Chạm vào miền cổ tích

Cheo leo trên đỉnh núi, ẩn hiện trong mây chiều, những cây chè Shan tuyết cổ thụ vài trăm năm tuổi trên vùng đất Phìn Hồ (Hà Giang) vẫn vững vàng với thời gian.

Cheo leo trên đỉnh núi, ẩn hiện trong mây chiều, những cây chè Shan tuyết cổ thụ vài trăm năm tuổi trên vùng đất Phìn Hồ (Hà Giang) vẫn vững vàng với thời gian, trầm mặc chứng kiến sự đổi thay của vạn vật và tiếp tục là nhân vật trung tâm trong những câu chuyện cổ, kim.

Đặc sản trứ danh

Trên đỉnh Tây Côn Lĩnh có chiếc ao tiên, khi từ trên trời bay xuống tắm thấy nhiều cây chè mọc tươi tốt, các nàng tiên đã hái lá uống cảm nhận được vị ngọt mát, thơm nồng nàn. Từ đó, chè trở thành thức uống không thể thiếu của người dân nơi đây”. Đó là câu chuyện cụ bà Triệu Mùi Nghính kể cho chúng tôi nghe về sự tích cây chè Shan tuyết trên vùng đất Phìn Hồ (xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang).

 Ở tuổi xưa nay hiếm, cụ Triệu Mùi Nghính vẫn hàng ngày leo núi, hái chè

Ở tuổi xưa nay hiếm, cụ Triệu Mùi Nghính vẫn hàng ngày leo núi, hái chè

Trong ánh lửa bập bùng xua bớt giá rét ở vùng đất “chạm trời” ngày cuối đông, tiếng cụ nhẹ nhàng: Cây chè Shan tuyết với người dân Dao đỏ ở Phìn Hồ rất quý. Chè sau khi thu hái, sao khô thường được treo trên bếp lửa để bảo quản, chỉ khi có khách quý đến mới lấy xuống sao lại, pha và mời uống. Có lẽ tấm chân tình được gửi gắm trong mỗi chén chè mới thực sự là lực hút mạnh mẽ, níu kéo du khách gần - xa.

Ở tuổi xưa nay hiếm, chạm ngưỡng trăm năm, bản thân sự hiện diện của cụ Nghính cũng như một câu chuyện cổ tích đẹp tại vùng đất này. Ở cụ có sự từng trải, có dấu vết thời gian nhưng ánh mắt vẫn tinh anh, nhanh nhẹn, đặc biệt khả năng thẩm chè vẫn khó ai sánh kịp. Cụ kể, làm chè từ khi còn mặc váy khố nên chỉ cần tay chạm vào búp chè, ngửi mùi hương là biết búp chè đó có cho ra loại chè hảo hạng nhất hay không. Tiếp đó mới đến công đoạn nổi lửa sao chè, dùng đôi bàn tay cảm nhận độ non lửa, già lửa để đạt vị chè ưng ý. Chè pha ra nước có màu vàng óng, hương thơm đậm đà, tiền vị đắng chát, hậu vị ngọt kéo dài, đó mới chuẩn chè Shan tuyết.

 Bên ánh lửa bập bùng, bà Nghính và chị Mương kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về những cây chè Shan tuyết

Bên ánh lửa bập bùng, bà Nghính và chị Mương kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về những cây chè Shan tuyết

Nhìn cụ, tôi chợt nhớ tới lời chị Lý Mùi Mương - Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chế biến chè Phìn Hồ, khi lý giải vì sao chọn hình ảnh cụ Nghính in trên bao bì sản phẩm trà xanh và hồng trà - hai trong số ít sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 5 sao của cả nước. Rằng, cụ như một minh chứng sống cho cây chè Shan tuyết ở Phìn Hồ, bình dị, mạnh mẽ và bền bỉ vượt qua thời gian để sống mãi với người dân nơi đây.

Và, chè Shan tuyết trở thành đặc sản trứ danh của Phìn Hồ và của cả vùng đất Hoàng Su Phì xa ngái. Tiếng thơm của đặc sản này đã được chính bà con nơi đây xây dựng, lan tỏa bằng sự tự nhiên, bằng tấm lòng và bằng rất nhiều thời gian.

