Chậm xây dựng phương án giao đất sử dụng, bảo vệ và phát triển rừng

Lực lượng chức năng kiểm tra tọa độ, diện tích đất rừng tại huyện Sông Hinh. Ảnh: NHẬT HUY

Mới đây, tại xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa) xảy ra sự việc cán bộ ban quản lý rừng phòng hộ khai thác keo trên diện tích đất lâm nghiệp do UBND xã Sơn Hội quản lý. Vấn đề này thu hút sự quan tâm của người dân địa phương bởi liên quan đến câu chuyện thu hồi đất lâm nghiệp của các ban quản lý rừng phòng hộ giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng, bảo vệ và phát triển rừng triển khai đã lâu nhưng chưa được giải quyết rốt ráo.

Địa phương tìm phương án xử lý

Chi cục Kiểm lâm Phú Yên vừa cùng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sơn Hòa và Hạt Kiểm lâm Sơn Hòa kiểm tra hiện trường khai thác keo tại xã Sơn Hội. UBND huyện Sơn Hòa thì họp các ngành của huyện và UBND xã Sơn Hội để giải quyết tình hình khai thác cây keo trên đất lâm nghiệp do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sơn Hòa trả lại theo Quyết định 27/QĐ-UBND ngày 2/1/2013 của UBND tỉnh tại tiểu khu 167 xã Sơn Hội.

Kiểm tra hiện trường tiểu khu 167 cho thấy việc khai thác rừng trồng keo xảy ra tại 5 vị trí. Tổng diện tích kiểm tra là 8,5ha rừng trồng keo năm 2018; trong đó đã khai thác 3,22ha, chưa khai thác 5,28ha. Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sơn Hòa, trong tổng diện tích 8,5ha, diện tích rừng trồng trên đất của ban là 5,5ha (đã khai thác 2,62ha), diện tích rừng trồng trên đất UBND xã Sơn Hội quản lý là 3ha (đã khai thác 0,6ha). Việc trồng rừng, khai thác rừng trên đất thu hồi của đơn vị này giao UBND xã Sơn Hội quản lý là do viên chức và người lao động của đơn vị thực hiện.

Diện tích nói trên được Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sơn Hòa ký hợp đồng khoán cho ông Nguyễn Văn Kế (nhân viên của đơn vị) vào năm 2005. Thời gian giao khoán từ ngày 25/2/2005-25/2/2043. Tuy nhiên, khi thu hồi đất và giao đất cho xã quản lý, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sơn Hòa chưa điều chỉnh hợp đồng và không thông báo UBND xã Sơn Hội.

Cũng theo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sơn Hòa, năm 2018, những diện tích rừng trồng keo trong diện tích bàn giao cho xã Sơn Hội (1.971,5ha) thuộc nguồn vốn nhà nước và vốn hộ gia đình nhận khoán đầu tư đã được khai thác hết, nhưng UBND xã Sơn Hội chưa lập phương án giao đất rừng để trình UBND huyện xem xét, quyết định và chưa có kế hoạch cấp đất cho người dân trên địa bàn xã. Do sợ người dân lấn chiếm, một số cá nhân thuộc đơn vị quản lý đã tự đầu tư vốn trồng rừng keo với tổng diện tích 8,5ha, thuộc tiểu khu 167, xã Sơn Hội; trong đó, 3ha nằm trên diện tích đất bàn giao địa phương quản lý theo Quyết định 27 của UBND tỉnh.

Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết: “Cơ quan chức năng của địa phương đang tiến hành làm rõ sự việc. UBND huyện sẽ có báo cáo cho Huyện ủy để có phương án xử lý theo đúng quy định pháp luật”.

Người dân khai thác keo tại xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa). Ảnh: NHẬT HUY

Người dân khai thác keo tại xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa). Ảnh: NHẬT HUY

Rất ít diện tích rừng được giao

Sự việc tại xã Sơn Hội liên quan đến công tác xây dựng phương án giao đất sử dụng, bảo vệ và phát triển rừng cho hộ gia đình, cá nhân. Đây là vấn đề mà ngành Lâm nghiệp và các địa phương tìm cách giải quyết.

