một khẩu hiệu tâm ý của cán bộ nhân viên nhà trường đối với các vấn đề an toàn vệ sinh cho các học sinh.

Hiệu trưởng nhà trưởng, nhà giáo Trần Thị Quyên đã chia sẻ với toàn thể phụ huynh quan điểm về chế độ dinh dưỡng - bữa ăn bán trú của các học sinh. Lời chia sẻ rất chân thành và xúc động khi cô nói rằng cô hiểu mỗi suất ăn của các con chính là mồ hôi, nước mắt của cha mẹ, nên cô và tập thể cán bộ quyết không lạm vào vì sẽ phạm vào những điều tối kỵ. Hiệu trưởng giám sát độ an toàn trước mỗi bữa ăn cho các con trước 15 phút mỗi ngày để nếu có vấn đề gì không an toàn cô sẽ là người chịu trách nhiệm trước.

Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng ngày nguồn thực phẩm tươi đảm bảo được Ban An toàn vệ sinh của trường kiểm tra kỹ càng độ tươi ngon. Nhà trường kiên quyết ko dùng các thực phẩm đông lạnh, đồ ăn nhanh, không có nguồn gốc rõ ràng.

Thực đơn bếp ăn bán trú hằng ngày của Trường Tiểu học Văn Khê.

Thực đơn bếp ăn bán trú hằng ngày của Trường Tiểu học Văn Khê.

Toàn thể cán bộ, nhân viên, lao công, bảo vệ, nhà bếp đã dành tâm huyết để cọ rửa khay thìa bát đĩa, ca cốc uống nước, khăn gối bán trú, kiểm tra bóng đèn, quạt tường… quét dọn trong ngoài lớp học. Thông tin về chế độ dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm được nhà trường cập nhật thường xuyên trên cổng thông tin của nhà trường và gửi trực tiếp trước mỗi bữa ăn của các con cho các phụ huynh.

Điều này giúp phụ huynh rất yên tâm về sức khỏe dinh dưỡng, thể chất cho con em của mình. Đó là minh chứng rõ ràng cho tấm lòng của người giáo viên, người lãnh đạo tại ngôi trường này.

Các phương pháp giáo dục được nhà trường áp dụng dựa trên cơ sở: liệu pháp hành vi và thực hành lòng biết ơn.... đều phát huy những tác dụng trong giáo dục học sinh.

Để nâng cao thể chất sức khỏe, tính kiên trì và khả năng tự vệ, nhà trường chú trọng các hoạt động thể dục thể thao nâng cao sức khỏe cho học sinh thông qua các môn thể thao: võ cổ truyền Việt Nam. Dạy võ cổ truyền trong trường học giúp cho các em học sinh rèn luyện thể chất, nâng cao ý thức kỷ luật, tăng cường thể lực và biết tự bảo vệ cho bản thân khi gặp những tình huống nguy hiểm. Hội thi võ thuật cũng được tổ chức định kỳ cho tất cả các khối trong trường giúp học sinh phát triển toàn diện cả về Đức- Trí- Thể- Mỹ.

Những giờ nghỉ ngơi của học sinh, cô Hiệu trưởng nhà trường Trần Thị Quyên cũng để tâm đến không gian và đồ dùng cá nhân để đảm bảo công tác bán trú. Cô trăn trở với việc gối ngủ của các con không đảm bảo, ngay lập tức cô phối hợp ban phụ huynh để mua sắm cho các con đầy đủ. Cô thường xuyên đọc các câu chuyện hay trong các giờ nghỉ trưa cho các con: Totochan- cô bé bên cửa sổ, Dế mèn Phiêu lưu ký, Những tấm lòng cao cả… nhằm giúp cho học sinh cảm nhận thêm những giá trị tốt đẹp, nhân văn trong cuộc sống.

Không gian thư viện ngoài trời ấn tượng của Trường Tiểu học Văn Khê.

Không gian thư viện ngoài trời ấn tượng của Trường Tiểu học Văn Khê.

Sức khỏe tâm thần là một phần quan trọng của sức khỏe tổng thể, liên quan đến khả năng suy nghĩ, học hỏi và nhận thức của học sinh cũng hết sức được chú trọng. Hiệu trưởng nhà trường, cô Trần Thị Quyên đã tìm hiểu và áp dụng rất nhiều phương pháp, lồng ghép qua các môn học để chăm sóc cho học sinh và hỗ trợ các em cải thiện các kỹ năng và duy trì sức khỏe tâm thần lành mạnh - từ đó xây dựng một nền tảng cho cuộc sống hạnh phúc.

Bồi dưỡng lòng biết ơn cha mẹ, thầy cô, những tấm gương anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu cho nền độc lập dân tộc và sự bình yên cho các thế hệ được sinh ra trong hòa bình cũng là mục tiêu giáo dục được nhà trường đặt ra như một nhiệm vụ trọng yếu.

Tác phẩm của học sinh dự thi vẽ tranh kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tác phẩm của học sinh dự thi vẽ tranh kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động trong dịp kỷ niệm những ngày đại lễ của dân tộc: thi kể chuyện, vẽ tranh, xem phim tư liệu về Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), Đại thắng mùa xuân 1975 và mời những nhân chứng lịch sử chia sẻ đối với học sinh. Thông qua đó giáo dục các em học sinh lòng tự hào dân tộc, tinh thần biết ơn các thế hệ đi trước, trân quý cuộc sống để từ đó ra sức phấn đấu thi đua lao động, học hành thật tốt.

