Chân dung bác sĩ nâng tầm Việt Nam trên bản đồ y khoa thế giới
PGS.TS Trần Ngọc Sơn là một trong 2 chuyên gia hàng đầu thế giới về thực hiện kỹ thuật nội soi một lỗ điều trị nang ống mật chủ.
Đầu tháng 10/2023, một gia đình Australia có con gái 4 tuổi bị nang ống mật chủ. Sau khi tìm hiểu nhiều nước trên thế giới, họ quyết định chọn đến Việt Nam, cụ thể là Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) để thực hiện kỹ thuật cao này.
Ca mổ thành công hơn mong đợi
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống về ca mổ cho bé gái người Australia, PGS.TS Trần Ngọc Sơn cho biết, đây không phải kỹ thuật mới, nhưng rất khó, ông đã thực hiện thành công cho gần 400 bệnh nhi.
Đầu tháng 10/2023, gia đình ông R.W (quốc tịch Australia, đang sống và làm việc tại Bali, Indonesia) phát hiện con gái 4 tuổi đại tiện phân bạc màu. Ba ngày sau, bé đau bụng và buồn nôn. Vợ chồng ông R.W đưa con tới bệnh viện tại Bali kiểm tra. Kết quả, bé bị nang ống mật chủ, cần phẫu thuật.
Tìm hiểu về bệnh của con và các phương pháp phẫu thuật hiện đại, vợ chồng ông R.W đọc được bài báo cáo về phẫu thuật nội soi một lỗ nang ống mật chủ nhi của PGS.TS Trần Ngọc Sơn. Ông lập tức gửi email cho PGS.TS Sơn trao đổi về tình trạng bệnh của con mình.
"Khi nhận được thư của người cha, tôi rất bất ngờ và trả lời ngay. Thông tin trong email chứng tỏ họ đã tìm hiểu rất kỹ về phẫu thuật nội soi một lỗ điều trị u nang ống mật tại Việt Nam. Ông còn liên tục đề nghị tôi cung cấp số liệu, báo cáo cụ thể. Thậm chí, ông vào website của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tìm hiểu về kỹ thuật này. Tuy nhiên, website lại không có báo cáo về kỹ thuật bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh", BS Sơn nói.
Sau đó, BS Sơn cung cấp thông tin chuyên môn cho người cha. Khi gia đình bệnh nhi đã tin tưởng về trình độ bác sĩ, họ lại có nhiều nỗi lo khác như ở phòng bệnh viện ra sao, có khó khăn gì về xin visa...
"Tôi đã chụp ảnh phòng điều trị tại khu Công nghệ cao của bệnh viện, giới thiệu tất cả dịch vụ từ ăn uống, đi lại, visa điện tử cho bệnh nhân... Thủ tục sang Việt Nam khá đơn giản và nhanh chóng. Khi có visa, gia đình ông R.W bay sang Việt Nam ngay", BS Sơn chia sẻ.
Bệnh nhi này lựa chọn ở phòng dịch vụ cao cấp nhất, có các điều dưỡng biết tiếng Anh. Khi trực tiếp trải nghiệm dịch vụ tại bệnh viện ở Việt Nam, ông R.W từ lo lắng chuyển sang bất ngờ.
Tháng 11/2023, ca phẫu thuật cho bệnh nhi được PGS.TS Sơn thực hiện với một đường mổ dài 15mm ở rốn. Các bác sĩ khéo léo cắt túi mật rồi đến ống mật chủ, đường mật chủ bị giãn thành nang, sau đó mới đưa quai ruột lên nối lại với ống gan chung ở phía trên để hứng mật.
Sau mổ, bệnh nhi phục hồi nhanh. Vài hôm sau, bé đã có thể chạy nhảy và ra viện sau 7 ngày. Nhìn thấy sự hồi phục của con, vợ chồng ông R.W không giấu được niềm vui. Họ rất khâm phục y, bác sĩ Việt Nam khi làm chủ được kỹ thuật đặc biệt khó này.
"Tôi đã mổ cho hàng nghìn bệnh nhi, nhưng đây là trường hợp rất đặc biệt nên cũng khá áp lực. Quá trình mổ, nếu sai sót, có thể ảnh hưởng uy tín không chỉ cá nhân mình, mà cả y tế Việt Nam. Với sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng của cả ê-kíp, ca mổ thành công hơn mong đợi", BS Sơn vui mừng nói.
Theo PGS.TS Sơn, bé gái 4 tuổi này cũng là bệnh nhi nước ngoài đầu tiên đến Việt Nam điều trị nang ống mật chủ bằng phương pháp nội soi một lỗ. Việc người nước ngoài biết đến và tin tưởng là bước tiến mới, sự chuyển biến rất tích cực và đáng tự hào đối với ngành y tế Việt Nam.
Kỹ thuật khó, chỉ Việt Nam, Trung Quốc ứng dụng
PGS.TS Trần Ngọc Sơn kể, 12 năm trước, khi làm việc tại Bệnh viện Nhi Trung ương, ông cùng GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, khi ấy là Giám đốc Bệnh viện, tham dự hội nghị quốc tế về phẫu thuật nội soi nhi khoa.
Tại đây, trung tâm hàng đầu về phẫu thuật nội soi ở Bắc Kinh (Trung Quốc) chiếu đoạn video ngắn về kỹ thuật nội soi một lỗ trong điều trị nang ống mật chủ. Vốn đã thực hiện thành thạo kỹ thuật nội soi 4 lỗ điều trị nang ống mật chủ, BS Sơn khao khát làm được kỹ thuật nội soi một lỗ như vậy.
