Chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm không đúng quy định

Ngành Giáo dục đang chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm không đúng quy định. Trong ảnh: Một tiết dạy học chính khóa tại Trường tiểu học Âu Cơ (TP Tuy Hòa). Ảnh: HIẾU TRUNG

Thời gian qua, công tác quản lý dạy thêm, học thêm (DTHT) ở một số địa phương có dấu hiệu buông lỏng. Giáo viên cấp THCS, THPT tổ chức dạy thêm khi chưa được cấp phép. Giáo viên cấp tiểu học tổ chức dạy thêm tại các trung tâm giáo dục kỹ năng sống (GDKNS) không đúng đối tượng, nội dung đã được cấp phép…

Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Khắc Lễ xung quanh vấn đề trên.

* Trước tình trạng nhiều giáo viên, trung tâm tổ chức DTHT không đúng quy định, ngành Giáo dục xử lý như thế nào, thưa ông?

- Sở GD-ĐT vừa có văn bản yêu cầu trưởng phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố; hiệu trưởng các cơ sở giáo dục trực thuộc; giám đốc các trung tâm GDKNS, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, ngoại ngữ quán triệt cán bộ quản lý, giáo viên, người dạy thuộc quản lý của đơn vị chấp hành nghiêm các quy định về DTHT theo đúng những nội dung còn hiệu lực tại Thông tư 17, ngày 16/5/2012 của Bộ GD-ĐT. Hiệu trưởng các trường trực thuộc, trưởng phòng GD-ĐT, tổ chức quản lý giáo viên của đơn vị mình trong hoạt động DTHT đối với cấp THCS, THPT và tham gia quản lý, hoạt động tại các trung tâm GDKNS, trung tâm ngoại ngữ (đối với cấp tiểu học) chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên nếu để cán bộ quản lý, giáo viên, người dạy thuộc đơn vị vi phạm hoạt động DTHT.

Sở sẽ tăng cường kiểm tra, nhất là kiểm tra đột xuất hoạt động DTHT của các tổ chức, cá nhân thuộc địa bàn hoặc đơn vị quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Trưởng phòng GD-ĐT tham mưu UBND cùng cấp chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với phòng GD-ĐT, các đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT thường xuyên theo dõi, kiểm tra, chấn chỉnh, kiên quyết xử lý kịp thời hoạt động DTHT trái quy định trên địa bàn. Giám đốc các trung tâm GDKNS, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, ngoại ngữ tổ chức các hoạt động giáo dục tại trung tâm phải đúng với nội dung, đối tượng đã được đăng ký và cấp phép, tuyệt đối không tổ chức hoạt động DTHT trái quy định tại trung tâm.

Sở GD-ĐT cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng GD-ĐT, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn quản lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức quản lý, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của ngành Giáo dục, trong đó có quy định về DTHT.

Ông Trần Khắc Lễ

Ông Trần Khắc Lễ

* Thưa ông, Sở GD-ĐT sẽ thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra xử lý việc DTHT không đúng quy định như thế nào?

- Sở GD-ĐT đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Sở GD-ĐT thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động và nội dung DTHT trên địa bàn quản lý. Sở GD-ĐT cũng thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra đột xuất tại các trung tâm, cơ sở giáo dục… về việc thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động DTHT trên địa bàn tỉnh và xử lý nghiêm nếu tổ chức, cá nhân vi phạm.

* Nội dung thanh tra, kiểm tra hoạt động DTHT là gì, thưa ông?

- Sở GD-ĐT sẽ kiểm tra các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục tại các trung tâm hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, trung tâm GDKNS, trung tâm ngoại ngữ, trung tâm tư vấn du học, cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; cá nhân dạy học sinh tại nhà... Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức kiểm tra đột xuất và kiểm tra việc chấp hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực GD-ĐT như: Thông tư 04, ngày 28/2/2014 của Bộ GD-ĐT quy định về quản lý hoạt động GDKNS và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; kiểm tra hoạt động DTHT trái quy định; kiểm tra công tác dạy học kỹ năng sống; hồ sơ lưu trữ các đơn vị, cơ sở vật chất và các nội dung theo hồ sơ đăng ký dạy học… Trong quá trình kiểm tra, nếu tổ chức, cá nhân nào sai phạm, sở sẽ cho tạm dừng hoạt động. Tùy vào mức độ sai phạm, chúng tôi sẽ xử lý theo quy định, nếu vi phạm nghiêm trọng có thể thu hồi giấy phép, không cho tổ chức DTHT.

* Nhu cầu học thêm từ cấp tiểu học đến THPT là có thật, nhưng số lượng trung tâm đã được cấp phép tổ chức dạy thêm, dạy kỹ năng sống còn hạn chế, Sở GD-ĐT có giải pháp nào, thưa ông?

- Đối với học sinh cấp tiểu học, giáo viên tuyệt đối không được tổ chức DTHT; phụ huynh có nhu cầu thì gửi con em mình vào các trung tâm GDKNS để học theo nội dung và chương trình dạy KNS. Học sinh cấp THCS và THPT có nhu cầu học thêm thì đăng ký tại các trung tâm được cấp phép để học, làm như vậy để hạn chế tình trạng giáo viên bắt ép, gợi ý học sinh tham gia học tại các trung tâm GDKNS hoặc học thêm tại nhà giáo viên. Đồng thời, sở cũng tăng cường chỉ đạo các trường tập trung nâng cao chất lượng dạy học tại nhà trường, đảm bảo kiến thức cho học sinh ngay tại lớp học…

* Xin cảm ơn ông!

HIẾU TRUNG (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/79/293413/chan-chinh-viec-day-them-hoc-them-khong-dung-quy-dinh.html