Chặn COVID-19 bằng vân tay, mã vạch ma trận
TP.HCM giám sát chặt và chặn đứng nhiều đợt dịch bệnh COVID-19 bùng phát trong thời gian qua nhờ vào các ứng dụng công nghệ thông tin.
Vừa qua cổng Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định (TP.HCM), bà TTHM (42 tuổi, ở TP.HCM) tiến tới tấm bảng có dán biểu tượng mã QR Code đặt gần Khoa khám bệnh.
Sau khi dùng điện thoại di động chụp biểu tượng mã QR Code, toàn bộ thông tin cá nhân bà TTHM từng nhập trước đó hiện ra trên màn hình. Kế đến, bà TTHM chỉ nhập những thông tin liên quan phòng chống dịch COVID-19 như có nóng, sốt, ho; có đến vùng dịch hay không… Sau đó, bà TTHM nhập mã xác nhận hoàn tất quy trình khai báo y tế.
Tránh nguy cơ lây nhiễm COVID-19
Tiếp theo, bà TTHM đi theo lối được trang bị hệ thống đo thân nhiệt tự động bằng camera hồng ngoại và sau cùng là rửa tay bằng máy khử khuẩn tự động trước khi bước vào Khoa khám bệnh.
“Từ khi các BV áp dụng công nghệ thông tin vào khai báo y tế, người bệnh chúng tôi đỡ tốn nhiều thời gian. Chưa hết, do thông tin bệnh nhân được cập nhật trong phần mềm nên tới bất cứ BV nào cũng chỉ cần thực hiện vài thao tác đơn giản là xong. Chả bù trước đây, khai báo y tế bằng giấy khiến người bệnh phải đứng chờ hơi lâu” - bà TTHM cho biết.
Tương tự, ông TVH (52 tuổi, ở TP.HCM) cũng thực hiện những bước như trên khi đến khám tại BV quận 11 (TP.HCM).
“Trước đây, khai báo y tế bằng giấy nên bệnh nhân thường bị dồn ứ, dễ có nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Từ khi các BV thực hiện khai báo y tế bằng mã QR Code, tình trạng trên dứt hẳn. Các BV đo thân nhiệt bằng hệ thống tự động nên bệnh nhân không phải đứng chờ so với thời điểm đo thân nhiệt bằng máy cầm tay” - ông TVH nói.
TS-BS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, cho biết khai báo y tế bằng mã QR Code giúp các BV quản lý cả người bệnh lẫn thân nhân trong thời điểm có dịch bệnh COVID-19. “Bình quân mỗi ngày BV tiếp nhận 3.000 đến 4.000 lượt bệnh nhân tới khám, trong đó 1/3 có người nhà đi cùng. Nếu không áp dụng công nghệ thông tin trong khai báo y tế, đo thân nhiệt, khử khuẩn tay sẽ xảy ra tình trạng ùn tắc, dễ có nguy cơ lây nhiễm COVID-19” - TS-BS Hải cho biết thêm.
TS-BS Hải còn cho biết BV cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám bệnh thông qua dấu vân tay. “Sau khi đặt ngón trỏ vào máy, màn hình hiện tất cả thông tin của người bệnh. Tiếp theo, người bệnh chọn phòng khám và máy sẽ in ra số thứ tự. Ứng dụng này vừa rút ngắn thời gian đợi chờ, vừa tránh dồn ứ tại quầy đăng ký khám bệnh” - TS-BS Hải nói.
BS Phạm Quốc Dũng, Giám đốc BV quận 11, cho rằng các BV ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động phòng chống dịch COVID-19 vừa “giải phóng” sự chờ đợi của bệnh nhân, vừa hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
“BV quận 11 cũng đã triển khai ứng dụng phần mềm đăng ký khám bệnh tại nhà để giảm sự chờ đợi, giảm sự tập trung cùng lúc đông người. Bệnh nhân ngồi nhà đăng ký giờ khám, khám bệnh gì… qua app. Tới BV, bệnh nhân chỉ trải qua các bước khai báo y tế, đo thân nhiệt, khử khuẩn tay rồi đi thẳng vào phòng khám” - BS Dũng nói.
Quản lý chuỗi lây nhiễm COVID-19
Tối 6-2, thông tin một nhân viên ngụ Bình Dương đang làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) dương tính với SARS-CoV-2 khiến cơ quan quản lý và người dân đứng ngồi không yên. Ngay sau đó, TP.HCM và Bình Dương phối hợp điều tra dịch tễ và truy vết những trường hợp tiếp xúc gần.
