Chậm tiến độ dự án giao thông trọng điểm - 'Chúng tôi sẽ cố gắng điều hành tốt hơn'

Các công trình giao thông trọng điểm quốc gia không hoàn thành đúng theo tiến độ đã công bố; cơ chế chính sách để thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư các dự án giao thông... là những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trong phiên chất vấn hôm nay, 9.6.

Các địa phương quyết liệt thì sẽ làm rất nhanh

Trong vài năm gần đây, hàng loạt công trình giao thông quan trọng trong cả nước được khánh thành và khởi công, đặc biệt là trong 2 năm tới đây sẽ có nhiều công trình giao thông trọng điểm quốc gia được tiếp tục khởi công. Tuy nhiên, thực tế hầu hết các công trình vừa qua đều không hoàn thành đúng theo tiến độ đã công bố. Nêu thực tế này, ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) đặt câu hỏi: Bộ Giao thông Vận tải đã rút kinh nghiệm gì về vấn đề chậm tiến độ của các công trình vừa qua và Bộ trưởng sẽ có giải pháp gì trong thời gian tới để các công trình thực hiện đúng theo tiến độ kế hoạch?

ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) chất vấn. Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) chất vấn. Ảnh: Quang Khánh

Cho rằng có nhiều lý do dẫn đến một số công trình chậm tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng xin rút kinh nhiệm về vấn đề này. Theo Bộ trưởng, tình trạng chậm tiến độ vừa qua có nhiều lý do. Một trong những lý do lớn là nguồn vốn bố trí không đủ. Nhưng từ khi có Luật Đầu tư công, từ năm 2016 đến nay, tất cả các dự án được bố trí đủ tiền và khi đủ tiền thì không lo về vốn nữa, chỉ tập trung làm, do đó đã giải quyết được một phần. Nguyên nhân chậm thứ hai là về giải phóng mặt bằng. "Tôi nói nếu các địa phương quyết liệt thì sẽ làm rất nhanh. Tôi đã từng làm Bí thư tỉnh ủy, Bí thư huyện ủy, thời điểm đó tôi rất mong có những dự án Trung ương trên địa bàn, bởi vì dự án Trung ương là dự án trăm tỷ đồng, nghìn tỷ đồng rất lớn, còn ngân sách địa phương là rất nhỏ. Do đó, các địa phương phải thay đổi tư duy, chúng ta phải hỗ trợ những dự án trọng điểm quốc gia, tập trung nguồn lực để thực hiện giải phóng mặt bằng, để giúp cho dự án chúng ta hoàn thành đúng tiến độ", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn. Ảnh: Quang Khánh

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn. Ảnh: Quang Khánh

Nguyên nhân chậm tiến độ thứ ba theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là những khó khăn về địa hình, địa chất. Dự án giao thông đi qua rừng núi, vùng sâu, vùng xa, những vùng rất khó khăn, do đó việc triển khai gặp rất nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

Một vấn đề nữa là yếu kém của Ban quản lý dự án và nhà thầu. "Vừa qua chúng tôi thực hiện rất nghiêm túc, đã điều chuyển một số lãnh đạo Ban qua các công việc khác, thậm chí Giám đốc Ban xuống làm phó và các nhà thầu là chúng tôi rất nghiêm túc, nhất là dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 đã cắt thầu rất nhiều ở Bình Thuận. Các đại biểu Bình Thuận cũng sẽ biết được chuyện này. Nói tóm lại là có nhiều nguyên nhân và chúng tôi đã nhận diện. Trong giai đoạn sắp tới, chúng tôi xin tiếp thu ý kiến và cố gắng điều hành tốt hơn", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cam kết.

Đã có ý tưởng hình thành một quỹ về phát triển cơ sở hạ tầng

Liên quan đến nguồn lực triển khai các dự án giao thông, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) nêu hai vấn đề. Một là, qua nghiên cứu kinh nghiệm các nước cho thấy, để tiếp sức cho các nhà đầu tư tư nhân có thể tham gia vào hợp đồng đối tác công tư với nhà nước thì Chính phủ các nước thường thành lập một quỹ phát triển cơ sở hạ tầng giao thông để huy động các nguồn vốn từ xã hội và nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cho các nhà đầu tư tư nhân vay để tham gia vào các dự án đối tác công tư. "Chúng tôi đã hiến kế với Bộ trưởng về vấn đề này và không biết hiện nay việc triển khai như thế nào?", ĐB Vũ Tiến Lộc đặt câu hỏi. Hai là, hiện nay trong đối tác công tư còn có một hình thức nữa là O&M, tức là khai thác và bảo trì các dự án giao thông. Đây cũng là hình thức hỗ trợ cho đầu tư tư nhân có hiệu quả để tham gia cùng với nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa có khung pháp lý về vấn đề này. "Bộ GTVT đã chuẩn bị thế nào? Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Bộ trong việc kiến nghị xây dựng các khuôn khổ pháp lý".

BQH Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) chất vấn. Ảnh: Hồ Long

BQH Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Trả lời chất vấn của đại biểu về Quỹ phát triển cơ sở hạ tầng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nêu rõ, việc này Thủ tướng đã có chỉ đạo giao cho các bộ, ngành nghiên cứu. "Chúng ta rất mong là sẽ hình thành nên một quỹ, trong đó có vốn nhà nước, có vốn của các nhà hảo tâm và có thể có những cơ chế về lãi suất để tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng. Ý kiến này chúng tôi xin tiếp thu, Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo và trong Đề án 5.000km đường cao tốc Thủ tướng cũng đã có ý tưởng là sẽ hình thành một quỹ như thế này".

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu về khai thác, bảo trì các dự án giao thông hiện nay luật chưa quy định. "Chúng tôi nghĩ rằng bất cứ hình thức nào, nếu chúng ta xây dựng xong và đấu thầu giao cho các cơ quan tư nhân hoặc các doanh nghiệp quản lý và chúng ta giám sát thì sẽ tốt hơn, đặc biệt chúng ta cũng sẽ hạn chế được nhiều nguồn lực, trong đó có nguồn vốn và kể cả nguồn nhân lực trong quá trình duy tu, bảo quản. Vấn đề này mới, chúng tôi xin phối hợp với đại biểu Lộc để nghiên cứu thêm", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Nguyễn Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/cham-tien-do-du-an-giao-thong-trong-diem-chung-toi-se-co-gang-dieu-hanh-tot-hon-i291606/