Chăm sóc sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động
Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), chăm sóc sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp (BNN) cho người lao động (NLĐ) được các cấp, các ngành, địa phương và doanh nghiệp (DN) trong tỉnh Long An quan tâm thực hiện. Từ đó, giúp NLĐ an tâm làm việc trong môi trường an toàn, lành mạnh.
Bệnh nghề nghiệp và những điều cần biết
BNN phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với NLĐ. Nhằm bảo đảm quyền lợi của NLĐ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên phối hợp Sở Y tế và các ngành chức năng phổ biến, hướng dẫn người sử dụng lao động và NLĐ thực hiện tốt ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe và phòng, chống BNN.
Có nhiều nguyên nhân gây BNN như các yếu tố có hại không được kiểm soát tốt trong quá trình lao động (vật lý, hóa học, sinh học,...) ảnh hưởng trực tiếp đến NLĐ. Ngoài ra, còn do người sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, chăm sóc sức khỏe cho NLĐ và cuối cùng là do NLĐ chủ quan, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc.
Hiện Nhà nước quy định có 35 BNN được hưởng bảo hiểm xã hội. Trong đó, có 8 bệnh thuộc nhóm bụi phổi, 10 bệnh thuộc nhóm nhiễm độc, 6 bệnh thuộc nhóm yếu tố vật lý, 5 bệnh thuộc nhóm bệnh da, 6 bệnh thuộc nhóm nhiễm khuẩn. Thạc sĩ Nguyễn Hoài Duyên - Trưởng khoa BNN, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An, cho biết: “Các nhóm BNN có khả năng xảy ra cho NLĐ trên địa bàn tỉnh: Bệnh bụi phổi, nhiễm độc nghề nghiệp, bệnh do yếu tố vật lý, nhiễm khuẩn. Từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám BNN cho 448 lượt NLĐ”.
BNN không chỉ làm suy giảm sức khỏe của NLĐ mà còn giảm hiệu quả, năng suất lao động và tăng nguy cơ gây tai nạn lao động. Tuy nhiên, BNN hoàn toàn có thể phòng tránh nếu có sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý, DN và NLĐ.
Việc tuân thủ quan trắc môi trường lao động định kỳ, đúng thực tế sản xuất để cải thiện giúp giảm yếu tố nguy cơ và thường xuyên khám sức khỏe định kỳ, khám, phát hiện BNN cho NLĐ, qua đó, kịp thời phát hiện những bất thường của cơ thể, sớm chữa trị sẽ hiệu quả hơn. Đây chính là biện pháp hiệu quả nhất nhằm bảo đảm “nguồn vốn sức khỏe” cho các công ty, DN.
Cần làm gì để phòng bệnh nghề nghiệp?
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hoài Duyên, để phát hiện sớm và hạn chế thấp BNN, cần giám sát định kỳ, đầy đủ và đúng thực trạng môi trường lao động để có giải pháp cải thiện, tạo môi trường làm việc tốt hơn. Đây là nội dung quan trọng trong việc định hướng cần khám loại bệnh nào cho NLĐ và là tiêu chí quan trọng để giải quyết chế độ BNN cho NLĐ nếu không may mắc phải.
Bên cạnh đó, các DN cần tổ chức khám sức khỏe trước khi bố trí việc làm, khám, phát hiện BNN cho NLĐ theo Thông tư 28/2016/TT-BYT, ngày 30/6/2016 của Bộ Y tế và theo quy định tại Điều 21 Luật ATVSLĐ năm 2015: “Hàng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho NLĐ; đối với NLĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, NLĐ là người khuyết tật, NLĐ chưa thành niên, NLĐ cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần”.
Đồng thời, tăng cường tổ chức huấn luyện ATVSLĐ theo Nghị định 44/2016/NĐ-CP để NLĐ nhận thức được các mối nguy và tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân; trang bị đầy đủ và hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân của NLĐ.
Bảo vệ sức khỏe cho NLĐ chính là bảo vệ lợi ích lâu dài của DN. Khi được quan tâm, chăm lo, NLĐ sẽ an tâm làm việc, nâng cao năng suất cũng như chất lượng sản phẩm. Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ, thanh, kiểm tra và xử lý các vi phạm. DN cần lựa chọn các đơn vị uy tín và có đầy đủ chuyên môn để thực hiện việc quan trắc môi trường lao động nhằm xác định yếu tố nguy cơ cần khám sức khỏe để phát hiện sớm BNN cho NLĐ.
Ngoài ra, cần trang bị kiến thức cho NLĐ để tự bảo vệ sức khỏe khi làm việc trong môi trường có yếu tố nguy cơ mắc BNN./.