Chặn đà giảm tốc xuất khẩu hàng nông thủy sản sang Trung Quốc

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Tuy nhiên trong thời gian qua, cơ cấu thị trường xuất khẩu của nhóm hàng nông thủy sản sang thị trường này đã tăng trưởng chậm lại.

Cần có chiến lược để định hướng lại các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc (Ảnh minh họa)

Hiện, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 11 của Trung Quốc.

Đối với nhóm hàng nông thủy sản, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của cả nước và chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này.

Tuy nhiên, trong các tháng đầu năm 2019, hoạt động xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam sang thị trường này đang có dấu hiệu chững lại. Bên cạnh những tác động do bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại, thì còn do sự siết lại thị trường nhập khẩu của Trung Quốc.

Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 16,6 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của nhóm hàng nông thủy sản sang Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại và cần có giải pháp để chặn đà giảm tốc.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, thực tế, từ khoảng giữa năm 2018 đến nay, các cơ quan quản lý phía Trung Quốc đã tăng cường thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, giám sát kiểm dịch động thực vật và chất lượng hàng hóa nông thủy sản nhập khẩu. Điều này đã phần nào tác động đến tiến độ xuất khẩu nông thủy sản của ta sang thị trường Trung Quốc.

Trước tình hình này, Bộ Công Thương cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp chặt chẽ tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến kịp thời những thông tin về quy định của Trung Quốc đối với các mặt hàng nông thủy sản nhập khẩu tới các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu liên quan.

Mặc dù vậy, hiện vẫn còn không ít doanh nghiệp trong nước chưa kịp thời cập nhật hoặc tuy đã biết thông tin nhưng chưa thực sự quan tâm, thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, xuất khẩu và cách thức tiếp cận thị trường phù hợp với các quy định và xu thế phát triển của thị trường Trung Quốc, dẫn đến tình trạng hàng hóa không thể thông quan và gây ùn ứ tại cảng, cửa khẩu.

Để ngăn đà tăng trưởng chậm lại đối với thị trường này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát, đánh giá tình hình và bàn các biện pháp tháo gỡ khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu hàng hóa thuộc lĩnh vực nông lâm thủy sản sang thị trường này.

Bộ này cũng đưa ra định hướng tổ chức lại sản xuất, đáp ứng đúng yêu cầu của Trung Quốc, góp phần tận dụng tốt các lợi thế từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc và phát triển xuất khẩu nông thủy sản bền vững sang thị trường này thời gian tới.

Ngọc Hà

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chan-da-giam-toc-xuat-khau-hang-nong-thuy-san-sang-trung-quoc-post67894.html