Những ngày sau, con số mắc COVID-19 ở TP.HCM liên quan nhân viên làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất tăng dần và đã xuất hiện ở nhiều quận, huyện. “Phải quản lý chặt chuỗi lây nhiễm liên quan sân bay Tân Sơn Nhất, không để lọt bất kỳ ca bệnh nào ra cộng đồng”. Thông điệp như mệnh lệnh của 10 triệu dân TP.HCM đặt trên vai lãnh đạo ngành y tế TP.HCM.
Ngay lập tức, phần mềm ứng dụng “Quản lý kết quả xét nghiệm COVID-19 và quản lý chuỗi lây nhiễm” do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) “chủ xị” ra đời, triển khai ngay xuống các trung tâm y tế.
BS Hứa Khắc Sương Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận 11, cho biết phần mềm mang lại hiệu quả rất cao. “HCDC nhập ca bệnh (F0) và các trường hợp tiếp xúc (F1) vào phần mềm có hình dạng giống một cây chia nhiều nhánh. Từ thông tin này, các trung tâm y tế nắm bắt được F1 hiện cư ngụ trên địa bàn mình để tiếp tục truy vết những người tiếp xúc (F2) rồi nhập thông tin vào phần mềm. Một khi phát hiện F2 đang sinh sống tại địa phương, trung tâm y tế sẽ giám sát, kể cả theo dõi sức khỏe người này” - BS Linh nói.
Theo BS Linh, trong trường hợp kết quả xét nghiệm F1 âm tính, F2 cùng nhánh được “giải phóng”, biến mất khỏi nhánh cây của phần mềm. Tuy nhiên, nếu F1 dương tính, F2 cùng nhánh đôn thành F1. Lúc này, các trung tâm tiếp tục truy vết những trường hợp tiếp xúc gần rồi nhập thông tin vào phần mềm. Chưa hết, thông qua phần mềm, các trung tâm y tế còn biết được kết quả xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần trên địa bàn để chủ động thực hiện những bước tiếp theo.
BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc HCDC, cho biết ý tưởng phần mềm được nhen nhóm từ khi đợt dịch bùng phát tại Đà Nẵng và xây dựng dần dần. Đến khi xuất hiện các ca nhiễm tại TP.HCM trong dịp tết, phần mềm đã phát huy tác dụng. “Do phần mềm có tính năng liên kết thông tin chặt chẽ giữa HCDC và các trung tâm y tế nên không bỏ sót bất kỳ trường hợp nghi ngờ nào. Chính vì vậy, chuỗi lây nhiễm COVID-19 liên quan sân bay Tân Sơn Nhất bị chặn đứng khá nhanh, người dân TP.HCM trở lại cuộc sống bình yên” - BS Dũng chia sẻ.
Quản lý người cách ly qua ứng dụng phần mềm
Ngoài phần mềm ứng dụng “Quản lý kết quả xét nghiệm COVID-19 và quản lý chuỗi lây nhiễm”, ngành y tế TP.HCM còn đưa vào sử dụng “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19” cũng thông qua phần mềm ứng dụng.
Một khi người thực hiện cách ly và khu vực cách ly tập trung tăng dần, trường hợp chuyển đến các BV chuyên tiếp nhận người nghi nhiễm và người nhiễm COVID-19 cũng tăng dần thì không dễ dàng tra cứu thông tin của một người đang được cách ly để phục vụ công tác điều tra dịch tễ.
Với phần mềm ứng dụng “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19”, mọi thông tin được cập nhật và truy xuất dễ dàng, nhanh chóng, chính xác.
Phần mềm giúp người sử dụng truy cập vào hệ thống để thêm mới hoặc cập nhật dữ liệu liên quan người cách ly, cập nhật tình hình chuyển người cách ly đến các BV khi có kết quả xét nghiệm dương tính (ca xác định) hoặc xuất hiện triệu chứng (ca nghi ngờ).
Phần mềm còn có thể tra cứu chi tiết về thông tin của người cách ly kiểm dịch và cách ly điều trị, tổng số người đã rời khỏi khu cách ly hoặc xuất viện, tổng số trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính…
ThS-BS NGUYỄN THỊ HUỲNH MAI,Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM
Nguồn PLO: https://plo.vn/suc-khoe/chan-covid19-bang-van-tay-ma-vach-ma-tran-981636.html