Chân dung hội họa Đặng Huy Quyển
Bộ tranh 'Những con phố' của Đặng Huy Quyển đã được các nhà mê tranh sưu tập gần như trọn bộ.
Đầu Xuân năm Rồng này, Đặng Huy Quyển mở phòng tranh “Những con phố” tại nhà riêng, trong một con ngõ ở đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Người đàn ông U80 chai sạn thế, mà cũng quá xúc động khi thấy bạn bè đến phòng tranh đông vui náo nhiệt. Ông hào hứng nói về ý tưởng từng bức tranh “Phố mưa”, “Phố nghèo”, “Phố giầu”, “Phố đêm”, “Rời phố”…và bức vĩ họa “Phố xuân”.
“Rời phố” là một hoài niệm nước mắt chảy vào trong, vì ông vẽ mẹ mình đẩy xe đạp đưa con rời xa phố đi sơ tán tránh bom đạm cái đận quyết liệt nhất năm 1972. Bà bị dính bom, mất trong một lần đi tiếp tế cho các con…
Bộ tranh “Những con phố” của Đặng Huy Quyển đã được các nhà mê tranh sưu tập gần như trọn bộ.
Đặng Huy Quyển sinh năm 1948, quê Hà Nội. Ông là họa sĩ chuyên nghiệp, nhưng nghề vẽ không nuôi nổi người nghệ sĩ. Ông cần mẫn sáng tác kịch bản hài cho đạo diễn tài hoa Khải Hưng bên VTV3 dựng Gặp nhau cuối tuần , Gala cười và đạo diễn Phạm Đông Hồng dàn dựng thành các đĩa video hài phát hành cuối năm cho Tết Nguyên đán. Hàng chợ nhưng đắt như tôm tươi, đến mức tắc cả một đoạn phố cổ Hà Nội, nơi có đại lý phân phối đĩa hài. Tính ra, ông có khoảng 500 kịch bản phim truyện, phim hài, phim truyền hình, kịch nói, chèo, tuồng… đã được dựng. Nguồn kịch bản hài đồ sộ của ông đã góp phần đào tạo và dung dưỡng một se ri nghệ sĩ hài nổi tiếng như NSND Công Lý, Xuân Bắc, Tự Long, Quốc Anh, Vượng Râu và dàn diễn viên hài đình đám hiện nay.
Năm 2023, ông tham gia Liên hoan sân khấu thể nghiệm Quốc tế Hà Nội lần thứ V bằng vở kịch thể nghiệm “Rác”. Đây là vở diễn chỉ có một nhân vật Rác, do Nghệ sĩ điện ảnh Thanh Tú thủ vai. Đây là một vở kịch độc, lạ chưa từng xuất hiện trên sân khấu Việt Nam và “Rác” đã nhận được giải thưởng của Ban tổ chức.
Nhờ cầm bút bi thay cầm cọ, ông có tiền để sống và để … vẽ. Ông vẽ như điên. Chợt nhớ, có một nhà triết học cận đại nhận xét rằng, nghệ sĩ phải là những người sống như ông hoàng, lao động như nô lệ và sáng tạo như Thượng đế.
Đặng Huy Quyển của chúng ta không thể có tiêu chí thứ nhất, nhưng có đủ tiêu chí thứ hai xét về lao động nghệ thuật. Còn với tiêu chí thứ ba, thì bộ sưu tập tranh của ông lên đến trên 1.200 bức và khoảng 500 kịch bản. Tranh của ông nhiều đến nỗi ông phải thuê căn nhà khác rộng hơn mới có chỗ để.
Đặng Huy Quyển biết vẽ từ khi mới 10 tuổi, được cha hướng cho theo học Mỹ thuật từ khi trẻ tuổi. Với mỹ thuật, Đặng Huy Quyển không vẽ tả thực và cũng không siêu thực. Ông vẽ theo ý niệm, cảm xúc gì đó về cuộc đời, về con người. Công chúng nghệ thuật khi xem tranh của ông phải ngẫm ngợi, suy tư, liên tưởng. Vậy nên tranh của Đặng Huy Quyển có một thứ hiệu ứng rất dị biệt về nét, về hình, và về mảng mầu, khi đối nghịch, khi tương phản nhau.
Xem tranh của ông, người phải động não. Và nhờ lý trí phán bảo, khán giả sẽ phát hiện trong chủ đề, trong hình khối, màu sắc đã gợi ra những xúc cảm cụ thể về đời sống, về con người. Những bức tranh quê nghèo, phố nghèo, người nghèo, các chi tiết lồng ghép nhau, đối thoại cùng nhau về cái nghèo một cách xuyên suốt, một cách nhất quán.
Ông kể, khi đi vào đề tài tranh khỏa thân, ông muốn vẽ khác, khác hẳn dòng tranh có tuổi đời gần 400 năm này. Tranh khỏa thân Đặng Huy Quyển là tranh tứ diện, thể hiện không gian tròn. Ngắm tranh mà thấy body của người nữ có cả 4 chiều bên phải, bên trái, phía trước, phía sau. Bộ sưu tập 15 bức tranh khỏa thân khố lớn được hoàn thành sau 3 tháng “đóng cửa xưởng tranh hì hục vẽ”.
Tôi nhớ hôm khai mở phòng tranh, một số họa sĩ đồng môn, đồng tuế với ông đã luận bàn về phong cách Quyển, trường phái Quyển, trào lưu nghệ thuật hội họa Đặng Huy Quyển rất xôm tụ.
Nhiều người đồng ý với nhau rằng, tranh Đặng Huy Quyển không phải là tranh tả thực, không siêu thực, không trừu tượng, không siêu tưởng, mà là tranh ấn tượng được vẽ từ cảm xúc về con người và hiện thực và là loại tranh “khó xem”.