Bản thân các học sinh cũng trở thành chủ thể bảo vệ không gian, môi trường học tập của mình bằng thói quen ngăn nắp, biết sắp xếp đồ đạc gọn gàng không gian lớp học. Nhà trường phối hợp Đảng ủy Phường, Ban phụ huynh sắm sửa những giá để giày dép, chăn gối giúp các em học sinh để đồ đạc ngay ngắn mỗi ngày.

Trước ban công lớp học là những giò hoa, cây cảnh giúp cho không gian học tập thân thiện và vô cùng dễ chịu. Bằng các hoạt động luân phiên trực nhật, vệ sinh lớp học, giữ gìn khu vệ sinh chung của nhà trường…

Khu vệ sinh cũng được nhà trường cố gắng khắc phục các khó khăn hiện tại để được dọn dẹp thường xuyên sạch sẽ, kết hợp với âm thanh tiếng nhạc nhẹ nhàng giúp cho con trẻ vượt qua nỗi sợ khi vào nhà vệ sinh công cộng. Qua những công việc và nhiệm vụ hàng ngày, học sinh biết trân trọng giá trị của lao động, chịu trách nhiệm trong mọi lời nói và hành động của mình.

Nhà trường rất chú trọng chất lượng đào tạo nên chú trọng vào việc lựa chọn kỹ lưỡng chương trình phù hợp các con cũng như các sinh hoạt chuyên môn thường xuyên để nâng cao các phương pháp giảng dạy cho giáo viên nhà trường.

Nhằm tạo sân chơi trí tuệ cho các con, nhà trường tổ chức các cuộc thi: Rung chuông vàng, Trạng nguyên, Hùng biện tiếng Anh… Các cuộc thi đã giúp học sinh có cơ hội học hỏi, phát triển năng lực thuyết trình, diễn đạt các ý tưởng, rèn luyện bản lĩnh, phương pháp xử lý linh hoạt, tự tin trước đám đông.

Mỗi giờ ra chơi sân trường lại rộn vang tiếng cười đùa làm cho từng nhành cây ngọn cỏ cũng múa reo, nhảy nhót. Tại góc sân trường, các con được thỏa sức chơi biết bao trò chơi thú vị: Đuổi bắt, soi gương, ô số, đi đường ziczac…Những không gian và trò chơi nhẹ nhàng trong giờ giải lao không chỉ giúp các con giải tỏa những căng thẳng mệt mỏi sau những giờ học tập trí tuệ mà còn nâng cao kỹ năng vận động và thể chất cho các con.

Nhưng có lẽ đáng yêu nhất là không gian tủ sách ngoài trời được bố trí rất thân thiện xung quanh những gốc cây. Bên cạnh những tủ sách ngay ngắn là hình ảnh các cô cậu học trò đang chăm chú đọc sách trong tủ sách của nhà trường.

Học sinh được hướng dẫn và khám phá những lĩnh vực mình yêu thích, từ đó chủ động tìm tòi kiến thức, truyền cảm hứng và tạo động lực cho mọi người xung quanh. Trong sân trường có thư viện xanh mang thông điệp "Hãy để việc đọc sách trở thành một thói quen".

Đọc một cuốn sách hay cũng như bạn tìm được một chất xúc tác giúp bản thân rèn luyện tính kiên nhẫn, khả năng ngôn ngữ, giao tiếp, tưởng tượng và sáng tạo, bồi đắp nuôi dưỡng nhân cách con người… Đây là những yếu tố rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ em trong lứa tuổi học sinh. Thông qua việc đọc sách, các em được phát triển trí tuệ, tinh thần, nâng cao kiến thức để trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết. Bên cạnh chương trình học ở lớp, các em nên được tạo điều kiện và rèn thói quen đọc sách mỗi ngày.

Trong năm học, Trường Tiểu học Văn Khê đã áp dụng phong trào quyên góp những quyển vở sạch, đẹp để ủng hộ cho các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, thiếu nhi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Những "Quyển vở yêu thương" là những món quà nhỏ bé, nhen nhóm tình yêu thương, sự sẻ chia và sẵn lòng giúp đỡ người khác trong khả năng của mình. Học sinh sống với lòng nhân hậu, thấu cảm, tôn trọng sự đa dạng và đóng góp tích cực cho gia đình và xã hội.

Tuổi trẻ là tương lai của đất nước. Sự trưởng thành của con em luôn là niềm mong mỏi của những người làm cha, làm mẹ. Tất cả những người đã và đang trăn trở với sự trưởng thành của con trẻ đều hiểu rằng: "Một bàn tay vỗ không nên tiếng" và "Không có gì tác động lên tâm hồn con trẻ sâu sắc bằng sự làm gương và giữa muôn vàn tấm gương không có tấm gương nào sâu sắc và bền chặt bằng tấm gương của các bậc cha mẹ và thầy cô giáo" (J.A. Komenxki).

Hiệu quả các hoạt động của Trường Tiểu học Văn Khê cho thấy chỉ có sự phối hợp của gia đình cùng nhà trường mới làm nên điểm tựa vững cho các con có thêm động lực và tinh thần để bước tiếp những chặng đường trong sự trưởng thành. Sức khỏe học đường chỉ có thể được xây dựng và củng cố bằng lương tâm và sự minh triết của các nhà giáo dục để luôn quan tâm đúng mức đến thể chất và tinh thần của học sinh.

Tác giả: Nguyễn Thị Mai Anh

Hà Nội

(Bài dự thi "Sức khỏe học đường vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước")

Bài dự thi xin gửi về Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học:

Email: toasoan@congdankhuyenhoc.vn

Địa chỉ: Số 29/67 Đỗ Quang, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Nguyễn Thị Mai Anh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/cham-soc-hoc-sinh-nhu-cham-chinh-con-minh-de-ra-179240531234051592.htm