Chặn dịch ở các khu công nghiệp Bắc Giang
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bắc Giang áp dụng xét nghiệm mẫu gộp để theo kịp tốc độ truy vết, lấy mẫu; vừa cách ly xã hội vừa thực hiện sản xuất nhưng phải bảo đảm an toàn chống dịch
Sáng 18-5, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cùng các chuyên gia và đoàn công tác của Bộ Y tế đã kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại một số khu công nghiệp (KCN) và bệnh viện điều trị bệnh nhân ở tỉnh Bắc Giang. Sau đó, Bộ Y tế và lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã họp trực tuyến với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại điểm cầu trụ sở Văn phòng Chính phủ (Hà Nội).
Báo động ở mức cao nhất
Hiện Bắc Giang có 3 ổ dịch, đã ghi nhận 411 bệnh nhân Covid-19, gần 6.600 người là F1 và hơn 30.600 người là F2. PGS-TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết dịch tại Bắc Giang đang rất "nóng", tâm dịch hiện nay là Công ty TNHH Hosiden Việt Nam nhưng dịch không còn khu trú trong khu này. Dịch không tập trung tại chỗ mà có dấu hiệu xâm nhiễm sang các công ty ở KCN khác. "Bắc Giang vừa có thêm 18 ca dương tính rải rác ở công ty khác và lây sang KCN Đình Trám" - ông Dương nói.
Ông Đào Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang, cho biết đã thông báo cho toàn thể doanh nghiệp (DN) và yêu cầu người lao động không đến DN làm việc kể từ ca sáng 18-5 cho đến khi có thông báo mới. Đối với các DN có người lao động đang chờ kết quả xét nghiệm thì ở lại DN cho đến khi có kết quả. "DN phải bảo đảm điều kiện ăn, nghỉ cho người lao động. Việc vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được diễn ra bình thường" - ông Cường nói.
Từ sáng 18-5, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng với huyện Việt Yên, tạm dừng hoạt động 4 KCN. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Bắc Giang phải đặt trong trạng thái báo động ở mức độ cao nhất để kiểm soát thật tốt tình hình dịch. Bộ trưởng đề nghị tỉnh Bắc Giang tiếp tục nghiên cứu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 với những khu vực nguy cơ. "Thà làm sớm, làm mạnh còn hơn đuổi theo dịch" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, dịch xảy ra ở Bắc Giang khác với các đợt dịch khác, đó là xảy ra trong KCN, mầm bệnh phát tán nhanh, số ca mắc tăng nhanh trong thời gian ngắn. "Tốc độ lây nhiễm lần này cũng cao hơn rất nhiều so với các đợt dịch trước, biến chủng Ấn Độ của virus SARS-CoV-2 có tần suất lây nhanh hơn biến chủng Anh, vì vậy phải chặn nhanh, nếu không sẽ làm ảnh hưởng đến công tác tiêm chủng" - Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định.
Vừa chống dịch vừa bảo đảm sản xuất
Bộ trưởng Y tế cũng cho biết Bộ Y tế thành lập bộ phận thường trực chống dịch tại Bắc Giang và Bắc Ninh do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm tổng chỉ huy cùng các chuyên gia hàng đầu trong ngành y tế Việt Nam. Bộ phận này sẽ giao ban hằng ngày với 2 tỉnh để chống dịch.
Các chuyên gia của Bộ Y tế lưu ý Bắc Giang một vấn đề, đó là khi F0 tăng thì F1 cũng sẽ tăng. Vì vậy các khu cách ly tập trung cần phải chú trọng phòng chống lây nhiễm và tăng số lượng khu cách ly tập trung. Hiện tỉnh Bắc Giang đang có hơn 30.000 ca F1 cách ly tập trung. Dự kiến thời gian tới, số ca F0 có thể gia tăng nên rất áp lực về khu cách ly tập trung. Để công tác cách ly hiệu quả, PGS-TS Trần Như Dương nhấn mạnh: "Trong khu cách ly phải thực hiện nghiêm nội bất xuất, ngoại bất nhập để triệt tiêu nguồn lây. Đồng thời, phải xử phạt thật nghiêm minh".
Trước áp lực cách ly hàng ngàn F1 hiện nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tỉnh Bắc Giang rà soát lại các khu nhà ở công nhân, các trường, ký túc xá, lắp đặt ngay camera giám sát. Việc ngừng sản xuất, hoạt động cả KCN không chỉ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế mà trong thời gian công nhân nghỉ việc sẽ gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý phòng chống dịch. Phòng dịch cũng cần thay đổi, không sử dụng phong tỏa hay giãn cách xã hội "cứng", mà có thể chọn các biện pháp phù hợp để vừa chống dịch vừa bảo đảm sản xuất.
Một trong những vấn đề của tỉnh Bắc Giang hiện nay là tốc độ xét nghiệm chưa theo kịp tốc độ lấy mẫu và hiện tỉnh vẫn còn khoảng 70.000 mẫu chưa được xét nghiệm. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt lưu ý trong tình hình hiện nay, Bắc Giang cần sử dụng xét nghiệm SARS-CoV-2 mẫu gộp để đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm. "Bộ Y tế đã có hướng dẫn xét nghiệm mẫu gộp 5 mẫu đơn nhưng Đà Nẵng đã làm đến mẫu gộp 10 - 20 mẫu đơn. Do vậy, những đơn vị có kinh nghiệm làm mẫu gộp đang chi viện cho Bắc Giang phải triển khai ngay để giải tỏa nhanh lượng mẫu chưa xét nghiệm" - Phó Thủ tướng yêu cầu.
Mua vắc-xin là "yêu cầu cấp bách"
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận sau cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 17-5, việc mua vắc-xin phòng Covid-19 là cần thiết, cấp bách theo đúng kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Công văn số 50-CV/TW ngày 19-2-2021 và của Chính phủ tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26-2-2021.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã gửi công văn kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế về việc hỗ trợ DN dệt may mua, tiêm vắc-xin Covid-19. Cụ thể, hiệp hội này kiến nghị ưu tiên tiêm vắc-xin cho các DN sử dụng nhiều lao động ở khu vực trung tâm dịch; được mua vắc-xin tiêm cho người lao động để đẩy nhanh quá trình miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm vắc-xin.
N.Dung - T.Dương
Phong tỏa, giãn cách nhiều khu vực
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại các KCN và trên địa bàn các huyện Việt Yên, Yên Dũng, chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã quyết định tạm dừng hoạt động 4 KCN (với khoảng 136.000 người) gồm: Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng; cách ly xã hội huyện Việt Yên và 3 xã của huyện Yên Dũng để phòng chống dịch.
Để ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo từ 6 giờ ngày 18-5, áp dụng biện pháp giãn cách xã hội đối với toàn bộ TP Bắc Ninh (trước mắt thực hiện từ ngày 18-5 đến hết ngày 20-5, tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh sẽ quyết định thời gian kéo dài cụ thể) và áp dụng biện pháp giãn cách xã hội đối với toàn bộ huyện Quế Võ.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/chan-dich-o-cac-khu-cong-nghiep-bac-giang-20210518231332524.htm