Chấn chỉnh tình trạng mua bán trái phép đất ruộng
Những cánh đồng biến thành ao hầm do chủ đất bán đất mặt của ruộng cho các lò gạch làm nguyên liệu là tình trạng đáng báo động tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Người dân lo ngại, nếu không có biện pháp quản lý, chấn chỉnh thì hiện tượng này sẽ lan nhanh sang cánh đồng ở vùng khác, kéo theo hệ lụy đồng lúa biến thành ao, nông dân không còn đất sản xuất.
Đồng ruộng biến thành ao
Huyện Chợ Mới có nhiều lò gạch tập trung ở các xã Mỹ Hội Đông, Anh Thạnh Trung, Nhơn Mỹ, Long Giang, Kiến An... nên nhiều năm qua luôn xảy ra tình trạng mua bán trái phép đất ruộng giữa chủ lò gạch với nông dân để làm nguyên liệu sản xuất ngói, gạch.
Trước đây người dân chỉ bán đất ruộng cho các chủ lò gạch cào lấy lớp đất mặt với độ sâu từ 0,3 đến 0,5 m với giá vài chục triệu đồng/công thì nay họ bán đứt luôn với giá 100 đến 130 triệu đồng/công. Một trong những vùng xảy ra tình trạng báo động này là ấp Mỹ Hòa 2, xã Mỹ Hội Đông, với nhiều cánh đồng biến thành ao hầm. Từ cánh đồng ngoài rìa bình yên nhưng đi sâu vào bên trong sẽ thấy hoạt động lấy đất mặt diễn ra ồ ạt. Trên các cánh đồng nhiều ao hầm chứa đầy nước mưa. Người dân ở đây cho biết, lúc trước là cánh đồng bằng phẳng nhưng từ khi nông dân bán đứt đất ruộng thì các chủ lò gạch cho xe vào khai thác cạp múc sâu xuống nên đồng ruộng biến đổi. Họ múc sâu xuống hơn 3 m, đến khi nào chạm lớp đất đen không thể làm nguyên liệu nữa mới ngừng.
Theo các nông dân chưa bán ruộng, việc khai thác lớp đất mặt độ sâu từ 0,3 đến 0,5 m làm biến dạng địa hình, suy giảm chất lượng đất, tạo vùng trũng dẫn đến việc canh tác nông nghiệp không đồng bộ, giảm chất lượng cây trồng. Cùng với việc đào thành ao hầm này, người làm ruộng chung quanh không thể canh tác tiếp. Vì thế, chủ ruộng với chủ lò đều mua bán lén, khi mua bán xong, chủ lò cho xe xúc đất vào ban đêm để tránh các chủ ruộng khác ngăn chặn.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hội Đông Nguyễn Văn Thì xác nhận, hiện tượng này có và đã xảy ra từ lâu nhưng rất khó ngăn chặn triệt để. Khi người dân phản ánh thì chính quyền địa phương xuống kiểm tra nhưng lực lượng cảnh giới liền báo cho các xe tải, xe cạp đất ngừng hoạt động và bỏ đi hết, để lại xe trống. UBND xã không thể xử phạt được vì lập biên bản không có đối tượng, còn đưa các phương tiện vi phạm về UBND xã, thì xã lại không có phương tiện để vận chuyển. UBND xã từng đề nghị tháo biển số các xe vi phạm khai thác đất để sau này có cơ sở xử lý nhưng ngành giao thông chưa đồng tình.
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chợ Mới Nguyễn Trọng Trí cho biết, trên địa bàn huyện có 103 cơ sở sản xuất gạch, tập trung nhiều ở ba xã Mỹ Hội Đông, Nhơn Mỹ và Long Giang. Hiện nhu cầu sử dụng đất để sản xuất gạch rất cao, ước tính khoảng 400.000 m3/năm. Song huyện chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu, cho nên đa số chủ cơ sở qua các tỉnh khác mua đất. Một vài cơ sở lén lút liên hệ với các hộ dân trong địa phương mua và khai thác lớp đất mặt để làm nguyên liệu sản xuất gạch. Đây cũng là nguyên nhân làm phát sinh tình trạng khai thác lớp đất mặt trái phép trên địa bàn huyện.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Thời gian qua, UBND huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp để bàn giải pháp quản lý chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng khai thác lớp đất mặt ruộng. Theo đó, sẽ quy trách nhiệm xử lý người đứng đầu của chính quyền và các tổ chức, cá nhân liên quan nếu địa phương nào để tái diễn phức tạp tình hình khai thác lớp đất mặt trên địa bàn quản lý. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự, sẽ chuyển cơ quan công an điều tra làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.
Trong năm 2020, lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất tình hình khai thác lớp đất mặt trái phép trên địa bàn huyện 13 cuộc, xử lý 14 trường hợp vi phạm với tổng số tiền 201 triệu đồng. Trong bốn tháng đầu năm nay, tổ chức kiểm tra đột xuất toàn huyện sáu cuộc, xử lý bảy trường hợp vi phạm 105 triệu đồng, bàn giao 10 đối tượng vi phạm để UBND xã Mỹ Hội Đông xác minh, củng cố hồ sơ xử lý theo quy định. Ngoài hình thức xử lý chính là phạt tiền, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Đối với các trường hợp xe tải chở đất, từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông đã tổ chức 154 ca tuần tra, kiểm soát vi phạm an toàn giao thông; phát hiện, lập biên bản 26 trường hợp vi phạm, tạm giữ 21 phương tiện xe tải chở đất mặt. Công an huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực trật tự an toàn giao thông 21 trường hợp số tiền 102,9 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 11 trường hợp, không có trường hợp tịch thu xe theo quy định pháp luật.
Việc khai thác lớp đất mặt trái phép có nguy cơ dẫn đến hành vi hủy hoại đất, làm ảnh hưởng đến điều kiện sản xuất nông nghiệp do việc khai thác của các hộ dân tùy tiện, không đồng bộ. Do vậy, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp với ngành nông nghiệp, cơ quan liên quan và các địa phương nghiên cứu, khảo sát các khu vực đất trồng lúa kém hiệu quả, đất gò cao, khó khăn điều kiện nước tưới, để đề xuất quy hoạch làm vùng nguyên liệu sản xuất gạch, ngói. Trên cơ sở khảo sát, lấy ý kiến người dân khu vực quy hoạch và tổng hợp nhu cầu đề xuất của địa phương, có bốn xã đề xuất quy hoạch vùng nguyên liệu là xã Mỹ Hội Đông, xã Nhơn Mỹ, xã Long Giang và xã Hòa An với tổng diện tích 384 ha, độ sâu dao động từ 0,4 đến 2 m, tổng khối lượng quy hoạch làm nguyên liệu 3.983.000 m3. Phòng Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu UBND huyện xin UBND tỉnh về chủ trương này.
Thời gian tới, để quản lý tốt tình hình sử dụng đất đai tại địa phương, nhất là lớp đất mặt sản xuất nông nghiệp, huyện sẽ thực hiện một số giải pháp như tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai; tăng cường công tác kiểm tra liên ngành xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi cây trồng từ trồng lúa sang trồng vườn để ngăn chặn kịp thời hành vi mua bán lớp đất mặt trái phép. Vận động người dân cam kết không mua bán lớp đất mặt, cũng như không để phát sinh mới các lò sản xuất gạch nung nằm ngoài khu quy hoạch...