Chăm sóc sức khỏe phụ nữ: Nhu cầu thiết yếu trong bối cảnh hiện đại
Mỗi năm có hàng triệu ca mang thai ngoài ý muốn trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, việc nâng cao nhận thức và tiếp cận các giải pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản hiệu quả là điều đặc biệt quan trọng với phụ nữ hiện đại.
Mang thai ngoài ý muốn, rối loạn nội tiết, các bệnh lý phụ khoa… là những vấn đề sức khỏe phổ biến, ảnh hưởng sâu rộng đến phụ nữ ở nhiều độ tuổi khác nhau. Theo báo cáo Tình trạng dân số thế giới 2022 do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) công bố, toàn cầu ghi nhận khoảng 121 triệu ca mang thai ngoài ý muốn mỗi năm. Trong số đó, 61% kết thúc bằng phá thai, tương đương với 73 triệu trường hợp – con số gióng lên hồi chuông cảnh báo về một vấn đề y tế nghiêm trọng liên quan đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ.
Tại Việt Nam, khảo sát năm 2020–2021 do Tổng cục Thống kê, UNICEF và UNFPA thực hiện cho thấy, hơn 53% các ca phá thai gần nhất có nguyên nhân từ mang thai ngoài ý muốn. Không ít phụ nữ sau khi phá thai không được tiếp cận biện pháp tránh thai an toàn, dẫn đến khả năng tái mang thai trong thời gian ngắn, kéo theo các biến chứng nặng nề hơn như rối loạn kinh nguyệt, viêm nhiễm, rối loạn tâm lý, thậm chí trầm cảm.
Đối với những phụ nữ có tình trạng sức khỏe đặc biệt, việc mang thai ngoài ý muốn có thể gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nghiên cứu chỉ ra rằng, phụ nữ mắc bệnh Basedow có nguy cơ cao gặp các biến chứng như tiền sản giật, sinh non, thai chết lưu và suy tim trong thai kỳ. Với người từng bị thai trứng, mang thai lại quá sớm (trong vòng 6 tháng) có thể làm tăng nguy cơ tái phát bệnh, đe dọa tính mạng. Trong các trường hợp này, giới chuyên môn khuyến cáo cần trì hoãn mang thai và sử dụng giải pháp tránh thai hiện đại cho đến khi sức khỏe ổn định.
Hiện nay, các phương pháp y tế tiên tiến đã mang lại nhiều giải pháp đa dạng và an toàn, cho phép phụ nữ chủ động hơn trong việc kế hoạch hóa gia đình và bảo vệ sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương pháp thích hợp vẫn là một vấn đề quan trọng.
Trong khuôn khổ Hội nghị Sản Phụ khoa Việt – Pháp – Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 25 tổ chức tại TP.HCM đầu tháng 5/2025, hội thảo vệ tinh với chủ đề "Cá nhân hóa phác đồ sử dụng liệu pháp nội tiết trong thực hành lâm sàng" đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia y tế trong và ngoài nước. Phiên hội thảo này được tổ chức với sự đồng hành của công ty Bayer Việt Nam, nhằm thảo luận và phân tích sâu về hiệu quả cũng như vai trò của liệu pháp nội tiết trong việc kiểm soát mang thai ngoài ý muốn, và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sản phụ khoa.

Phiên hội thảo vệ tinh với chủ đề "Cá nhân hóa phác đồ sử dụng liệu pháp nội tiết trong thực hành lâm sàng".
Trong đó, hai phương pháp được các chuyên gia đề cập đến là viên uống tránh thai kết hợp chứa Drospirenone và dụng cụ tử cung chứa nội tiết (LNG-IUS) với các số liệu thống kê về hiệu quả tránh thai và độ an toàn cao, đồng thời mang đến thêm nhiều lợi ích cộng thêm cho phụ nữ.
Viên tránh thai chứa Drospirenone ngoài tác dụng ngừa thai còn giúp hỗ trợ cải thiện mụn trứng cá, giảm rối loạn tiền kinh nguyệt và không gây tăng cân – yếu tố khiến nhiều phụ nữ e ngại khi dùng thuốc nội tiết. Đây là một lựa chọn tránh thai an toàn được nhiều bác sĩ khuyến nghị.
Trong khi đó, LNG-IUS là một biện pháp tránh thai nội tiết kéo dài, có thể duy trì hiệu quả trong nhiều năm và dễ dàng phục hồi khả năng sinh sản sau khi ngưng sử dụng. Dữ liệu từ nghiên cứu do Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em phối hợp thực hiện trên 315 phụ nữ tại các bệnh viện Phụ sản Trung ương, Từ Dũ và Hùng Vương ghi nhận hiệu quả tránh thai đạt 100% trong 12 tháng sử dụng. Ngoài ra, phương pháp này còn được ứng dụng trong điều trị một số bệnh lý phụ khoa thường gặp như cường kinh, tăng sinh nội mạc tử cung hoặc hỗ trợ điều trị trong liệu pháp thay thế hormone ở phụ nữ tiền mãn kinh.
Bên cạnh các hoạt động hội thảo chuyên môn, trong khu vực trưng bày của hội nghị, gian hàng "Science for Her" của Bayer đã mang đến thông tin khoa học cập nhật về các giải pháp chăm sóc sức khỏe phụ nữ toàn diện bao gồm kiểm soát mang thai ngoài ý muốn, điều trị rối loạn nội tiết tố, hỗ trợ dinh dưỡng thai kỳ, phòng ngừa viêm nhiễm phụ khoa và các vấn đề thường gặp như lạc nội mạc tử cung hay rối loạn kinh nguyệt.
Bà Trần Thị Lan Hương, Giám đốc Y khoa, Nhánh Dược phẩm của Bayer Việt Nam, một trong các đơn vị đồng hành tại hội nghị, chia sẻ: "Tại Bayer, chúng tôi hiểu rằng việc phụ nữ được tiếp cận các phương pháp hiện đại, phù hợp và an toàn để kiểm soát sức khỏe sinh sản là rất quan trọng. Chúng tôi cam kết hỗ trợ đội ngũ y tế cập nhật thông tin và dữ liệu lâm sàng mới nhất về chăm sóc sức khỏe sinh sản, cũng như đồng hành trong các chương trình nâng cao kiến thức sức khỏe sinh sản cho người phụ nữ để huớng tới một nền dịch vụ y tế chất lượng cao cho phụ nữ nói riêng và cộng đồng nói chung, đồng thời góp phần thúc đẩy vai trò và vị thế của phụ nữ trong xã hội".

Khu vực trưng bày chuyên đề "Science for Her" của Bayer tại hội nghị.
Sức khỏe phụ nữ là một lĩnh vực y tế đặc thù, không thể áp dụng chung một mô hình điều trị cho tất cả. Việc đẩy mạnh cá nhân hóa điều trị – đặc biệt trong các lĩnh vực như nội tiết tố nữ, tránh thai hiện đại và chăm sóc chu kỳ kinh nguyệt – sẽ giúp phụ nữ chủ động hơn trong quản lý sức khỏe, từ đó cải thiện chất lượng sống lâu dài. Khi phụ nữ được trang bị kiến thức chính xác và tiếp cận dịch vụ y tế phù hợp, không chỉ cá nhân họ mà cả gia đình và xã hội đều hưởng lợi từ nền tảng sức khỏe bền vững này.