Chạm vào quá khứ để phát triển du lịch

Một ngày cuối tháng 6, tình cờ xuống đò máy sang cồn Sơn (TP Cần Thơ) cùng một đoàn du lịch đến từ TP Hạ Long (Quảng Ninh), tôi bất đắc dĩ trở thành hướng dẫn viên du lịch cho đoàn du lịch này để giới thiệu về cây bình bát, cây bần… Những dãy cồn trên sông Hậu, sông Tiền được bồi lắng từ phù sa của dòng Mê Công và cây bần chính là sự kết nối để giữ phù sa cho đất.

Du khách thích thú khi được tự tay làm bánh ở khu du lịch Cồn Chim (Trà Vinh)

Du khách thích thú khi được tự tay làm bánh ở khu du lịch Cồn Chim (Trà Vinh)

Mỗi sản phẩm là một câu chuyện

Cồn Sơn được xem như một điểm du lịch thân thiện điền giã, đưa khách du lịch chạm đến những nét quê của người Nam bộ xưa. Nằm cách bến Ninh Kiều khoảng 10km, chỉ mất khoảng 20-30 phút là có thể đặt chân đến Cồn Sơn. Cái hay ở đây là du khách xuống đò sang sông không tốn tiền, mọi chi phí được người dân ở đây bao hết. Nhiều người biết đến Cồn Sơn nhờ hình ảnh, video clip quảng bá “cá lóc bay”, cá sặc phun nước thành tia để… bắt mồi. Du khách sẽ thoải mái thăm từ nhà vườn này đến nhà vườn khác, trong bóng mát cây trái như bưởi, ổi, vú sữa, chôm chôm, mận, mít… Khách cũng có dịp thưởng thức các loại bánh dân gian Nam bộ, nếu mỏi chân thì nằm đu đưa võng nghe tiếng chim hót.

Giữa trưa, ở nhà chị Bé Bảy (Lê Thị Bé Bảy), một trong nhiều hộ dân làm du lịch gia đình ở Cồn Sơn, tôi và vài người bạn ngồi bàn kế bên bàn của đoàn du lịch. Tôi không tiện “xem thực đơn” đoàn đến từ Hạ Long, nhưng xem ra họ thưởng thức các món ăn và chuyện trò rất vui. Lát sau, thấy có một cô gái mặc áo bà ba tím và một thầy đàn đến chơi cổ nhạc phục vụ đoàn khách. Còn ở bàn tôi, hôm ấy chúng tôi đã đặt trước chị Bé Bảy món lẩu cá tra bần rất ngon. Không khí sân vườn mát mẻ bên cạnh ngôi nhà mộc đậm chất làng quê khiến ai cũng cảm thấy dễ chịu. Người bạn của tôi làm bên Thành đội TP Cần Thơ giới thiệu thêm, chị Bé Bảy là nghệ nhân làm bánh, từng đoạt giải làm bánh ngon Nam bộ và chị cũng là người hỗ trợ tư vấn cho bà con làm du lịch ở cồn Sơn.

“Ở đây chưa tới 100 nóc gia, hơn phân nửa làm du lịch. Mỗi nhà cố gắng giữ một sản phẩm gắn với một câu chuyện để kết nối vùng đất và tính cách con người Nam bộ”, người bạn nói. Bình quân, mỗi ngày Cồn Sơn đón trên 1.000 khách đến tham quan. Dù có ký kết với nhiều đơn vị du lịch lữ hành nhưng người dân Cồn Sơn chỉ đón số lượng khách vừa sức, nhằm giữ cái hồn quê miền sông nước Nam bộ. Chỉ trò chuyện ngắn với chị Bé Bảy, nhưng tôi cảm nhận người dân ở đây dành nhiều tình cảm cho du khách để khách được tận hưởng chiều sâu của sản phẩm du lịch.

Dùng nét quê, hồn sông nước làm du lịch được xem là thế mạnh của ĐBSCL. Nhiều địa phương đang chọn hướng phát triển du lịch gần gũi với thiên nhiên. Tỉnh Đồng Tháp có gần 70% dân số sinh sống ở nông thôn, lợi thế tự nhiên và truyền thống canh tác đã tạo cho nền nông nghiệp địa phương sự phong phú với nhiều sản vật, đặc biệt là hoa, trái cây, thủy sản... Trong vài năm gần đây, Đồng Tháp tập trung phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, tạo thêm việc làm ở nông thôn, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân.

