Chăm sóc lúa mùa theo phương châm 'nặng đầu nhẹ cuối'
Đến ngày 15.7, nông dân các địa phương đã cơ bản hoàn thành gieo cấy, đồng thời chuyển trọng tâm sang chăm sóc, bảo vệ lúa. Để sản xuất vụ mùa giành thắng lợi, hạn chế những tác động của thời tiết và sâu bệnh, ngành nông nghiệp và các địa phương đang tích cực chỉ đạo, khuyến cáo nông dân các biện pháp chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh gây hại lúa.
Nông dân huyện Ân Thi phun thuốc trừ cỏ cho lúa mùa mới gieo cấy
Với những biện pháp chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu vụ sản xuất, nông dân huyện Phù Cừ đã hoàn thành gieo cấy gần 3,5 nghìn ha lúa mùa trước ngày 15.7. Thời điểm này, lúa trong giai đoạn bén rễ, hồi xanh, nông dân tích cực tỉa dặm, bón thúc lần 1 được hơn 1,5 nghìn ha, phun thuốc trừ cỏ cho lúa mới gieo cấy. Với đặc thù đồng đất trũng, thường bị ngập úng khi có mưa lớn xảy ra, do vậy, cùng với các biện pháp chỉ đạo nông dân chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh hại lúa, huyện chỉ đạo các địa phương, đơn vị thủy nông và các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, nông dân chủ động điều tiết nước trên ruộng lúa linh hoạt, không để ruộng mới gieo cấy bị khô hạn. Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi huyện, các địa phương chủ động phương án phòng, chống ngập úng khi có mưa lớn xảy ra, đặc biệt từ cuối tháng 7 đến tháng 9. Các địa phương cần theo dõi sát dự báo thời tiết, thủy văn trên các phương tiện truyền thông; rà soát lại nguồn nhân lực, các loại vật tư, máy móc, phương tiện, thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống lụt bão, úng để lúa, hoa màu sinh trưởng và phát triển thuận lợi.
Qua kiểm tra của Chi cục Bảo vệ thực vật, hiện nay, lúa mùa xuất hiện ốc bươu vàng gây hại rải rác ở một số diện tích lúa mới gieo cấy, mật độ phổ biến 0,3 - 0,5 con/m2, nơi cao 1 – 3 con/m2. Nông dân đã và đang phòng trừ nơi có mật độ ốc cao trước và sau gieo cấy bằng biện pháp bắt thủ công hoặc dùng thuốc trừ ốc. Chuột gây hại nhẹ, cục bộ chủ yếu trên lúa gieo sạ, ruộng ven làng, gần gò đống, kênh mương; tỷ lệ hại nơi cao 0,5 - 1% số dảnh.
Chi cục chỉ đạo các bộ phận chuyên môn, Trạm Bảo vệ thực vật các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của rầy lưng trắng trên lúa mới gieo cấy; chủ động lấy mẫu rầy lưng trắng di trú để phân tích bệnh lùn sọc đen phương nam nhằm kịp thời cảnh báo và phòng, trừ. Khuyến cáo nông dân sử dụng thuốc trừ cỏ trên lúa an toàn, hiệu quả bằng các thuốc có chứa hoạt chất an toàn, theo liều lượng, thời gian được khuyến cáo trên bao bì của nhà sản xuất. Xử lý bệnh nghẹt rễ ở những ruộng bị ngộ độc hữu cơ, chân ruộng chua bằng biện pháp bón vội bột, phun thuốc kích rễ để cây lúa phát triển kịp thời. Triển khai các biện pháp diệt chuột nhằm đạt hiệu quả và an toàn ngay từ đầu vụ, đặc biệt ở những khu ruộng ven làng, gần gò đống, kênh mương, gần khu công nghiệp, vườn, trang trại…
Đến ngày 18.7, nông dân các địa phương đã tiến hành chăm sóc lúa lần 1 được gần 15 nghìn ha. Để lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi, hạn chế thiệt hại do sâu bệnh, mưa bão gây ra, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các địa phương chỉ đạo nông dân tập trung chăm sóc lúa, phòng, trừ sâu bệnh gây hại. Khi bón phân cho lúa, trên ruộng phải đủ nước mới tiến hành bón phân, không bón phân khi ruộng khô hạn, bón theo phương châm “nặng đầu, nhẹ cuối”, cần bón thúc sớm, bón cân đối, đủ lượng theo quy trình mỗi giống.
Đối với diện tích chưa bón thúc lần 1, cần khẩn trương bón thúc ngay sau khi lúa bén rễ hồi xanh. Những ruộng đã bón thúc lần 1, cần tiến hành bón thúc lần 2 theo quy trình kỹ thuật của từng giống, bón đủ lượng, ưu tiên bón kali để cây lúa tăng cường tích lũy chất khô, thuận lợi cho đẻ nhánh hữu hiệu, tăng khả năng chống đổ, đồng thời tiếp tục dặm bổ sung bảo đảm đủ mật độ những nơi bị mất khóm do ngập hoặc ốc bươu vàng, chuột gây hại.
Những diện tích đã bón thúc lần 2, cần chủ động điều tiết nước khi cây lúa đẻ đủ nhánh hữu hiệu, hạn chế đẻ nhánh vô hiệu. Với ruộng đất xấu, ruộng chưa được bón lót, cần tăng lượng phân bón (bón 65 - 70% lượng đạm và 50 - 60% kali) hạn chế bón phân đơn, nên sử dụng phân tổng hợp NPK. Với ruộng có biểu hiện bị yếm khí, nghẹt rễ, ngộ độc rễ lúa, ngoài bón phân vô cơ, cần bón tăng cường phân chuồng, lân kết hợp làm cỏ sục bùn, bón bổ sung bằng cách phun các loại phân bón qua lá theo chỉ dẫn trên vỏ bao bì.