Chậm tiến độ bàn giao mặt bằng, thi công Dự án Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu

Dự án đường bộ Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đang gặp khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng và phải điều chỉnh tổng mức đầu tư của công trình.

Thi công một dự án đường Cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Thi công một dự án đường Cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Dự án đường bộ Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đến nay chậm tiến độ cả về công tác giải phóng mặt bằng và thi công. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị địa phương nơi dự án đi qua cần tích cực bàn giao sớm để nhà thầu đẩy nhanh khối lượng tiến độ.

Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy công tác bàn giao mặt bằng để thi công Dự án thành phần 1 (mới bàn giao được khoảng 7%) và Dự án thành phần 2 (bàn giao được khoảng 19,74%) qua địa bàn tỉnh Đồng Nai không đảm bảo công địa để triển khai thi công trên hiện trường.

Nguyên nhân chủ yếu do công tác xác định nguồn gốc đất chậm (do nguồn nhân lực tại các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của tỉnh chưa đáp ứng khối lượng công việc).

Về công tác tái định cư, hiện nay, các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng Dự án thành phần 2 (trên địa bàn huyện Long Thành) đang triển khai xây dựng tiến độ hoàn thành dự kiến trong quý 2/2024.

Để đáp ứng tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án thành phần 1 (trên địa bàn thành phố Biên Hòa), Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bố trí tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa thuộc Dự án đường Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu vào Khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn, huyện Long Thành (thuộc Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành). Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị tỉnh Đồng Nai khan trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đánh giá công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật triển khai chậm, việc di dời, hoàn trả sẽ mất nhiều thời gian, thủ tục (đặc biệt là các công trình đường điện trên 35KV, đướng ống cấp nước đường kính trên 500) do đó sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện đáp ứng tiến độ thi công dự án.

Liên quan đến tiến độ thi công, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, Dự án thành phần 1 được chia thành 2 gói thầu xây lắp, hiện nay tiến độ triển khai thi công trên hiện trường chậm so với kế hoạch. Dự án thành phần 2 gồm 2 gói thầu xây lắp, sản lượng đạt khoảng 140/4.279 tỷ đồng, tương đương 3,3% giá trị hợp đồng. Dự án thành phần 3 chó có một gói thầu xây lắp, sản lượng đến nay đạt 277,2/1.847,687 tỷ đồng, khoảng 15% khối lượng công trình.

Một khó khăn cản tiến độ triển khai của dự án cũng được Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ đó là kinh phí giải phóng mặt bằng cho Dự án thành phần 1 và 2 (trên địa bàn tỉnh Đồng Nai) tăng khoảng 2.684 tỷ đồng; Dự án thành phần 3 (trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) tăng khoảng 990 tỷ đồng. Nguyên nhân tăng do số liệu dùng trong bước lập dự toán chi phí giải phóng mặt bằng bước nghiên cứu khả thi là đơn giá đất định kỳ 5 năm 2020-2024 trên địa bàn tỉnh thấp hơn giá đất thực tế tại thời điểm kiểm đếm, đền bù.

Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để xác định giá trị giải phóng mặt bằng bổ sung, làm cơ sở báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh chủ trương, tổng mức đầu tư dự án.

 Nhà thầu thi công một Dự án đường bộ Cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Nhà thầu thi công một Dự án đường bộ Cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Dự kiến, nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án bao gồm 6 triệu m3 đất đắp nền đường, khoảng 0,52 triệu m3 cát xây dựng các loại; khoảng 2,2 triệu m3 đá xây dựng các loại. Theo kết quả tại hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng, trữ lượng nguồn cung cấp vật liệu cho Dự án về cơ bản đáp ứng.

Tuy nhiên, phía Bộ Giao thông Vận tải cho rằng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện nay có các dự án lớn khác (Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, Cao tốc Bến Lức-Long Thành, đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh,...) đang đồng loạt triển khai trong cùng một thời gian nên trong thời gian tới công suất khai thác nguồn đất đắp cung cấp cho các dự án thành phần sẽ khó đáp ứng yêu cầu về tiến độ thi công.

Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các sở, ban ngành rà soát các thủ tục, sớm thực hiện việc nâng công suất, cấp phép mỏ mới theo cơ chế đặc thù cũng như các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để cung cấp cho dự án, đảm bảo đáp ứng nhu cầu và tiến độ thi công./.

Dự án đường Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu có tổng chiều dài dự án khoảng 53,7km (tỉnh Đồng Nai khoảng 34,2km; tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 19,5km), đầu tư theo quy mô đường cao tốc 100km/h, quy mô mặt cắt ngang giai đoạn 1 từ 4-6 làn xe theo từng đoạn, giai đoạn hoàn thiện mở rộng bảo đảm quy mô 6-8 làn xe. Sơ bộ tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng (theo Nghị quyết số 59/2022/QH15), được chia làm 03 dự án thành phần.

Dự án thành phần 1 dài 16km, tổng mức đầu tư được duyệt 6.012 tỷ đồng do Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ quản. Dự án thành phần 2 dài khoảng 18,2km, tổng mức đầu tư được duyệt 6.852 tỷ đồng do Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chủ quản. Dự án thành phần 3 dài khoảng 19,5km, tổng mức đầu tư được duyệt 4.964 tỷ đồng do Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là cơ quan chủ quản.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cham-tien-do-ban-giao-mat-bang-thi-cong-du-an-cao-toc-bien-hoa-vung-tau-post929423.vnp