Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi: Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Để người cao tuổi được sống khỏe, sống vui, hạn chế bệnh tật là điều mong muốn không chỉ của người cao tuổi, mà còn là mong muốn của cả gia đình và xã hội.
Thời tiết nắng nóng những ngày qua khiến lượng bệnh nhân đến khám và nhập viện tại Bệnh viện đa khoa tỉnh gia tăng, nhất là người cao tuổi. Theo các bác sĩ tại bệnh viện, mùa hè với những đợt nắng nóng gay gắt, đột ngột và kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân. Nhất là với người cao tuổi, rất dễ bị rối loạn hệ thần kinh, hệ tim mạch bởi sự mất nước, chất điện giải do trời nóng nhưng khả năng tự điều chỉnh của người cao tuổi là rất khó khăn, vì mọi chức năng đã suy giảm, hệ thần kinh đã bị trì trệ. Hậu quả là nếu nhẹ sẽ làm cho cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi, bủn rủn tay chân, chóng quên và hay cáu gắt, mạch nhanh, tim đập dồn dập, nặng hơn có thể trụy tim mạch. Bên cạnh đó, thói quen dùng điều hòa ở nhiệt độ thấp kéo dài nhiều giờ, đặc biệt vào ban đêm có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ do lạnh. Vì vậy, người bệnh tăng huyết áp không được tắm nước lạnh đột ngột khi vừa đi ngoài nắng nóng vào, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, do thời tiết thay đổi đột ngột khiến người cao tuổi dễ bị bệnh cảm cúm và các bệnh về hô hấp, đau cơ, xương khớp, đặc biệt các cơn đau thường xảy ra ở khớp gối, cột sống thắt lưng, các khớp ở bàn tay, bàn chân.
Ảnh minh họa.
Để phòng bệnh mùa hè, các bác sĩ khuyến cáo người cao tuổi cần uống đủ lượng nước hàng ngày, không để tình trạng khát nước. Nên ăn nhiều rau, trái cây, nhất là các loại rau, quả dễ tiêu hóa vừa để cung cấp thêm nước, các vi chất, vừa để chống táo bón. Hạn chế ra đường khi trời nắng gắt, nếu công việc buộc phải ra khỏi nhà, cần đội mũ rộng vành, mặc quần áo mỏng mát. Khi ngoài nắng về nhà, không nên uống nước đá cũng như thực phẩm lạnh; không nên uống bia lạnh, nhất là người có bệnh tim mạch, tăng huyết áp, hen suyễn và không được tắm ngay khi còn mồ hôi… Ngoài ra, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người cao tuổi là rất quan trọng. Người cao tuổi cần được theo dõi tình hình sức khỏe và sớm phát hiện bệnh, có phương pháp điều trị kịp thời để phòng, chống bệnh tốt hơn.
Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe vật chất, sức khỏe tinh thần người cao tuổi cũng rất cần được quan tâm chăm sóc để giúp người cao tuổi sống vui - khỏe - có ích cho gia đình và xã hội. Một thái độ sống lạc quan luôn là liều thuốc hữu hiệu giúp chiến thắng bệnh tật. Do đó, người cao tuổi nên giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan, ăn uống đúng cách, tập luyện thể dục đều đặn và khám sức khỏe định kỳ. Con cháu nên động viên người cao tuổi tham gia vào các hoạt động xã hội. Đó có thể là câu lạc bộ tình nguyện, các thú vui chơi cờ hoặc các hoạt động thể thao như yoga, dưỡng sinh, đi bộ… Điều này sẽ giúp người cao tuổi kiểm soát tốt tình trạng sức khỏe bản thân, có được sự dẻo dai, minh mẫn để tận hưởng cuộc sống trọn vẹn.
Một điều đặc biệt quan trọng là gia đình cần dành nhiều thời gian quan tâm tới ông bà, cha mẹ mình hơn, thường xuyên trò chuyện, cùng ngồi đọc báo, xem ti vi hay thảo luận vấn đề mà họ quan tâm. Sự thương yêu chăm sóc của các thành viên trong gia đình là một yếu tố rất quan trọng giúp người cao tuổi luôn khỏe mạnh và tận hưởng cuộc sống hạnh phúc bên con cháu.