Chân dung của người nữ biệt động Sài Gòn (*)
Trước khi đọc tác phẩm của nhà văn trẻ Võ Thu Hương (Hội Nhà văn TPHCM), tôi đã được gặp nguyên mẫu của truyện-chị Lê Thị Thu Nguyệt-nữ biệt động Sài Gòn năm xưa. Lần đó, tôi được nghe chị chia sẻ một vài câu chuyện chiến đấu trong quá khứ. Đó là những gợi mở ban đầu thực sự lôi cuốn để tôi bước vào cuốn sách của Võ Thu Hương 'Nụ cười chim sắt'.
Trước khi đọc tác phẩm của nhà văn trẻ Võ Thu Hương (Hội Nhà văn TPHCM), tôi đã được gặp nguyên mẫu của truyện-chị Lê Thị Thu Nguyệt-nữ biệt động Sài Gòn năm xưa. Lần đó, tôi được nghe chị chia sẻ một vài câu chuyện chiến đấu trong quá khứ. Đó là những gợi mở ban đầu thực sự lôi cuốn để tôi bước vào cuốn sách của Võ Thu Hương "Nụ cười chim sắt".
Có thể nói, với rất nhiều thế hệ người Việt Nam, bốn chữ "biệt động Sài Gòn" luôn có một sức thu hút đến ám ảnh. Dường như trong nội hàm của bốn chữ ấy luôn có những tính từ: quả cảm, mưu trí, giàu lý tưởng... Do tính chất bí mật của nhiệm vụ chiến đấu trong chiến tranh, cho tới nay, sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng gần 40 năm, vẫn còn rất nhiều chiến công, nhiều nỗi đau, nhiều hy sinh của các anh chị biệt động Sài Gòn ngày đó chưa được ghi nhận và đền đáp trọn vẹn. Lịch sử có thể không quên những mốc son lớn trong từng chặng đường đã qua. Nhưng cũng thật khó để ghi tường tận từng trang đời của những cá nhân dự phần vào lịch sử. Và vì thế, người đọc chờ đợi sự góp sức của những người cầm bút.
Còn nhớ trong lần giới thiệu tác phẩm Những thiên thần đường phố viết về các nữ biệt động Sài Gòn, nhà văn Mã Thiện Đồng chia sẻ: chính các nữ biệt động đã yêu cầu chị tìm hiểu thêm để viết về sự tham gia của họ trong kháng chiến. Chia sẻ của chị Đồng khiến mọi người bất ngờ nhận ra sự thiệt thòi lâu nay của những người phụ nữ dũng cảm. Còn quá ít tác phẩm viết về các nữ biệt động Sài Gòn. Gặp gỡ và nghe các chị trò chuyện mới thấy tính cấp thiết cần phải triển khai công việc đó. Những thiếu nữ còn rất trẻ năm xưa nay đã ngoài sáu mươi, bảy mươi. Do di chứng của những đòn tra tấn dã man của địch, sức khỏe các chị đều giảm sút quá nhiều. Trí nhớ và tư duy cũng không còn mạch lạc. Sự vào cuộc của cây bút trẻ Võ Thu Hương là sự góp sức đáng quý vào công việc nhiều ý nghĩa này.
Truyện vừa Nụ cười chim sắt của Võ Thu Hương đi vào cuộc đời cụ thể của nữ biệt động Lê Thị Thu Nguyệt với biệt danh "chim sắt". Chỉ riêng câu chuyện về biệt danh của các nữ biệt động cũng đủ hấp dẫn người đọc. Bởi đó không chỉ là tên gọi khi cần đảm bảo bí mật. Nó còn gắn với chiến công đặc biệt của các chị. Chính những "chim sắt", "con thoi sắt", "tiểu long nữ", "rồng xanh"... đã làm nên danh tiếng lẫy lừng của một đội quân tinh nhuệ bậc nhất của Sài Gòn những năm đánh Mỹ.
