Chăm sóc và phòng ngừa viêm mũi dị ứng ở trẻ

Viêm mũi dị ứng là bệnh rất hay gặp mỗi khi thời tiết thay đổi. Khi trẻ mắc viêm mũi dị ứng sẽ gây nhiều khó chịu trong ăn uống, sinh hoạt. Mặc dù bệnh không quá nguy hiểm, nhưng nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Trẻ mắc viêm mũi dị ứng do đâu?

Viêm mũi dị ứng ở trẻ là tình trạng niêm mạc (màng lót bên trong mũi) bị viêm, do dị ứng với các tác nhân bên trong và ngoài cơ thể. Khi tiếp xúc với các tác nhân dị ứng, cơ thể sẽ giải phóng Histamin, gây ngứa, sưng và tích tụ chất lỏng ở bên trong mũi.

Bệnh có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, thường gặp nhất là:

Do di truyền, trong gia đình có người thân mắc bệnh viêm mũi dị ứng, viêm xoang...
Do thời tiết, sự thay đổi đột ngột của thời tiết khiến cơ thể trẻ không kịp thích nghi và gây ra bệnh.
Do môi trường sống, nếu trẻ thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi, sống trong khu vực có nhiều hóa chất độc hại.
Hoặc trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như: Lông động vật, xà phòng, hóa chất, phấn hoa, nấm mốc, bụi bẩn, khói thuốc lá…

Viêm mũi dị ứng là bệnh mãn tính rất hay tái phát. Ảnh minh họa.

Viêm mũi dị ứng là bệnh mãn tính rất hay tái phát. Ảnh minh họa.

Viêm mũi dị ứng ở trẻ dễ tái phát

Bệnh viêm mũi dị ứng có thể chia làm hai loại:

- Viêm mũi dị ứng theo mùa

- Viêm mũi dị ứng quanh năm, dựa trên nguyên nhân phát sinh bệnh

Ở nước ta khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nên bệnh thường xảy ra khi thời tiết thay đổi, cùng với tình trạng ô nhiễm tại các đô thị lớn sẽ làm gia tăng số người mắc bệnh viêm mũi dị ứng, nhất là ở trẻ em, vì trẻ có sức đề kháng yếu. Bệnh thường khởi phát là do phản ứng của cơ thể khi gặp các vật lạ như bụi, phấn hoa, lông chó mèo, bào tử nấm và khi thời tiết thay đổi.

Thông thường chứng viêm mũi dị ứng thường xuất hiện ở những trẻ có cơ địa dị ứng.

Viêm mũi dị ứng thường được biểu hiện qua các triệu chứng như: Ngứa mũi, chảy mũi nước trong, loãng hoặc nghẹt mũi, không sốt, hắt hơi liên tục thành từng tràng, kèm theo chảy nước mắt, ngứa và đỏ mắt.

Trẻ bị viêm mũi dị ứng cảm thấy khó chịu, mất ngủ, giảm khả năng tập trung và ghi nhớ, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày cũng như khả năng học tập.

Bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang và các bệnh lý dị ứng khác như hen suyễn hay viêm da cơ địa.

Khi trẻ bị viêm mũi dị ứng, cha mẹ cần vệ sinh mũi họng sạch sẽ cho trẻ. Ảnh minh họa.

Khi trẻ bị viêm mũi dị ứng, cha mẹ cần vệ sinh mũi họng sạch sẽ cho trẻ. Ảnh minh họa.

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị viêm mũi dị ứng?

Khi trẻ bị viêm mũi dị ứng cha mẹ cần chú ý như sau:

- Vệ sinh mũi họng sạch sẽ. Khi trẻ bị viêm mũi dị ứng, cha mẹ nên rửa mũi của trẻ bằng nước muối sinh lý, giữ vệ sinh cho trẻ và môi trường xung quanh, tránh cho trẻ tiếp xúc với các dị nguyên.

- Thường xuyên vệ sinh nơi ngủ của trẻ.

Thời tiết ẩm ướt sẽ có nhiều nấm mốc, cha mẹ cần vệ sinh định kỳ chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế... để hạn chế ký sinh trùng (mò, mạt) tồn tại và phát triển. Giữ cho nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ, nhằm hạn chế nấm mốc phát triển.

Phòng ngủ cần đủ độ ẩm trong không khí đạt chuẩn và thoáng mát để tạo môi trường trong lành cho trẻ. Nếu gia đình không có máy giữ độ ẩm, cha mẹ có thể áp dụng phương pháp: Trước khi ngủ, dùng khăn ấm lau 2 bên cánh mũi cho trẻ. Hơi ấm có thể tạm thời làm giảm tình trạng bị tắc mũi, giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.

- Hạn chế tiếp xúc với khói bụi

Do cơ địa dị ứng nên cha mẹ cần sử dụng khẩu trang thích hợp cho trẻ khi tham gia lưu thông trên đường, để giảm khả năng bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm và các loại khói bụi độc hại.

- Hạn chế dị nguyên gây dị ứng

Do trẻ mắc viêm mũi dị ứng, cha mẹ nên hạn chế trồng hoa. Không nên nuôi chó mèo trong nhà, hạn chế đến mức tối đa không để cho trẻ tiếp xúc với các loại vật nuôi.

- Chú ý vệ sinh răng miệng cho trẻ hàng ngày, nhất là đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Cần tắm cho trẻ đúng cách và dùng nước ấm để tắm.

- Cần giữ ấm cho trẻ, nhất là khi thời tiết giao mùa, thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh cần giữ ấm cơ thể cho trẻ, nhất là vùng cổ, mũi và đôi chân.

- Tăng cường vitamin qua chế độ ăn

Để trẻ có sức đề kháng tốt cha mẹ cần tăng cường cho trẻ ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi để bổ sung vitamin cho trẻ, nếu cần có thể cho uống bổ sung vitamin C để giúp trẻ tăng cường sức đề kháng. Cho trẻ uống nhiều nước để giúp cho hệ hô hấp làm việc tốt hơn.

Khi trẻ bị viêm mũi dị ứng do thay đổi thời tiết đột ngột, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín chuyên khoa tai mũi họng để có biện pháp điều trị hợp lý, không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Tóm lại: Viêm mũi dị ứng là bệnh mãn tính rất hay tái phát. Khí hậu nhiệt đới ẩm và sự gia tăng khói bụi, môi trường ô nhiễm ở nước ta hiện nay càng làm cho việc kiểm soát bệnh trở nên khó khăn hơn. Do đó, cần chú ý hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các yếu tố có thể gây dị ứng, cũng như thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

Khi trẻ có biểu hiện mắc bệnh viêm mũi dị ứng, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị. Việc dùng thuốc phải theo đúng chỉ định của bác sĩ, không nên ngừng thuốc khi mới có dấu hiệu giảm triệu chứng hoặc không lạm dụng thuốc nhỏ thông mũi, vì dùng kéo dài sẽ gây nhờn thuốc và khiến bệnh nặng hơn.

Mời độc giả xem thêm video:

Viêm Mũi Dị Ứng Khi Giao Mùa- Loại Thực Phẩm Nên Ăn Giúp Giảm Triệu Chứng Hiệu Quả

BS Trần Anh Tuấn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cham-soc-va-phong-ngua-viem-mui-di-ung-o-tre-169230414155741967.htm