Theo Sở NN&PTNT, đơn vị này đã phối hợp với Sở TN&MT, UBND các huyện, xã và các ngành chức năng của huyện thống nhất về vị trí, ranh giới, diện tích thu hồi đất, rừng của ban quản lý rừng phòng hộ để giao trả cho địa phương quản lý. Các ban quản lý rừng đã có đơn giao trả đất và Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh ban hành 5 quyết định thu hồi đất của các ban quản lý rừng, với tổng diện tích 30.083ha. Các quyết định thu hồi đất của các ban quản lý rừng phòng hộ, giao cho UBND xã quản lý, lập phương án giao đất trình UBND huyện phê duyệt để giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng, bảo vệ và phát triển rừng được thực hiện theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng và Luật Đất đai.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện như Kế hoạch 53/KH-SNN ngày 19/4/2021 thực hiện đề án Giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng giai đoạn 2018-2025.

Kết quả, các xã Ea Trol, Ea Ly (huyện Sông Hinh) đã lập phương án giao đất trình UBND huyện phê duyệt và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) được 506 thửa đất với diện tích 743,1ha/1.537,5ha chiếm 48,3%. Tại huyện Tây Hòa, các xã Sơn Thành Đông, Hòa Mỹ Tây, Sơn Thành Tây đã lập phương án giao đất trình UBND huyện phê duyệt và cấp GCNQSDĐ được 187 thửa đất với diện tích 270,8ha/6.447,0ha, chiếm 4,2%. Các xã Xuân Lãnh, Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) đã lập phương án trình UBND huyện phê duyệt và cấp GCNQSDĐ được 169 thửa đất với diện tích 440,85ha/12.571,5ha, chiếm 3,5%.

Riêng huyện Sơn Hòa, năm 2018, địa phương này đã giao UBND các xã Phước Tân, Sơn Hội, Sơn Định làm chủ đầu tư, tổ chức thuê đơn vị tư vấn đo đạc chỉnh lý, lập hồ sơ địa chính đối với phần đất được giao trả theo Quyết định 27, với tổng diện tích 2.562,5ha. Sau khi đo đạc, đến nay các xã vẫn chưa lập phương án giao đất, trình UBND huyện phê duyệt.

Có thể thấy, diện tích được kiểm tra đánh giá hiện trạng, đo đạc, lập phương án giao đất cho hộ gia đình, cá nhân ở các địa phương còn thấp; riêng huyện Sơn Hòa và TX Sông Cầu chưa thực hiện việc này. Qua đó cho thấy công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về giao đất ở các địa phương chưa thật sự quyết liệt. Công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi và đánh giá hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp sau khi giao vẫn còn một số hạn chế; chưa kịp thời phát hiện, xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng, sử dụng đất sai mục đích. Ngoài ra, công tác phối hợp xây dựng và tổ chức thực hiện phương án giao đất cho hộ gia đình và cá nhân đối với diện tích đất thu hồi của các ban quản lý rừng giao cho địa phương quản lý chưa tốt.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Trọng Tùng, sở đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, phối hợp rà soát, điều chỉnh ranh giới rừng giữa các ban quản lý rừng và địa phương; kiểm tra, rà soát diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng bằng nguồn kinh phí nhà nước hiện do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng và UBND xã đang quản lý để xây dựng kế hoạch và tổ chức giao rừng, cho thuê rừng theo thẩm quyền. Tuy nhiên, công tác phối hợp, chỉ đạo quản lý đất lâm nghiệp chưa thực hiện tốt.

“Giải pháp Sở NN&PTNT đề ra để thực hiện hiệu quả việc giao đất sử dụng, bảo vệ và phát triển rừng là đẩy mạnh kiểm tra đánh giá hiện trạng, đo đạc, lập phương án giao đất và cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân quản lý bảo vệ và phát triển rừng theo Luật Lâm nghiệp và Luật Đất đai. Đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất trái phép. Sở cũng mong UBND tỉnh chỉ đạo việc cấp kinh phí thực hiện việc đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp GCNQSDĐ đối với diện tích có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh và các ban quản lý rừng trả về địa phương”, ông Nguyễn Trọng Tùng nói.

NHẬT HUY

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/301007/cham-xay-dung-phuong-an-giao-dat-su-dung-bao-ve-va-phat-trien-rung.html