Chậm thích ứng biến đổi khí hậu: Hậu quả nặng nề - Bài 3: Rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất

Trước vấn đề nhiều địa phương ở ĐBSCL đang loay hoay tìm giải pháp ứng phó hiệu quả với hạn mặn, PV Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, xung quanh vấn đề này.

Sản xuất thuận thiên

- PHÓNG VIÊN: Không chỉ khô hạn và xâm nhập mặn, ảnh hưởng biến đổi khí hậu cũng đang làm nhiều khu vực ở ĐBSCL hiện nay sụt lún, sạt lở...

- Theo kiểm tra, khảo sát của đoàn công tác Bộ NN-PTNT, hiện nay, ĐBSCL đang vào cao điểm mùa khô, hạn hán và xâm nhập mặn. Tình trạng thiếu nước đã dẫn đến sụt lún. Ở thời điểm này, tại huyện Trần Văn Thời đang xảy ra sụt lún rất nghiêm trọng. Có nhiều lý do nhưng lý do chính là từ đầu tháng 1 đến nay, Cà Mau không có mưa, nắng nóng kéo dài càng làm độ bốc hơi nước lớn, hạn hán đến nhanh. Trong khi huyện Trần Văn Thời rất cần nước ngọt để sản xuất thì thời điểm này cơ bản là không có nước, gây ra sụt lún.

 Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp

Về giải pháp ứng phó sạt lở, chúng tôi nêu ra 3 vấn đề. Một là, hạn chế lưu thông ở các tuyến kênh, rạch có kết hợp đường giao thông (nhất là xe trọng tải lớn). Hai là, tính toán, tích trữ nước không tập trung để có thể bơm, cấp nước ở các vùng lân cận hỗ trợ cho vùng nước ngọt Trần Văn Thời. Ba là, phải linh hoạt chuyển đổi theo tinh thần sản xuất nông nghiệp thuận thiên, cụ thể là chuyển từ 2 vụ lúa sang 1 vụ lúa - 1 vụ tôm. Theo đó, đến mùa hạn mặn như hiện nay, có thể cho nước mặn vào để nuôi tôm, đến mùa mưa lại trồng lúa.

- Nghị quyết 120 của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu có nêu rõ, các giải pháp ứng phó phải trên tinh thần “thuận thiên”. Điều này được hiểu và triển khai như thế nào?

- Việt Nam là nước đang chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu. Chúng ta cần phải bình tĩnh ứng phó và thích nghi có kiểm soát. Sản xuất thuận thiên là mùa khô thì có thể cho nước mặn vào để nuôi tôm và mùa mưa lại dùng nước ngọt sản xuất lúa. Quan điểm của chúng tôi là phải tôn trọng tự nhiên, nhưng không có nghĩa là hoàn toàn theo tự nhiên 100% mà cần thích nghi có kiểm soát bằng việc sử dụng các giải pháp kỹ thuật, dựa trên khoa học và phải dựa trên tính toán “được - mất”. Nếu được nhiều hơn thì nên lựa chọn. Chẳng hạn, có thể nghiên cứu, dùng các công trình cống điều tiết nước để ổn định ranh mặn, để các tỉnh có thể chủ động sản xuất, hạn chế mặn xâm nhập và sụt lún.

 Mô hình trồng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh trên nước lợ ở Cà Mau được xem là mô hình thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: TẤN THÁI

Mô hình trồng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh trên nước lợ ở Cà Mau được xem là mô hình thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: TẤN THÁI

Thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất của toàn vùng ĐBSCL, chỉ rõ vùng nào thiếu nước ngọt, vùng nào phù hợp nuôi tôm, vùng nào chỉ sản xuất cây ăn trái, vùng nào không được trồng lúa. Quy hoạch sản xuất này sẽ quyết định việc thích ứng với tình trạng hạn, mặn. Điều quan trọng nhất là các địa phương phải thực hiện nghiêm quy hoạch sản xuất. Chỗ nào quy hoạch nuôi tôm, trồng lúa, phải thực hiện nghiêm.

Đẩy mạnh đầu tư công trình thủy lợi

- Tỉnh Bến Tre vừa có đề xuất cần thực hiện Dự án đầu tư hệ thống thủy lợi dẫn nước ngọt từ sông Đồng Nai về các tỉnh ĐBSCL, để đảm bảo đủ nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô, quan điểm của Bộ NN-PTNT thế nào

- Thứ trưởng NGUYỄN HOÀNG HIỆP: Tại thời điểm này không thực hiện việc dẫn nước từ sông Đồng Nai về Bến Tre và các tỉnh ĐBSCL, vì 2 lý do. Thứ nhất, về nguồn nước thì ngay lưu vực sông Đồng Nai hiện cũng đang thiếu nước. Tại lưu vực này, mặc dù đã có hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa nhưng cả khu vực gồm TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương hiện cũng đang thiếu khoảng 5 tỷ m3 nước mỗi năm.

Thứ hai, ngay tại Bến Tre vẫn đang có đủ giải pháp để đảm bảo nước ngọt cho người dân Bến Tre và Tiền Giang sử dụng sản xuất và sinh hoạt. Để ứng phó với khô hạn tại Bến Tre, có thể sử dụng giải pháp công trình. Cụ thể, chúng tôi đang phối hợp với Tổ chức JICA (Nhật Bản) sử dụng nguồn vốn ODA để triển khai dự án JICA 3. Lẽ ra dự án đã triển khai xong trong năm 2024, nhưng vì một số lý do, chúng tôi sẽ triển khai vào cuối năm 2024, dự kiến sẽ hoàn thành năm 2025. Các dự án, hạng mục sẽ triển khai như cống Bến Tre, cống Thủ Cựu…, khi vận hành sẽ đảm bảo tích được nước ngọt, nước sản xuất cho toàn bộ khu vực Bắc Bến Tre. Còn đối với khu vực Nam Bến Tre, sẽ dùng vốn đầu tư công trung hạn của giai đoạn 2026-2030 để làm cống Vàm Thơm và cống Nước Trong. Sau khi hoàn thành, hai cống lớn này sẽ khép kín được Nam Bến Tre.

