Chặn 'bàn tay đen' gây rối lòng dân trên mạng xã hội
Không còn là vấn đề riêng của một quốc gia nào mà những thông tin thất thiệt, bịa đặt, sai trái được tung lên mạng xã hội với dụng xấu xa và ý đồ được lan truyền dầy đặc trên các mạng xã hội đã trở thành một vấn nạn nguy hiểm trên toàn cầu.
Trong động thái mới nhất thể hiện sự sự bất bình trước những tác động tiêu cực của thông tin không chính xác, nhiễu loạn và thiếu kiểm chứng trên các trang mạng xã hội, Cơ quan liên bang giám sát truyền thông, công nghệ thông tin và truyền thông đại chúng (Roskomnadzor) của Nga ngày 8-9 đã cáo buộc Google và Facebook đăng tải quảng cáo chính trị vào “Ngày yên lặng”, tức ngày trước ngày bầu cử ở Nga. Đồng thời với cáo buộc xem đây là sự can thiệp của các công ty nước ngoài vào tiến trình chính trị tại Nga, Roskomnadzor sẽ chuyển thông tin về các vụ việc này lên Duma Quốc gia Nga (Quốc hội Nga).
Trước đó, Roskomnadzor vào ngày 6-9 đã yêu cầu Google, YouTube, Facebook và Instagram “thông qua các biện pháp để không cho phép việc tải các quảng cáo chính trị vào các “Ngày yên lặng” 7 và 8-9. Lý do, theo như cáo buộc của Phó Chủ tịch Thứ nhất Ủy ban bầu cử Trung ương Nga (SIK) Nikolai Bulaev, các quảng cáo chính trị trên Google có thể xem như một sự can thiệp vào cuộc bầu cử địa phương ở Nga.
Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo và yêu cẩu của các cơ quan hữu trách của Nga, thông tin quảng cáo chính trị vẫn xuất hiện trên công cụ tìm kiếm Google, mạng xã hội Facebook và mạng chia sẻ video YouTube vào các ngày 7 và 8-9. Trong khi đó, theo luật pháp Nga, điều này bị cấm trong các “Ngày yên lặng” trước ngày người dân đi bỏ phiếu bầu.
Việc lợi dụng tính chất không biên giới, ẩn danh và lỏng lẻo về chế tài pháp luật cũng như đạo đức, để tung các thông tin thất thiệt, bịa đặt lên mạng xã hội nhằm tác động tới quyết định lựa chọn vào phút chót của cử tri trong bầu cử ở Nga những ngày qua có thể thấy ở rất nhiều quốc gia khác. Đó cũng là vấn đề nóng bỏng ngay tại Mỹ, quốc gia mà các trang mạng lớn nhất như Facebook, Google… đặt trụ sở.
Bên cạnh những mặt tích cực về chia sẻ, tương tác thông tin… thì mạng xã hội đã sớm bộc lộ những mặt trái, có cả mặt trái “chết người”. Trong khi sự kiểm chứng, trách nhiệm và đạo đức, thậm chí cả pháp luật cũng bị không ít cư dân mạng xem thường. Đặc biệt là có những đối tượng xấu đã lợi dụng mặt trái này cùng lợi thế tốc độ lan truyền chóng mặt để tung lên những thông tin bịa đặt, sai trái, chống phá.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6-9 đã lại lên tiếng cáo buộc các công ty mạng xã hội, trong đó có Facebook Inc và Twitter Inc, can thiệp vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới, gọi đây là những công ty “siêu tự do”. Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh, sự thật về sự can thiệp của các công ty mạng xã hội đã được thể hiện rõ trong cuộc bầu cử Tổng thống hồi năm 2016 và cho rằng các mạng xã hội này sẽ lại can thiệp vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ vào ngày 6-11 tới.
Không chỉ thò “bàn tay đen” vào các cuộc bầu cử, những thông tin thất thiệt, thêu dệt với nhiều dụng ý đen tối khác tại các quốc gia trên thế giới. Vào hạ tuần tháng 5 vừa qua, Chính phủ Indonesia đã phải hạn chế một số tính năng của các mạng xã hội Facebook, WhatsApp và Instagram để ngăn chặn các thông tin gây hoang mang dư luận khi xuất hiện những tin tức sai lệch liên quan đến cuộc bạo loạn tại Thủ đô Jakarta, đặc biệt là thông tin cảnh sát Trung Quốc tham gia chống bạo loạn tại đây, nhằm gây rối lòng dân, kích động tâm lý.
Những vụ tung tin bịa đặt, thất thiệt tại Nga, Mỹ hay Indonesia… một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về vấn nạn mà thế giới gọi là “tin giả” (fake news) đang xuất hiện ngày càng nhiều và càng nghiêm trọng hơn trên mạng xã hội, trong đó có tại nước ta.
Cùng với sự phát triển của Internet và các thiết bị di động thông minh, số người dùng mạng xã hội ở Việt Nam đã phát triển với tốc độ có thể xem là “bùng nổ”. Việt Nam hiện nằm trong Top 20 quốc gia có số người sử dụng mạng Internet cao nhất thế giới thì số liệu do Công ty Appota công bố hồi tháng 4 vừa qua cho biết cả nước đã có tới 38 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm gần 40% dân số với thời lượng trung bình 138 phút mỗi ngày, cao hơn với mức độ trung bình toàn cầu 31%.
Cơ quan chức năng ở nước ta thời gian gần đây đã phải lập tức vào cuộc điều tra những tin đồn thất thiệt loan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đã làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp tung tin thất thiệt lên mạng xã hội với dụng ý cá nhân, mục đích xấu. Đáng lo ngại không kém là bên cạnh những thông tin thất thiệt nhằm mục đích “câu view”, “câu like” còn có những đối tượng tung tin giả với những ý đồ và dụng ý xấu như gây mất an ninh trật tự xã hội, reo rắc hoang mang, xúc phạm, bôi nhọ lãnh đạo, thậm chí nhằm chống phá Nhà nước và chế độ.
Bên cạnh những mặt tính cực về chia sẻ, tương tác thông tin… thì mạng xã hội đã sớm bộc lộ những mặt trái, có cả mặt trái “chết người”. Trong khi sự kiểm chứng, trách nhiệm và đạo đức, thậm chí cả pháp luật cũng bị không ít cư dân mạng xem thường. Đặc biệt là có những đối tượng xấu đã lợi dụng mặt trái này cùng lợi thế tốc độ lan truyền chóng mặt để tung lên những thông tin bịa đặt, sai trái, chống phá.
Vấn nạn tin tức thất thiệt, bịa bặt nhằm mục đích xấu trên mạng xã hội ngày càng trở thành một thách thức, vấn đề nghiêm trọng với rất nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay, trong đó có nước ta. Đồng thời với việc yêu cầu Facebook, Google kiểm soát chặt chẽ, trách nhiệm hơn, các nước đều mạnh tay xử lý những đối tượng tung tin thất thiệt như tại Đức có thể bị phạt tới 50 triệu Euro hay bị xử lý hình sự ở nhiều nước khác.
“Tin giả” có thể sẽ còn phát tán mạnh mẽ và đặc biệt là gây tác hại nghiêm trọng hơn nếu chúng ta không mạnh tay và nghiêm khắc hơn. Cùng với những chế tài pháp luật đủ sức răn đe, mỗi người tham gia mạng xã hội cần có trách nhiệm và ý thức cao hơn, không nên tham gia chia sẻ những thông tin mà bản thân thấy bất ổn về tính chính xác hay có những dụng ý ác độc, xấu xa nhằm gây rối lòng dân, mất ổn định an ninh, trật tự xã hội.