Chân chất Lê Kim

Tôi vừa có chuyến đi Điện Biên, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử và rất bất ngờ khi được biết hiện nay trên toàn tỉnh chỉ còn lại 142 cụ từng tham gia Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Các cụ tuổi đều suýt soát 90 tới trên 100, râu tóc bạc phơ, nhiều cụ đã lẫn, nhưng ai nấy ngực đều gắn lấp lánh những huân chương.

Nhà thơ Lê Kim.

Nhà thơ Lê Kim.

Trong cuộc đi, tôi bồi hồi nhớ tới nhà thơ - nhà báo - Đại tá Lê Kim, người từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ với cương vị Trưởng ban Tuyên huấn Trung đoàn 36 Đại đoàn 308.

Tôi từng hai lần được tháp tùng ông lên Điện Biên. Lần đầu năm 2004 chúng tôi mời ông với tư cách nhân chứng lịch sử lên làm giao lưu truyền hình tại Điện Biên. Lê Kim dí dỏm mà sâu sắc luôn biết chọc cười khán giả.

Lê Kim rất giỏi tiếng Pháp. Từ nhỏ ông đã được học hành chu đáo từ bậc tiểu học ở quê tỉnh Bắc Ninh đến trường Bưởi (nay là Trường THPT Chu Văn An) danh tiếng Hà Nội. Ông có vốn tiếng Pháp thành thạo và sau này còn sử dụng thêm tiếng Anh.

Lê Kim nổi tiếng từ rất sớm. Năm 1948, ở tuổi 20, ông đã có tập thơ “Đời cứ tươi” xuất bản tại Quân khu Việt Bắc được lưu truyền rộng rãi trong các đơn vị bộ đội và nhân dân, với các bài thơ cổ vũ lòng yêu nước và căm thù giặc. Bộ đội thuộc thơ ông đến mức ở đâu cũng tổ chức đọc thơ kể cả lúc bụng đói cật rét đọc thơ Lê Kim cũng phải bật cười:

Thơ châm biếm là một loại vũ khí sắc nhọn, kịp thời tiến công vào cái ác, cái xấu, để cuộc đời thêm tươi vui, lành mạnh. Dĩ nhiên, tôi làm thơ theo cảm xúc riêng, nhưng cũng nhiều lần viết theo “đơn đặt hàng” và đã làm đủ các thể loại: thơ ca, hò vè, tấu nói, diễn ca... coi như một công tác phục vụ kháng chiến, phục vụ cách mạng.
Nhà thơ Lê Kim

“Ba người một cái chăn bông

Nằm thẳng cũng khổ, nằm cong cũng phiền

Đắp dọc thì hở hai bên

Đắp ngang thì lạnh... như tiền, cái chân!

Mặc cho trời đất xoay vần

Thịt da ta lại đắp lần thịt da

Thằng nghiêng nằm giữa thằng co

Ba thằng quặp chặt, gió lùa vào đâu?”

(Nửa đêm)

Thơ Lê Kim chân chất thật thà hạt lúa củ khoai lính tráng quá chừng, mà khi lại sâu sắc khẩu khí tuyên truyền cũng không phải dạng vừa đâu:

“Nửa đêm sương gội mái đầu

Chòi cao phần phật mấy tàu lá khô

Bộ đội nằm giữa rừng già

Gió về thức tỉnh giấc mơ diệt thù...”

(Nửa đêm)

Bài thơ với những câu thơ ấy đã từng được đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4 (bộ sách giáo khoa cũ) mà ngày còn nhỏ chúng tôi đều thuộc lòng.

Nhà thơ Lê Kim từng tâm sự về nghề nghiệp văn chương và cuộc đời quân ngũ: “Tôi bắt đầu làm thơ từ năm 1945, khi đang học trường trung học Hàn Thuyên, Bắc Ninh, được bầu làm chủ bút tờ nội san Đoàn kết. Cuộc sống trong kháng chiến khiến tôi đi sâu dần vào thể loại châm biếm, đả kích địch.

Nhất là sau khi được sự cổ vũ của nhà thơ Xuân Diệu, người đã viết bài giới thiệu tập thơ đầu tay của tôi (Đời cứ tươi) trên Tạp chí Văn nghệ năm 1949, tiếp đó là sự động viên của nhà thơ Tú Mỡ, người đã xét duyệt bài thơ đả kích của tôi (Kế hoạch Lo Ren) lần đầu tiên đăng trên Tạp chí Văn nghệ năm 1952.

Là một người lính liên tục 46 năm trong quân ngũ, sau khi nghỉ hưu lại tiếp tục công tác tại Báo Cựu chiến binh, tôi quan niệm thơ châm biếm là một loại vũ khí sắc nhọn, kịp thời tiến công vào cái ác, cái xấu, để cuộc đời thêm tươi vui, lành mạnh. Dĩ nhiên, tôi làm thơ theo cảm xúc riêng, nhưng cũng nhiều lần viết theo “đơn đặt hàng” và đã làm đủ các thể loại: thơ ca, hò vè, tấu nói, diễn ca... coi như một công tác phục vụ kháng chiến, phục vụ cách mạng”.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhà thơ - nhà báo Lê Kim luôn có những sáng tác ngay tại chiến hào. Ông xông xáo và có phần liều lĩnh khi không quản mưa bom bão đạn, vượt qua bùn và máu tới những trọng điểm ác liệt đọc thơ cho bộ đội. Những câu thơ chẳng khác gì khẩu đại liên cứ nhằm thẳng quân Pháp mà bắn như những đường hào xuyên thẳng vào lô cốt của địch:

“Điện Biên Phủ bị ta vây chặt

Các thứ Tây đều mất tinh thần

Có thằng lính ngụy than thân:

Điện Biên Phủ biến thành... âm phủ rồi!...