Như lời ông Nông Văn Đức - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp, huyện Hoàng Su Phì, chè Shan tuyết sinh trưởng hoàn toàn tự nhiên, không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu nên sản phẩm làm ra an toàn tuyệt đối. Hiện 400 ha trong tổng số hơn 4.000 ha diện tích chè của Hoàng Su Phì được chứng nhận hữu cơ, trong đó có 140 ha chè Shan tuyết ở Phìn Hồ được EU chứng nhận là một minh chứng mạnh mẽ cho tầm nhìn cũng như những nỗ lực của người dân nơi đây trong định hướng phát triển và lan tỏa tiếng thơm cho chè Shan tuyết.

 Cây chè Shan tuyết là tài sản quý của bà con dân tộc Dao đỏ ở vùng đất Phìn Hồ.

Cây chè Shan tuyết là tài sản quý của bà con dân tộc Dao đỏ ở vùng đất Phìn Hồ.

Viết tiếp những câu chuyện đẹp

Nếu như cụ Nghính là một đại diện cho sức sống bền bỉ của cây chè cổ thụ thì nỗ lực của chị Lý Mùi Mương cùng các thành viên HTX chế biến chè Phìn Hồ là sự tiếp nối thế hệ, mang chè Shan tuyết Phìn Hồ vượt đỉnh Tây Côn Lĩnh ra thị trường rộng lớn hơn.

Là đơn vị chế biến chè có quy mô lớn đầu tiên của huyện Hoàng Su Phì, HTX chế biến chè Phìn Hồ không chỉ đầu tư máy móc hiện đại, mà còn rất nỗ lực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá cho chè Shan tuyết. Sản phẩm của HTX hiện được giới thiệu, tiêu thụ thông qua hệ thống đại lý tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang một số thị trường: Đài Loan, Trung Quốc, Nga và một số nước thuộc EU.

Dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng suy nghĩ về sản phẩm, về triết lý kinh doanh của chị Mương không trẻ. “Không chạy theo số lượng, nhiều năm qua, chúng tôi kiên trì giữ 3 yếu tố: Nguyên liệu sạch; tỉ mỉ trong từng khâu chế biến; sản phẩm đưa đến khách hàng được đóng gói cẩn thận và minh bạch thông tin để tạo lòng tin với người tiêu dùng”, chị Mương nói.

Sự nỗ lực của chị Mương cùng HTX đang dần thay đổi cuộc sống của người dân địa phương. Không còn cảnh thiếu ăn, thiếu mặc, cuộc sống của bà con đã sung túc hơn rất nhiều. Dù không phải là đầu mối duy nhất thu mua nguyên liệu nhưng luôn là đơn vị đưa ra giá tốt nhất, giúp bà con không bị ép giá và có thu nhập tốt nhất có thể. Chị Mương và các thế hệ tiếp nối của cụ Nghính đang viết tiếp câu chuyện đẹp cho cây chè Shan tuyết.

HTX đang có kế hoạch mở rộng vùng chứng nhận chè hữu cơ theo tiêu chuẩn EU lên 300 ha, đồng thời phối hợp cùng các đơn vị chức năng trong huyện, tỉnh mở rộng thị trường xuất khẩu. Chúng tôi tin chất lượng sản phẩm của chè Phìn Hồ có thể chinh phục được nhiều phân khúc thị trường, ngay cả với thị trường khó tính”, chị Mương chắc nịch nói.

Dù rất tiếc nuối câu chuyện về chè Shan tuyết của cụ Nghính, chị Mương nhưng màn sương đã dần buông trên đỉnh Tây Côn Lĩnh, chỉ còn một vài vệt nắng cuối ngày le lói, chúng tôi phải tạm biệt vùng đất cổ tích này. Đứng dưới tán chè, cảm nhận mùi hương ngai ngái của lá, mơn man của gió, sự tĩnh lặng của rừng già lúc ngủ đông, lòng bình yên lạ.

Sản phẩm hồng trà và trà xanh của HTX chế biến chè Phìn Hồ được chứng nhận OCOP 5 sao, đã mở ra cơ hội thị trường và lan tỏa thương hiệu chè Shan tuyết - đặc sản trứ danh của vùng đất Phìn Hồ.

Việt Nga - Hoàng Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cham-vao-mien-co-tich-239433.html