Chăm sóc trẻ khi thời tiết nắng nóng, chớ bỏ qua những điều này
Trẻ nhỏ có xu hướng dễ bị tổn thương khi thời tiết nắng nóng. Để trẻ luôn vui khỏe, các bậc phụ huynh cần lưu ý những điều dưới đây.
Chống nắng cho trẻ
- Tránh cho trẻ ra nắng và tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời vào buổi trưa: Nhất là thời điểm từ 11 đến 3 giờ chiều, đây là thời điểm ánh nắng mặt trời có thể gây ra nhiều tác hại đối với làn da nhạy cảm của trẻ
- Kính mát và quần áo dùng để chống nắng rất hữu hiệu để giảm thiểu tác hại của ánh nắng mặt trời. Nếu ra nắng, hãy chú ý che chắn cho trẻ với những quần áo, mũ rộng vành để bảo vệ mặt, cổ và tai của trẻ.
- Khuyến khích trẻ chơi trong bóng mát của cây xanh: Nếu không có cây xanh, hãy cho trẻ chơi ở hiên nhà. Cố gắng không để trẻ “phơi nắng” suốt cả ngày.
- Luôn luôn sử dụng kem chống nắng cho trẻ em: Kem chống nắng với chỉ số SPF 30 nên được sử dụng trong suốt cả ngày, nhất là ở khu vực nhiều ánh nắng gay gắt, ngay cả khi trẻ không phơi nắng trực tiếp.
- Chống nắng bằng tấm dán kính xe: Nếu trẻ đang trong xe hơi trẻ vẫn có thể chịu tác hại của ánh nắng mặt trời. Vì thế, hãy chú ý đến những tấm chắn nắng chuyên dụng dành cho xe hơi khi bạn đồng hành cùng trẻ.
Chăm sóc sức khỏe
Thời tiết mùa hè oi bức, nắng gắt đặc biệt các đợt nắng nóng cực điểm là nguyên nhân gây ra các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa như tiêu chảy cấp, sốt vi rút, rôm sảy ở trẻ em. Trong thời gian này, bạn cần cho trẻ ăn chín, uống sôi. Không sử dụng thức ăn ôi thiu, uống đủ nước, không ăn rau sống hay quả xanh, dùng nước sạch để sinh hoạt, vệ sinh sạch sẽ khi pha sữa hay chế biến thực phẩm cho trẻ. Luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân của trẻ sạch sẽ, ra đường phải đeo khẩu trang, sử dụng nước nuối sinh lý (natri clorit 0.9%) để nhỏ vào mắt, mũi cho trẻ, nhưng lưu ý là không quá 3 lần/ngày.
Nên sắp xếp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ để tránh sự phát triển của côn trùng, ruồi, muỗi hay các vi sinh vật có hại khác. Cho trẻ uống nước đầy đủ tránh bị khô họng, nhất là khi ngồi lâu trong phòng có điều hòa. Nếu thấy trẻ sốt từ 38.5 độ trở lên cần phải hạ sốt bằng cách nới lỏng quần áo, chườm khăn ướt, dấp nước vào bẹn, nách, trán của trẻ. Ở nhiệt độ này nên đưa trẻ đi khám ngay để được bác sỹ hướng dẫn.
Khi sử dụng điều hòa không khí, nên để ở nhiệt độ từ 27-28 độ C, không nên để quá thấp và chênh lệch lớn với nhiệt độ bên ngoài. Không cho trẻ chạy ra vào phòng liên tục vì sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến cho trẻ dễ bị nhiễm bệnh. Không nên bật quạt to rồi để gần trẻ. Đối với trẻ sơ sinh thì không nên để quạt quá gần, luôn để trên 2m trở lên và bật số nhỏ nhất. Lưu ý là không để quạt thốc thẳng vào mặt trẻ. Khi bật điều hòa mà muốn ra ngoài nên mở cửa từ từ rồi chờ 2-3 phút mới được đi ra khỏi phòng để cơ thể thích nghi với nhiệt độ bên ngoài.
An toàn khi vui chơi
- Không cho trẻ chơi lâu ngoài nắng hoặc di chuyển lâu ngoài nắng, tới chỗ tập trung đông người.
- Mỗi khi cần đi ra nắng hoặc đi học phải cho trẻ đội mũ, nón rộng vành, hoặc cho trẻ mặc thêm áo chống nắng, lưu ý lúc trẻ ở nhà hay ở trường cũng phải cho trẻ uống đủ nước. Nếu thời tiết quá nóng thì tốt nhất nên cho trẻ chơi trong nhà.
- Kiểm tra xem nơi trẻ đang chơi có quá nóng, hoặc bí gió, kém thông thoáng không, nếu có thì cần tìm cách cải thiện hoặc chuyển trẻ đến nơi thoáng mát hơn.
- Lau mồ hôi thường xuyên cho trẻ, nếu quần áo trẻ đang mặc bị ướt mồ hôi thì cần thay quần áo khô.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cham-soc-tre-nho-khi-thoi-tiet-nang-nong-n189419.html