Chậm trả kinh phí đào tạo, quyền lợi học nghề của quân nhân xuất ngũ ảnh hưởng
Do vướng mắc trong chính sách dẫn đến chậm thanh toán kinh phí đào tạo, các cơ sở dạy nghề ở Hà Tĩnh từ chối tiếp nhận học viên mới là quân nhân xuất ngũ khiến quyền lợi của họ bị ảnh hưởng.
Nợ kinh phí đào tạo trên 6,3 tỷ đồng
Theo tìm hiểu của PV, từ năm 2016 – 2021, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành đào tạo nghề cho 1.326 học viên là quân nhân xuất ngũ (1.315 người học nghề lái xe ô tô, 9 người học nghề hàn công nghệ cao, 1 người học nghề điện công nghiệp và 1 người học vận hành máy công trình).
Tổng kinh phí đào tạo gần 18,4 tỷ đồng đã được quyết toán đầy đủ theo quy định.
Năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói trên tiếp tục đào tạo cho 504 học viên. Tuy nhiên, có 400 học viên thuộc 3 cơ sở đào tạo chưa được quyết toán với tổng kinh phí hơn 6,3 tỷ đồng.
Đặc biệt, Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh đã đào tạo 393 học viên với hơn 6,2 tỷ đồng chưa được quyết toán. Số tiền này bao gồm cả kinh phí đào tạo, hỗ trợ tiền ăn, chi phí đi lại cho học viên.
Cuối năm 2022, Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh đã làm hồ sơ gửi các sở, ngành liên quan xin thanh toán nhưng không được giải quyết.
Trước tình hình đó, từ ngày 7/12/2022 đến 23/3/2023, đơn vị đã 3 lần gửi tờ trình lên Sở LĐ-TB&XH đề nghị cấp kinh phí đào tạo nghề cho đối tượng là bộ đội, công an xuất ngũ năm 2022, nhưng đến nay nhà trường vẫn chưa được quyết toán.
Một cán bộ Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh chia sẻ, số kinh phí chưa được giải ngân đó bao gồm tiền học phí, tiền ăn, tiền xe đi lại của học viên. Riêng đối với lương của giáo viên, để họ yên tâm giảng dạy, nhà trường đã vay mượn, xoay xở mọi cách, huy động mọi nguồn lực để chi trả.
Cũng theo vị cán bộ này, do nguồn kinh phí đào tạo nghề năm 2022 chưa được quyết toán nên việc cân đối các nguồn kinh phí phục vụ chuyên môn, nghiệp vụ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, hầu hết học viên đã hoàn thành khóa học và đã được cấp chứng chỉ đào tạo nghề và giấy phép lái xe. Nhiều học viên thường xuyên liên hệ nhà trường để hỏi về số tiền ăn được hỗ trợ theo quy định.
“Do năm 2022 chưa được quyết toán, không có kinh phí để trang trải nên đầu năm 2023, trường có nhận trên 30 bộ hồ sơ học nghề của quân nhân xuất ngũ nhưng sau đó phải gọi họ đến trả lại để họ liên hệ chỗ khác”, vị cán bộ này thông tin.
Vướng mắc ảnh hưởng tới quyền lợi của quân nhân xuất ngũ
Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ và Thông tư 152/2016/TT-BTC ngày 17/10/2016 của Bộ Tài chính quy định, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp được cấp thẻ đào tạo nghề có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm đào tạo nghề, có giá trị sử dụng trong 1 năm kể từ ngày cấp.
Ngoài ra, còn được hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học, hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên.
Theo cán bộ Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh, sau khi hoàn thành việc đào tạo nghề cho thanh niên xuất ngũ, để thanh toán kinh phí, các đơn vị đào tạo (trừ đơn vị thuộc Tổng Liên đoàn Lao động) phải làm hồ sơ gửi lên Sở LĐ-TB&XH. Sau khi tập hợp hồ sơ từ các đơn vị đào tạo, Sở sẽ trình sang Sở Tài chính kiểm tra, xác minh rồi trình lên UBND tỉnh.
Cũng theo vị cán bộ này, năm 2022, khi Sở Tài chính trình lên UBND tỉnh thì Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND ngày 15/7/2017 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh hết hiệu lực, Nghị quyết mới không đề cập đến danh mục đào tạo lái xe.
“Sở Tài chính căn cứ vào Nghị quyết số 56 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh, mà nghị quyết này đến tháng 6/2022 hết hiệu lực. Sau đó HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 70/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022, tuy nhiên không đề cập đến nghề đào tạo lái xe”, vị cán bộ này khẳng định.
Vị cán bộ này nói thêm: “Về chế độ, chính sách hỗ trợ công tác đào tạo nghề cho đối tượng bộ đội, công an xuất ngũ đã có quy định tại Nghị định 61 và Thông tư 152. Tuy nhiên, Hà Tĩnh chưa ban hành định mức hỗ trợ nên Sở Tài chính chưa có cơ sở để giải ngân cho đơn vị đào tạo”.
Theo cán bộ Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh, các đơn vị đào tạo đã làm nhiều tờ trình gửi Sở LĐ-TB&XH đề nghị có định mức hỗ trợ kinh phí và thanh quyết toán nguồn kinh phí đã đào tạo năm 2022.
Do chưa có văn bản về định mức hỗ trợ kinh phí nên nếu quân nhân xuất ngũ có nhu cầu học trước thì đăng ký, hoàn thiện hồ sơ và nộp học phí, đơn vị vẫn tiếp nhận giảng dạy. Sau này thanh toán được, nhà trường sẽ hoàn tiền lại, còn không thì phải chờ văn bản hướng dẫn của tỉnh.
“Chúng tôi mong muốn Sở LĐ-TB&XH, Sở Tài chính, UBND tỉnh Hà Tĩnh sớm có văn bản về định mức kinh phí hỗ trợ dạy nghề lái xe ô tô, để các đơn vị trên địa bàn có căn cứ thực hiện. Đồng thời để quân nhân hoàn thành nghĩa vụ được hưởng các chế độ, chính sách về học nghề theo quy định, không bị thiệt thòi khi thẻ học nghề hết hiệu lực", vị cán bộ Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh nêu quan điểm.