Chấn chỉnh hoạt động khám chữa bệnh tư nhân

Ngày 16/11, bác sĩ Trần Ngọc Dưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Yên cho biết: Giám đốc Sở Y tế đã ký quyết định thành lập Hội đồng chuyên môn để phân tích, kết luận vụ bệnh nhi T.T.H (10 tuổi) tử vong sau khi tiêm thuốc tại phòng khám của bác sĩ Hồ Văn Khương.

Sở sẽ xử lý theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Đầu tuần tới, đoàn công tác của Sở Y tế cũng sẽ làm việc với Công an huyện Đông Hòa về vụ việc này. Trước đó, ngày 15/11, Sở Y tế đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động phòng khám tư nhân của bác sĩ Hồ Văn Khương ở thị trấn Phú Thứ (huyện Tây Hòa).

Chiều 10/11, cháu T.T.H (ở xã Hòa Tân Đông, huyện Đông Hòa) kêu đau bụng và được gia đình đưa đến phòng khám tại nhà riêng của bác sĩ Hồ Văn Khương ở thị trấn Phú Thứ. Sau khi khám, cháu H được tiêm thuốc kháng sinh và kháng viêm. Đến tối cùng ngày, cháu H có biểu hiện khó thở, mệt lả…, được gia đình đưa đến Trạm Y tế xã Hòa Tân Đông. Theo cán bộ y tế ở đây, khi đó tất cả chức năng sống của bệnh nhi hầu như không còn. Cháu H lập tức được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Tây Hòa nhưng bệnh nhi đã tử vong ngoại viện.

Bác sĩ Trần Ngọc Dưng cho biết: Sau khi tiếp nhận thông tin, Sở Y tế thành lập đoàn thanh tra đến phòng khám của bác sĩ Khương và gặp các bên liên quan. Bác sĩ Khương có chứng chỉ hành nghề, có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh.

“Giấy phép của bác sĩ Khương là khám chuyên khoa Nội, nhưng trong trường hợp trên bác sĩ Khương lại khám nhi, đó là cái sai thứ nhất. Sau khi khám, chẩn đoán bệnh nhi bị nhiễm khuẩn hô hấp trên, bác sĩ Khương cho tiêm 2 lọ thuốc: Alfacef, là một loại kháng sinh và Menison, kháng viêm. Phạm vi hoạt động chuyên môn trong giấy phép của bác sĩ Khương là khám bệnh và kê đơn thuốc. Ở đây, bác sĩ Khương lại bán và tiêm thuốc, đó là cái sai thứ hai. Phòng khám tư nhân chỉ khám bệnh, kê đơn. Trường hợp bệnh nặng cần cấp cứu thì xử trí cấp cứu rồi chuyển đến bệnh viện”, bác sĩ Dưng nói.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Y tế, trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp trên không phải viêm phổi nặng, chỉ cần uống thuốc chứ không cần tiêm. Kháng sinh có thể gây sốc phản vệ; có trường hợp sốc nhanh, tiêm thuốc vô là sốc ngay, có trường hợp nửa giờ, một giờ sau mới sốc, tùy cơ địa mỗi người. Trường hợp bệnh nhi H, theo tường trình của bác sĩ Khương, khi khám còn nhận thấy nhịp tim nhanh. Nếu thận trọng thì bác sĩ tư vấn gia đình đưa bệnh nhi nhập viện.

Bác sĩ Trần Ngọc Dưng cho biết, thời gian tới, Sở Y tế sẽ chấn chỉnh hoạt động khám chữa bệnh tư nhân trên địa bàn tỉnh: khám đúng chuyên khoa, thực hiện đúng hoạt động chuyên môn được cho phép.

Được biết, sau khi sự việc xảy ra, bác sĩ Khương cùng gia đình đã đến nhà cháu H thăm hỏi, chia buồn và hỗ trợ 170 triệu đồng để lo hậu sự. Ông T.T.P, cha của bệnh nhi nói với báo chí rằng gia đình ông đã làm đơn bãi nại cho bác sĩ Khương.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/231495/chan-chinh-hoat-dong-kham-chua-benh-tu-nhan.html