Chăm sóc sức khỏe ban đầu trong thời đại y học hệ gen

Hơn 400 bác sĩ, nhà nghiên cứu đã có buổi thảo luận các vấn đề về y học hệ gen, chăm sóc sức khỏe ban đầu thế hệ gen, các xu thế dịch chuyển trong y học, xét nghiệm hệ gen... tại Hội thảo Khoa học chuyên đề 'Chăm sóc sức khỏe ban đầu trong thời đại y học hệ gen'.

Hội thảo “Chăm sóc sức khỏe ban đầu trong thời đại y học hệ gen”, do khoa Y (ĐHQG TP. HCM) kết hợp Sở Y tế TP. HCM, Hội Y học TP. HCM, trường ĐH Nguyễn Tất Thành, trường ĐH Phan Châu Trinh và Viện Di truyền Y học tổ chức, tại Hội trường Trần Chí Đáo, Nhà Điều hành ĐHQG TP. HCM.

Theo TS. BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TP. HCM, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP. HCM, nghiên cứu hệ gen (GENOMICS) là nghiên cứu toàn bộ DNA, cho phép giải trình tự, xem xét biểu hiện và sự tương tác giữa các gen. Y học hệ gen (GENOMIC MEDICINE) là lĩnh vực sử dụng thông tin và công nghệ bộ gen để xác định nguy cơ và khuynh hướng bệnh tật, chẩn đoán và tiên lượng, cũng như lựa chọn và ưu tiên các hướng điều trị. “Có thể áp dụng tìm các bệnh tật tiền sản, bệnh hiếm gặp, bệnh mạn tính, nguy cơ ung thư”, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. HCM nói.

GS. TS. BS Đặng Vạn Phước - Trưởng khoa Y (ĐHQG TP. HCM) nhìn nhận, thế kỷ XXI, dịch bệnh và y khoa đang diễn ra theo 3 chiều hướng: Sự chuyển dịch bệnh nhiễm sang bệnh không lây nhiễm; Bệnh tim mạch, ung thư, tâm thần phân liệt và bệnh tiểu đường đã trở thành nguyên nhân chính gây tử vong trên toàn thế giới; và sự phát triển của y học hệ gen đã tạo ra nhiều cuộc cách mạng về chẩn đoán, điều trị, dự phòng, không chỉ cho bệnh nhiễm mà còn các bệnh hiếm, bệnh mạn tính.

GS Đặng Vạn Phước phân tích các xu thế chuyển dịch trong y học đầu thế kỷ XXI. (Ảnh: ĐHQG TP. HCM)

GS Đặng Vạn Phước phân tích các xu thế chuyển dịch trong y học đầu thế kỷ XXI. (Ảnh: ĐHQG TP. HCM)

Riêng tại Việt Nam, theo Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính, năm 2019, các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân tử vong hàng đầu chiếm 81%. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do tuổi tác và cuộc sống không lành mạnh. Trước thực tiễn trên, xét nghiệm gen sẽ giúp dự báo nguy cơ mắc bệnh và khả năng tiến triển của bệnh; cân chỉnh kế hoạch điều trị hiệu quả; giảm thời gian nằm viện, giảm chi phí cho người bệnh; giảm tỉ lệ thất bại trong thí nghiệm lâm sàng…

Bàn về vai trò của y học hệ gen, GS. TS. BS Nguyễn Sào Trung - Phó Chủ tịch Hội Y học TP. HCM nhận định, các thành tựu của nền y học này sẽ giúp tầm soát, phát hiện, chẩn đoán sớm bệnh tật, từ đó xác định phương thức điều trị tốt hơn và rẻ hơn.

Các diễn giả tại buổi Hội thảo. (Ảnh: ĐHQG TP. HCM)

Các diễn giả tại buổi Hội thảo. (Ảnh: ĐHQG TP. HCM)

“Có thể tích hợp y học hệ gen vào y học và dược học để phát triển các loại thuốc thích hợp cho từng người bệnh. Nhiều nghiên cứu cho thấy y học hệ gen giúp cải thiện tình trạng bệnh Alzheimer, suy tim và một số bệnh khác. Dữ liệu hệ gen cũng có thể xác định về mô hình bệnh tật của các chủng tộc. Do đó, hiểu biết về y học hệ gen sẽ giúp cán bộ y tế chẩn đoán, xử trí và điều trị bệnh hiệu đạt hiệu quả tốt hơn”, GS Nguyễn Sào Trung nhấn mạnh.

Hội thảo đã dành riêng một phiên thảo luận về thực hành chăm sóc sức khỏe ban đầu trong thời đại y học hệ gen và lắng nghe 7 báo cáo của các chuyên gia. Hội thảo cũng diễn ra trực tuyến, với sự tham gia của 1.000 đại biểu trong cả nước.

Theo số liệu nghiên cứu của Viện Di truyền Y học TP. HCM, cứ 31 người có một người mang gien ung thư di truyền; người có tiền căn gia đình hoặc bản thân mắc ung thư, tỉ lệ mang đột biến ung thư di truyền chiếm 4,2%; không có tiền căn gia đình hoặc bản thân mắc ung thư, tỉ lệ mang đột biến ung thư di truyền là 2,6%. Để giảm nhẹ gánh nặng ung thư, xét nghiệm en di truyền sẽ giúp phòng ngừa, phát hiện sớm, điều trị thích hợp.

Hà Chi

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/cham-soc-suc-khoe-ban-dau-trong-thoi-dai-y-hoc-he-gen-post1548500.tpo