Đọc truyện vừa Nụ cười chim sắt của Võ Thu Hương, ta càng thấm thía ý thơ: "Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời-Mỗi số phận chứa một phần lịch sử - Mỗi số phận rất riêng dù rất nhỏ-Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu" của nhà thơ Nga Ép-ghê-nhi Ép-tu-sen-ko (Bằng Việt dịch). Trong cuốn sách, người viết như nhập vào dòng chảy quá khứ với người kể chuyện. Chị chọn ngôi kể xưng "tôi" cũng nhằm mục đích tạo sự gần gũi và chân thực cho tác phẩm. Và cứ thế, "tôi" đưa người đọc trở về những ngày thơ ấu của một cô bé Sài Gòn sớm mất mẹ, phải ở cùng cha. Những năm tháng lam lũ nghèo khó phải chịu đựng sự đối xử thiếu tình thương của mẹ kế. Rồi bước đường đi vào cách mạng hồn nhiên như việc cần làm với người thiếu nữ sớm hiểu lẽ phải cuộc đời.
Không chỉ tái hiện sinh động những trang đời quá khứ của nguyên mẫu, Võ Thu Hương cũng giúp người đọc hình dung rõ hơn về bối cảnh thời chiến của Sài Gòn những năm 60, 70 của thế kỷ XX. Những tình huống dở khóc dở cười của một cô gái trẻ phải đóng vai bồ nhí của người đàn ông lớn tuổi (là cán bộ cài cắm của ta vào hàng ngũ địch) để thực hiện kế hoạch đánh bom sân bay địch. Những tình huống căng thẳng ở lằn ranh khắc nghiệt, mong manh giữa sự sống và cái chết của người lính vận chuyển vũ khí từ ngoại thành vào trung tâm thành phố. Rồi những trang đời nhuốm đầy nước mắt đau đớn nhưng quả cảm, kiên cường khi nữ biệt động Lê Thị Thu Nguyệt bị đày ải tới 3 lần trong các nhà tù Côn Đảo...
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ, gian khổ, mỗi cá nhân là một mắt xích trong công cuộc chung rộng lớn của toàn dân tộc. Bởi thế, ở đâu và bất cứ lúc nào, xung quanh họ luôn có những đồng chí, đồng đội. Bởi lẽ ấy, bên cạnh nhân vật chính là chị Lê Thị Thu Nguyệt, Nụ cười chim sắt còn đưa độc giả đến với một loạt các nhân vật từng là đồng chí của chị.
Đó là Đam, người bạn nhỏ làm chung hãng dầu khuynh diệp với Nguyệt, cũng là người sau này cùng Nguyệt gây dựng phong trào chống áp bức tại nơi làm việc. Đó là Ánh, chị gái Đam, người đã sớm bộc lộ tài trí và lòng gan dạ, quả cảm trong chiến đấu. Đó là chị Mẫn, người phụ nữ giả trai để gia nhập quân đội đánh Mỹ. Là chị Hai Bầu, người chỉ chấp nhận nhẫn nhục chào cờ và hát quốc ca của địch để cứu đứa con nhỏ bị sốt suốt mấy ngày trời. Đó là hai bạn nhỏ Ngọc, Ngà nhẹ nhàng từ bỏ cuộc sống gia đình giàu có nhất nhì khu Chợ Lớn để đứng chung chiến hào với những người chiến sĩ biệt động...
Cố gắng nhìn thật gần vào các chi tiết cụ thể của con người và sự thật lịch sử, Võ Thu Hương đã tạo dựng bức chân dung sinh động của người nữ biệt động có biệt danh "chim sắt". Nhưng qua đó, độc giả không chỉ biết một chị Lê Thị Thu Nguyệt mà còn hiểu thêm về cống hiến lớn lao của cả một thế hệ những người lính biệt động thành quả cảm và mưu trí.
Kim Thoa
*(Đọc truyện vừa Nụ cười chim sắt của Võ Thu Hương, Nxb Kim Đồng, 2013)
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_116616_chan-dung-cu-a-nguo-i-nu-bie-t-do-ng-sa-i-go-n-.aspx