Chấn chỉnh hoạt động đào tạo và cấp giấy phép lái xe ô tô
Theo quy định tại Thông tư số 01/2021 ngày 27.1.2021 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về đào tạo và cấp giấy phép lái xe, từ ngày 1.6.2022, các Trung tâm đào tạo lái xe sẽ phải đầu tư thêm một số trang thiết bị để phục vụ giám sát và đào tạo; còn việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe cũng sẽ được siết chặt.
Đổ xô đăng ký sát hạch giấy phép lái xe
Nghệ An hiện có 9 cơ sở đào tạo lái xe, trong đó 3 cơ sở có chức năng thi sát hạch. Với cơ sở vật chất hiện tại, các cơ sở được đào tạo, cấp phép trên dưới 30.000 giấy phép lái xe.
Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, từ ngày 1.6.2022, người học lái xe sẽ phải có thời gian học trên mô hình cabin mô phỏng; đồng thời, sử dụng phần mềm mô phỏng sẽ là một trong các nội dung của kỳ thi sát hạch cấp giấy phép lái xe ô tô. Cùng với đó, Thông tư số 01/2021 cũng thay đổi trình tự công nhận kết quả thi sát hạch cấp giấy phép lái xe ô tô với 4 nội dung thi bao gồm sát hạch lý thuyết, thi phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông, thực hành lái xe trong sa hình và thực hành lái xe trên đường.
Ngoài quy định trên, theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, quy định sử dụng các thiết bị giám sát trong đào tạo và thi sát hạch lái xe chính thức được thực hiện trên toàn quốc từ ngày 1.1.2022. Các thiết bị giám sát được sử dụng trong trường hợp này bao gồm thiết bị nhận diện khuôn mặt hoặc vân tay sử dụng để kiểm soát thời lượng học lý thuyết, thực hành của học viên; camera giám sát gắn trên xe tập lái, xe thi sát hạch và tại các địa điểm nhất định trên sân tập, sân thi sa hình...
Chị Trần Thị Trang (Hưng Lộc, TP Vinh, Nghệ An) cho biết: khi biết quy định về đào tạo lái xe phức tạp hơn, học phí cũng điều chỉnh tăng nên tôi đã vội tìm một số trung tâm đào tạo lái xe để học. Đến các trung tâm thì mới thấy, số người đi học khá đông, khiến các trung tâm quá tải. Chính vì thế, việc tìm trung tâm, phù hợp với khung thời gian và yêu cầu của mình cũng không đơn giản.
Tâm lý của chị Trang cũng là tâm trạng chung của nhiều người, khi được biết việc sát hạch chặt chẽ hơn với bộ câu hỏi nhiều hơn. Thời điểm cao điểm nhất, các Trung tâm Đào tạo sát hạch lái xe lớn của tỉnh Nghệ An như Trung tâm Đào tạo lái xe PTS Nghệ Tĩnh, Trung tâm Đào tạo lái xe miền Trung, Trung tâm Đào tạo sát hạch tỉnh tại Vân Diên, Nam Đàn có 20.000 - 30.000 hồ sơ đăng ký trong khi năng lực cấp phép chỉ được đào tạo từ 2.000 hoặc 3.000 học viên/cơ sở/năm.
Giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe miền Trung Cao Thanh Tĩnh cho biết, tình trạng dồn ứ hồ sơ học đã được xử lý phần nào nhưng lượng người đăng ký học lái xe còn khá đông, nhu cầu luôn cao hơn chỉ tiêu từ 30 - 50%.
Nguồn: ITN
Trung tâm đào tạo… thờ ơ
Một trong những điểm mới lớn nhất của Thông tư số 01/2021 là yêu cầu các trung tâm đào tạo phải lắp đặt cabin mô phỏng để người học lái trải nghiệm. Theo đó, mỗi trung tâm đào tạo phải từ 1 - 2 bộ thiết bị. Đến thời điểm này, mặc dù chỉ còn gần 2 tháng nữa là quy định trên sẽ có hiệu lực nhưng theo khảo sát của phóng viên thì các trung tâm đào tạo sát hạch lái xe trên địa bàn Nghệ An vẫn “bình chân như vại”, không hào hứng với lắp đặt.
Đại diện Trung tâm Đào tạo lái xe miền Trung thẳng thắn: Quy định thì phải chấp hành, chưa lắp thiết bị thì sẽ lắp nhưng qua tìm hiểu thì trung tâm đào tạo các tỉnh cũng chưa triển khai và đang chờ đợi. Tương tự, Trung tâm Đào tạo lái xe PTS Nghệ Tĩnh khi được hỏi về tiến độ lắp đặt thiết bị cũng cho biết: chưa có kế hoạch làm vì phải chờ công ty cho ý kiến.
Thực tế, giá mỗi bộ thiết bị cabin mô phỏng là khoảng 500 triệu đồng và đều là thiết bị nhập khẩu. Nếu bình quân mỗi trung tâm cần từ 1 - 2 thiết bị tương đương số tiền đầu tư từ 1,0 -1,5 tỷ đồng là không nhỏ. Thời gian qua, theo lộ trình quy định, Tổng cục Đường bộ và Sở Giao thông Vận tải đã nhiều lần có văn bản đôn đốc, các trung tâm đào tạo đã liên hệ nhưng thiết bị mô phỏng này hiện chưa có. Cả nước hiện có 370 cơ sở đào tạo lái xe và đến thời điểm này chưa có doanh nghiệp nào nhập khẩu về cung cấp. Đáng lo ngại, nếu giám sát, kiểm định không rõ ràng và chặt chẽ, các cơ sở đào tạo lái xe sẽ đối phó bằng cách nhập cabin kém chất lượng, thì lợi bất cập hại.
Một giáo viên dạy lái xe lâu năm tại Trung tâm Đào tạo lái xe PTS Nghệ Tĩnh cho hay, mô hình cabin mô phỏng đã được áp dụng cách đây hơn 20 năm. Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng đã bộc lộ bất cập nên đã bị bãi bỏ. Hiện, bộ câu hỏi học và thi lý thuyết đã nâng từ 450 lên 600 câu hỏi, đồng thời bố trí thiết bị nhận diện khuôn mặt, vân tay để giám sát người học và thi nhận được sự đồng thuận của các Trung tâm đào tạo cũng như học viên thì thiết bị cabin mô phỏng không được đánh giá cao về tính hiệu quả.
Đại diện Sở Giao thông Vận tải Nghệ An cho rằng, các trung tâm đào tạo cũng chấn chỉnh lại chương trình đào tạo lý thuyết và thực hành lái xe bảo đảm với những quy định mới. Bởi, ngoài những yêu cầu trong đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, Tổng Cục đường bộ Việt Nam sẽ có nhiều giải pháp liên quan đến việc ngăn chặn tình trạng gian lận khi thi sát hạch. Theo đó, thí sinh có hành vi gian lận trong kỳ thi sát hạch tay lái sẽ được yêu cầu không cấp giấy phép lái xe trong vòng 5 năm liên tục.