Đồn trại Tây: diêm la, địa phủ

Lính với quan: quỷ sứ, ma vương

Đứa bị chết, đứa bị thương

Hầm sâu lúc nhúc một phường hôi tanh”.

(Điện... âm phủ)

Các bài thơ, bài báo, tiểu phẩm sáng tác trong suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ ngay sau đó được Lê Kim biên soạn và in thành tập “Chuyện Tây thua” được cán bộ chiến sĩ chuyền tay nhau đọc và được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi.

Đồng chí Chính ủy Trung đoàn khi đó là Phạm Hồng Cư (sau này là Trung tướng - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) luôn động viên Lê Kim sáng tác và công tác. Trong suốt cuộc đời, Lê Kim luôn trân trọng và cảm phục trí tuệ tài hoa và đạo đức sáng ngời của Trung tướng Phạm Hồng Cư.

Lê Kim có một sự nghiệp làm báo đồ sộ xuyên suốt gần nửa thế kỷ, từ năm 1956 đến năm 2003. Năm 1956, ông về công tác tại Báo Quân đội nhân dân đến năm 1992. Gần 40 năm ở Báo Quân đội nhân dân, ông công tác tại Phòng Biên tập Thời sự Quốc tế với những dấu ấn đậm nét. Ông cũng là nhà báo quân đội đầu tiên thăm Algeria, Syria và một số nước khác. Khả năng ngoại ngữ thành thạo đã cho ông nhiều cơ hội và thể hiện tốt với cương vị nhà báo, nhà thơ.

Chính từ những chất liệu đó, Lê Kim viết báo, viết văn, làm thơ, viết các tiểu phẩm đều vào hàng “khủng” với 15 đầu sách các loại. Ông là một trong những tấm gương lao động sáng tạo bền bỉ, kiên cường mà nói như chính Lê Kim là: “Viết đến hơi thở cuối cùng”.

Thăm lại chiến trường xưa. Ảnh: TL.

Thăm lại chiến trường xưa. Ảnh: TL.

Lê Kim chưa bao giờ có khái niệm nghỉ hưu. Năm 1992, rời Báo Quân đội nhân dân, ông tới công tác tại Báo Cựu chiến binh đến năm 2003 và cộng tác với Tạp chí Lịch sử Quân sự đến năm 2012. Ở Lê Kim còn thở tức là còn viết. Còn sống tức là còn lao động báo chí văn chương nghệ thuật. Trong những lần tôi đến làm việc cùng ông viết các kịch bản giao lưu truyền hình cho những lễ kỷ niệm lớn, ông đều rất nhiệt thành. Trong căn hộ tập thể nhỏ chưa đầy 20 m3, bốn bức tường chật kín sách, báo, tạp chí trong nước và nước ngoài. Lê Kim thường làm việc từ 5 giờ sáng tới 10 giờ tối, chỉ nghỉ trưa chút ít. Ông có trí nhớ cực tốt đã sửa cho tôi từng câu kịch bản giao lưu truyền hình.

Trong cuộc giao lưu năm 2004 ở Điện Biên và Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chính Lê Kim chứ không phải cô MC xinh đẹp nổi tiếng chiếm diễn đàn và tạo ra những đợt sóng vỗ tay tưởng chừng không dứt. Những kịch bản giao lưu truyền hình mà tôi thực hiện, nhiều kịch bản xuất sắc đều có “dấu giày” của nhà báo - nhà thơ Lê Kim.

Trong những ngày ở Điện Biên, dâng hương các tượng đài, nghĩa trang liệt sĩ; chúng tôi, những người lính sinh ra và trưởng thành sau chiến tranh bỗng thấy lòng mình nao nao, bâng khuâng, bịn rịn, cay cay mắt.

Thoáng chốc đã 70 năm. Biết bao thế hệ cầm súng và cầm bút đã lần lượt trở về thế giới của người hiền, với đồng chí đồng đội ngã xuống khi chưa đầy 20 tuổi để chúng ta có cuộc sống thanh bình, hạnh phúc hôm nay.

Trong không khí bịn rịn, bâng khuâng ấy, chúng tôi như nhìn thấy Lê Kim bước ra từ lòng chảo Điện Biên, bước ra từ hầm Đồi A1 hai tay huơ huơ rất sinh động, miệng thốt ra mấy câu tiếng Pháp khiến ai nấy bật cười.

Mà bây giờ ông đã như một vầng mây trắng.

PHÙNG VĂN KHAI

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chan-chat-le-kim-10278484.html