“Tui là nông dân tử tế”

Ở Đồng Tháp không chỉ nổi tiếng với làng hoa Sa Đéc, Vườn quốc gia Tràm Chim… mà nông dân còn tham gia du lịch với mô hình vườn quýt hồng ở huyện Lai Vung, khu đồng sen Tháp Mười, mang lại hiệu quả thiết thực. Mô hình vườn quýt hồng có chưa đến 10 hộ tham gia nhưng đã đón gần 100.000 lượt khách trong 5 năm qua, tổng thu đạt gần 30 tỷ đồng. Ở vùng Tháp Mười, cũng chỉ có 7 hộ dân khai thác những cánh đồng sen bạt ngàn để du khách trải nghiệm chèo xuồng ngắm sen, câu cá, thưởng thức ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn được chế biến từ sen. Đây là điểm thu hút đông đảo khách du lịch từ TPHCM và các tỉnh lân cận đến vào dịp cuối tuần và các kỳ nghỉ lễ. Trung bình mỗi tháng các điểm tham quan đồng sen đã đón và phục vụ trên 10.000 lượt khách. Những dịp cao điểm như lễ, tết, trung bình một ngày có trên 1.000 lượt khách đến đây.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, rất vui khi thành lập được “Hội quán cùng nhau làm du lịch” ở Tân Quy Đông (TP Sa Đéc) với 15 thành viên. “Khách du lịch dừng chân sẽ trò chuyện nhiều điều thú vị. Người nông dân làm du lịch sẽ cảm nhận, tiếp thu kiến thức, từ đó tạo ra sự thay đổi về tri thức. Nhất thiết họ phải thay đổi trong lời ăn tiếng nói, thậm chí thay đổi cách sản xuất theo hướng “tui là nông dân tử tế” chứ không phải làm ăn qua loa trong sản xuất nông nghiệp”, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, nhận định.

Kết nối hay liên kết phát triển du lịch được xem là một xu thế tất yếu hiện nay để đáp ứng nhu cầu của khách trong các kỳ nghỉ. TPHCM đang có nhiều chương trình để thúc đẩy liên kết phát triển du lịch với các vùng Đông Nam bộ, ĐBSCL và miền Trung… Hiện TPHCM đã ký kết với 13 tỉnh thành ĐBSCL để liên kết phát triển du lịch và đã triển khai, tạo ra các tour mới từ TPHCM đi các tỉnh, hỗ trợ nguồn nhân lực đào tạo cho các tỉnh. Sau Đồng Tháp đến luợt Hậu Giang cũng khai thác thế mạnh du lịch nông nghiệp. Điều đáng mừng là nhiều tỉnh, thành trong vùng đã hình thành và đang cố gắng khai thác du lịch sông nước miền châu thổ.

“Phải biết đoán được cảm xúc du khách, người làm du lịch như tụi em phải biết kết nối để khách chạm vào quá khứ của chính vùng đất mà họ đặt chân đến”, lời tâm sự của chị Bé Bảy phải chăng là một lời “đánh thức” du lịch ĐBSCL.

Lịch sử hình thành vùng đất Nam bộ gắn với nhiều vùng đất ngập nước. Từ Tràm Chim, rừng tràm Trà Sư đến U Minh Thượng, U Minh Hạ và một “lá phổi xanh” của đồng bằng là Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng… Theo nhiều chuyên gia du lịch, Lung Ngọc Hoàng là vùng đất đẹp hàng đầu Việt Nam, bởi nét hoang sơ nơi đây. Với diện tích trên 2.800ha, đây là vùng đất rất đặc biệt với hơn 500 loài cây, con sinh sống. Trong số đó, rất nhiều loài thuộc dạng quý hiếm. Tỉnh Hậu Giang đang mời gọi các nhà đầu tư đến để khai thác du lịch ở Lung Ngọc Hoàng.

CAO PHONG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cham-vao-qua-khu-de-phat-trien-du-lich-671451.html