- Còn tỉnh Cà Mau đề xuất thực hiện Dự án đầu tư hệ thống thủy lợi dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau thì sao, thưa ông?

- Ở ĐBSCL, riêng Cà Mau là tỉnh không có một nguồn nước nào để bổ sung khi xảy ra hạn mặn, ngoài việc phải chủ động tích trữ nước ngọt tại chỗ. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu các giải pháp chuyển nước về Cà Mau, trong đó có 2 giải pháp cơ bản. Một là, Bộ NN-PTNT sẽ cùng tỉnh Cà Mau đầu tư xây dựng cống - âu thuyền Tắc Thủ. Công trình này sẽ giúp ngăn nước mặn từ Biển Đông chảy vào nội đồng Cà Mau. Nhờ đó, tại huyện Trần Văn Thời có thể triển khai được phương án tích nước không tập trung. Hai là, sẽ chuyển nước ngọt từ hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (Kiên Giang) về Cà Mau và chuyển nước từ sông Hậu về Cà Mau, có thể đáp ứng nguồn nước cho cả Bắc Cà Mau và Nam Cà Mau.

Theo tôi, do Cà Mau không có nguồn nước chảy nào nên chắc chắn phải làm dự án dẫn nước. Trước mắt, trong giai đoạn này, chúng tôi làm cống - âu thuyền Tắc Thủ và đến giai đoạn 2026-2030 sẽ làm dự án kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp để dẫn nước sông Hậu về cho Cà Mau.

- Ông LÊ VĂN SỬ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau:

Cần cơ chế tài chính và chính sách đặc thù

Để ĐBSCL phát triển bền vững, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, theo tôi trước hết các bộ ngành cần quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn để các địa phương trong khu vực sớm triển khai các đề án trọng tâm, như: Đề án hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái; Đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030…

Đặc biệt, Chính phủ cần ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng chuyển đổi sinh kế, ứng phó biến đổi khí hậu; ban hành cơ chế tài chính và chính sách đặc thù, ưu đãi cho phát triển vùng ĐBSCL. Ngoài ra, cần hỗ trợ đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi “Thuận thiên có kiểm soát” theo định hướng chuyển đổi, cơ cấu ngành nông nghiệp. Chính phủ cần có cơ chế cho tỷ lệ vay lại chuyển đổi sinh kế dưới 5%, được cấp phát 100% đối với hạ tầng sinh kế cho vùng nghèo, vùng trữ nước, sinh kế rừng và phòng chống thiên tai...

- TS TRẦN HỮU HIỆP:

Không thể "mạnh ai nấy làm"

Để ứng phó hiệu quả với hạn mặn ngày càng gay gắt, ĐBSCL cần 3 ưu tiên. Một là, bằng công cụ khoa học kết hợp với kiến thức bản địa và thực tế cần dự báo sớm, chính xác tình hình, diễn biến, mức độ tác động. Hai là, chủ động thích ứng phải trở thành “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, chỉ huy mọi hành động với bài toán cân bằng tổng thể tài nguyên nước, đảm bảo “chi phí - lợi ích” và nguyên tắc “không hối tiếc” khi quyết định đầu tư công trình. Ba là, xem hạn hán, xâm nhập mặn là đặc tính chu kỳ và đột xuất để xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế, tổ chức dân cư phù hợp; trên cơ sở đó tăng cường liên kết vùng, điều phối liên vùng, cơ chế chỉ huy thống nhất, không thể “mạnh ai nấy làm”.

Bên cạnh đó, cần triển khai 4 nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài. Một là, công bố và cập nhật thường xuyên bản đồ hạn, mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các ứng dụng trực tuyến, mạng xã hội phổ biến để người dân từng tiểu vùng sinh thái kịp thời theo dõi, chủ động ứng phó trong sinh hoạt và sản xuất cho phù hợp, giảm thấp nhất mức độ thiệt hại. Hai là, chủ động điều tiết hệ thống thủy lợi theo cơ chế vận hành nghiêm ngặt, phù hợp mức độ hạn, mặn; hoàn thiện, đưa vào sử dụng các công trình đầu tư, các dự án trữ nước, đảm bảo nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Ba là, bên cạnh những giải pháp cấp bách, xử lý tình huống, cần các giải pháp dài hạn; có lộ trình, bước đi phù hợp, đồng bộ trên nhiều lĩnh vực. Những giải pháp công trình là rất cần, nhưng các giải pháp phi công trình là không thể thể thiếu. Chính quyền và người dân không thể ngồi chờ, nhưng cũng không nên đổ tiền vội vã vào các công trình cục bộ. Bốn là, tăng cường hợp tác quốc tế, tận dụng các định chế của Ủy hội sông Mê Công và các nước có liên quan đến vấn đề nước xuyên biên giới để bảo vệ lợi ích quốc gia, chia sẻ dữ liệu, các kết quả nghiên cứu khoa học và thực tiễn, chủ động dự báo tình hình, đảm bảo việc quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước.

VĂN PHÚC thực hiện

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cham-thich-ung-bien-doi-khi-hau-hau-qua-nang-ne-bai-3-ra-soat-dieu-chinh-quy-hoach-san-xuat-post732513.html