Nang mật chủ là một trong những bệnh lý về gan mật phổ biến ở trẻ em. Thông thường, đường mật chủ của trẻ chỉ có đường kính khoảng vài milimet. Điều trị bệnh nang mật chủ tại nhiều trung tâm ở Pháp và các nước phát triển, phẫu thuật kinh điển vẫn là mổ mở. Khi đó, đường rạch sẽ lớn, sang chấn nhiều, hồi phục chậm.
Với kỹ thuật nội soi 1 lỗ hay còn gọi là nội soi 1 đường rạch, nội soi 1 vết mổ qua rốn, bác sĩ thực hiện vết rạch 15 mm ở rốn thay vì ba, bốn vết rạch như trước. Các dụng cụ đều thao tác qua một lối vào, đòi hỏi phẫu thuật viên phải rất thành thạo và khéo léo xử lý để dụng cụ không chạm nhau.
BS Sơn nhớ lại, ca đầu tiên ứng dụng kỹ thuật này được thực hiện trên bệnh nhi 2 tuổi, kéo dài 6 tiếng, gấp đôi thời gian so với nội soi thông thường. Với nội soi thông thường, bác sĩ sử dụng 3 dụng cụ, trong khi nội soi một lỗ chỉ dùng 2 dụng cụ, vì vậy bác sĩ Sơn khắc phục bằng cách sử dụng các mũi khâu treo.
Khi đi qua vết rạch, các dụng cụ thường va chạm, vênh nhau, khiến đôi tay người mổ như bó lại, không thể thực hiện được thao tác như mong muốn. Đơn cử động tác khâu nối trong ổ bụng, với nội soi thông thường đã rất khó, trong khi kỹ thuật một lỗ chỉ có một đường rạch, dẫn đến 15 phút mới được một mũi khâu.
Kỹ thuật này không đòi hỏi thiết bị đắt tiền hay những gì quá cao siêu như robot, vẫn là dụng cụ nội soi thông thường, quan trọng nhất là thao tác, kỹ năng của kỹ thuật viên.
Ca phẫu thuật đầu tiên đã thành công đã khích lệ tinh thần BS Sơn để thực hiện liên tiếp những ca nội soi một lỗ trên bệnh nhân nang ống mật chủ về sau. Năm 2013, ông điều trị thành công 16 ca và báo cáo kết quả tại hội nghị quốc tế. Có những bệnh nhân mới 2 tháng tuổi, nặng 4 kg được ông điều trị thành công với thời gian 3 tiếng một ca mổ, bằng với nội soi thông thường. Kết quả này được báo cáo tại nhiều hội nghị ngoại khoa trên thế giới, đánh dấu bước tiến của nền phẫu thuật nhi Việt Nam.
Nhiều chuyên gia từ Mỹ, Pháp, Indonesia, Philippines, Thái Lan... đến xem và bày tỏ sự ngưỡng mộ. Tuy nhiên, đa số đánh giá đây là kỹ thuật khó nên về nước không thực hiện. Hiện, Trung Quốc và Việt Nam ứng dụng kỹ thuật này. Đó cũng là lý do gia đình người Australia đưa con đến Việt Nam phẫu thuật.
“Bàn tay vàng” giải quyết những ca mổ khó
Mỗi lần đến Bệnh viện Xanh Pôn gặp PGS.TS.BS Trần Ngọc Sơn, chúng tôi thấy ông bận rộn từ sáng cho tới tối. Ngoài thực hiện 2 - 3 ca mổ một ngày tại khoa, ông còn sang giúp đồng nghiệp những ca khó tại Trung tâm Kỹ thuật cao, tham gia khám bệnh và đặc biệt trực cấp cứu ca bệnh nặng 24/24h, kể cả ngày lễ, Chủ nhật.
BS Sơn cho biết, ông được đào tạo đa khoa. Sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc, ông về làm việc tại khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Alexandrovska CH Bulgaria. Sau đó, ông tiếp tục nghiên cứu sinh về ngoại khoa và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành ngoại khoa tại Cộng hòa Bulgaria.
Năm 2002, ông trở về Việt Nam, công tác tại Khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi Trung ương và làm Phó trưởng khoa Ngoại từ năm 2011- 2016. Ông tham gia nhiều lớp đào tạo về phẫu thuật nhi, phẫu thuật nội soi nhi cơ bản và nâng cao, phẫu thuật robot, ung thư nhi, phẫu thuật ghép tạng… trong và ngoài nước. Tháng 4/2016, ông được bổ nhiệm Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
Từ khi vào nghề đến nay, ông luôn theo đuổi về phẫu thuật nhi, chuyên chẩn đoán và thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật trên trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và trẻ trong độ tuổi thiếu niên. Không chỉ cập nhật các kỹ thuật tiên tiến, ông còn nghiên cứu, thực hiện các kỹ thuật khó... BS Sơn là người thực hiện thành công nhiều ca mổ khó không những ở Việt Nam, mà còn trên thế giới.
Ông là chủ nhiệm của một đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, một đề tài cấp thành phố và nhiều đề tài cấp cơ sở, có hơn 100 báo cáo tại các hội nghị quốc tế chuyên ngành phẫu thuật nhi. PGS.TS Trần Ngọc Sơn là tác giả, đồng tác giả của hơn 100 công trình nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín của Việt Nam, cũng như quốc tế.