Chạm vào tháng 10…
Theo mẹ ra đồng, tôi thích thú mon men bước chân trên những bờ ruộng đất ướt nhẹp, cái thoáng đãng, cái lạnh se sẽ của những ngày 'thu rất thật thu' mang đến cảm giác khoan khoái, dễ chịu. Ngẫu hứng đầy con trẻ, tôi đưa tay đón lấy bông lúa chín trĩu hạt vàng óng uốn cong vòng như lưỡi câu. Những hạt lúa căng mẩy, lít chít lọt thỏm trong lòng bàn tay, vẫn còn ướt rượt nước mưa từ cơn giông gió đêm qua khiến lòng tôi bỗng có cảm giác như đã chạm tay vào ký ức tháng 10 dung dị, ngọt ngào, sâu lắng…
Vẫn biết, quy luật đất trời mở ra một vòng tuần hoàn xuân - hạ - thu - đông, mỗi mùa có sắc, có thanh, có hương khác biệt, vì thế mà hồi ức, kỷ niệm, yêu thương mỗi người mỗi khác. Nhưng có những khi, trong một phút “siêu thực” nào đó, tâm trí lại ngẩn ngơ tự hỏi: Tại sao nhất định phải là bốn mùa mà không phải là con số nào khác? Nếu một mai, một mùa trong “bộ tứ” ấy biến mất thì sẽ ra sao?
Tựa hồ như sáng nay, một sáng tháng 10, khi cơn gió se lạnh lấn lướt những vạt nắng mỏng mảnh chạm đến bên hiên nhà, tôi bất giác mỉm cười: Thời tiết gì mà kỳ cục quá chừng, nắng mà không nóng, gió lạnh cũng chẳng đủ khiến hơi thở run lên. Đó không phải là tính cách sôi nổi, mạnh mẽ của những cô cậu mới lớn nhưng cũng không giống cách những con người từng trải, thâm trầm đi qua gian khó cuộc đời. Mọi thứ cứ lưng lửng, như có như không, tưởng là vậy mà hóa ra lại chẳng phải vậy. Phải chăng đó là cách tháng 10 ghi dấu ấn với cuộc đời này, vừa gần gũi, quen thuộc mà vẫn rất độc đáo, rất riêng? Tháng 10 - tháng giao mùa từ thu chuyển dần sang đông. Tín hiệu thu dường như đã yếu ớt, nhường chỗ cho mùa đông sắp sửa về với nhân gian. Không có những tháng giao mùa như thế thì mất đi biết bao điều thú vị. Nếu không có tháng 10 thì chẳng phải thu sang đông sẽ đột ngột, tẻ nhạt lắm sao. Bởi vậy mà càng thấm thía câu nói: Mọi sự tồn tại trên thế gian này theo cách riêng và đều có giá trị riêng của nó. Chỉ là mỗi chúng ta có đủ tri thức, cảm nhận, thấu hiểu để nhận ra điều đó hay không mà thôi.
Như cái cách đồng lúa tháng 10 kiên cường bám hạt trước cơn giông gió để giữ lấy công sức vất vả chăm bẵm, lặn lội “một nắng hai sương” của những người nông dân chất phác, chịu thương chịu khó. Đồng lúa tháng 10 dạy tôi cách sống kiên cường, mạnh mẽ và biết tri ân, trân trọng công sức của người khác. Đâu ai thấm thía nỗi nhọc nhằn, vất vả của người nông dân hơn những cánh đồng lúa chín trĩu bông vào mỗi tháng 10. Đâu ai thấu hiểu bao tâm tư, hy vọng, ông bà, bố mẹ tôi gieo cả vào cánh đồng làng này. Còn nhớ, mẹ vẫn thường kể chuyện ngày xưa, cái thời mà cả nhà ông bà ngoại gần mười miệng ăn chỉ biết trông vào mấy sào ruộng. Vụ mùa là rôm rả nhất. Lúa còn chưa kịp gặt về nhà đã cõng theo bao nhiêu tính toán chi li: tiền nợ thím Tư đợt sửa lại cái nhà, tiền học hành của mấy anh em, tiền giống, phân tro, cày, bừa chuẩn bị cho vụ lúa mới… Cánh đồng lúa tháng 10 nuôi lớn giấc mơ tôi. Đứa trẻ sinh ra từ làng mà chưa một ngày biết thế nào là gieo mạ, cấy lúa… Vậy mà bao mùa lúa chín đã thành cơm gạo, tiền bạc nuôi dưỡng tôi trên bước đường đời. Ấy vậy mà có những khi, trời chẳng có thương, “trồng cây sắp đến ngày ăn quả”, lúa chín chưa đến tay người gặt thì mưa bão kéo đến, quật cả cánh đồng tơi tả, hạt rơi vãi đầy gốc mà bông lúa trơ cọng. Đó là những ngày mà cả làng thấp thỏm lo âu, đêm trằn trọc không yên giấc, mẹ buồn rười rượi, bố thở dài theo từng tiếng gió lùa mái hiên… Bài ca dao vẳng trong lời ru buồn: “Cày đồng đang buổi ban trưa/ Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày/ Ai ơi, bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”.
Đi qua tháng năm, bước trên muôn nẻo đường đời mưu sinh, đứa con gái thôn quê vẫn không quên được hình ảnh, ký ức về cánh đồng làng vào mỗi độ tháng 10. Vàng óng ả những sóng lúa ngả nghiêng theo gió. Rộn ràng những buổi chiều máy tuốt lúa chạy xình xình ở các ngõ, hạt lúa chảy ào ào vào thúng, mủng, rơm chất thành đống ở phía ngoài. Cả làng có khi chỉ có một, hai cái máy nên nhà ai có nhu cầu phải đặt lịch từ sớm, máy hoàn thành nhiệm vụ ở nhà này sẽ được kéo qua nhà khác. Những ngày tuốt lúa, nhân lực cả gia đình đều được huy động, “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Những bữa cơm gia đình ngày mùa thường được dọn mâm muộn hơn so với thông thường, mệt, đói mà vui vẻ, hạnh phúc biết chừng nào… Giờ đây, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, trên cánh đồng lúa tháng 10, sự xuất hiện của những chiếc máy gặt đập liên hợp, máy bay không người lái... đã phần nào giúp người nông dân vơi bớt đi nhọc nhằn, lam lũ; năng suất, giá trị kinh tế tăng lên. Nhưng có một điều bất biến theo thời gian, đó là giá trị của những giọt mồ hôi rơi xuống cánh đồng, là bản tính chịu thương, chịu khó trong mỗi người nơi đây.
Càng bước đi nhiều, càng thấy trân trọng cánh đồng lúa quê hương. Mùa vàng tháng 10 đã thêm sắc màu tươi tắn, bừng sáng một khoảng ký ức êm dịu, giản dị mà gợi thương, gợi nhớ...
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/cham-vao-thang-/169522.htm