Chân dung người chồng giúp sức bà Trương Mỹ Lan, gây thiệt hại 9.100 tỷ của SCB
Cơ quan điều tra cáo buộc bị can Chu Lập Cơ giữ vai trò giúp sức cho Trương Mỹ Lan phạm tội, liên đới gây thiệt hại cho SCB hàng nghìn tỷ đồng.
Chồng vướng lao lý vì giúp vợ ký khống hồ sơ
Trong 86 cá nhân vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố liên quan vụ Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan, bị can Chu Nap Kee Eric (Chu Lập Cơ, SN 1956) là chồng của bà Lan.
Theo cáo buộc, Chu Lập Cơ mang quốc tịch Hồng Kông (Trung Quốc) và là người sáng lập, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Times Square Việt Nam. Cùng với vợ, ông Cơ tham gia điều hành các hoạt động của công ty và triển khai dự án tòa nhà Times Square ở khu đất 22-36 Nguyễn Huệ và 57-69F Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.
Là cổ đông chính và giữ vai trò quyết định cao nhất tại Công ty CP Đầu tư Times Square, ông Cơ được bà Lan trao đổi, đề nghị lấy tài sản là dự án Times Square để đảm bảo cho các khoản vay đứng tên các cá nhân, tổ chức do Lan chỉ định tại Ngân hàng SCB.
Cơ đã đồng ý, thống nhất với Lan để ký các biên bản họp đại hội đồng cổ đông, nghị quyết Công ty Times Square chấp thuận thế chấp và gia hạn thế chấp cho các khoản vay do Lan đề nghị tại Ngân hàng SCB.
Tài liệu điều tra thể hiện, từ tháng 12/2012 đến tháng 12/2014, Trương Mỹ Lan chỉ đạo các cá nhân tại SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Times Square lập nhiều hồ sơ vay vốn khống. Sau đó, họ giải ngân cho 73 khoản vay khống của 67 khách hàng, với tổng số tiền giải ngân trên 29.400 tỷ đồng.
Đến năm 2017, các khoản nợ đến hạn nhưng không thể trả được nợ, do phương án vay vốn là lập khống, khoản vay chỉ dùng trả nợ xấu, không có nguồn để thu hồi gốc và lãi, nên Chu Lập Cơ tiếp tục giúp vợ bằng cách dùng tài sản tại dự án Times Square để thế chấp đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ vay, với dư nợ vay được bảo đảm tối đa hơn 35.500 tỷ.
Tính đến thời điểm khởi tố vụ án ngày 17/10/2022, cơ quan điều tra xác định còn 46 khoản vay của 46 khách hàng còn dư nợ gốc và lãi tổng cộng trên 39.200 tỷ đồng.
Theo lời khai của bà Lan, sau khi hợp nhất 3 ngân hàng thành Ngân hàng SCB (mới), bị can đã trao đổi, thống nhất với chồng và lãnh đạo SCB về việc cho vay để cơ cấu các khoản nợ xấu. Họ thống nhất lấy tòa nhà Times Square làm tài sản đảm bảo để vay 20.000 tỷ đồng của SCB.
Kết quả điều tra cho thấy hành vi trên của Chu Lập Cơ phạm vào tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng với vai trò giúp sức cho Trương Mỹ Lan phạm tội, liên đới gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 9.100 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng ghi nhận bị can Chu Lập Cơ thành khẩn khai báo, nhận thức rõ hành vi phạm tội. Bản thân bị can có đơn đề nghị được tự nguyện khắc phục hậu quả trong vụ án và ngày 5/10, ông Cơ đã nộp 1 tỷ đồng để khắc phục.
Khối tài sản bị kê biên, tạm giữ khủng như thế nào?
Cũng theo kết luận điều tra, ngoài xác định rõ hành vi của 86 bị can, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã thu giữ trên 589 tỷ đồng và gần 15 triệu USD; phong tỏa hơn 100 tỷ đồng trong tài khoản của một số cá nhân mở tại Ngân hàng SCB liên quan bà Trương Mỹ Lan.
Cơ quan điều tra đã ngăn chặn các giao dịch với tổng số dư hơn 789 tỷ đồng trong tài khoản mở tại Ngân hàng SCB của Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương.
Cục C03 cũng tạm giữ, kê biên hàng loạt tài sản là bất động sản liên quan đến bà Trương Mỹ Lan. Theo đó, cơ quan điều tra tạm giữ 1.266 bản chính và 1.784 bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; danh sách 269 nhà đất cho thuê và 21 hợp đồng công chứng, 147 thỏa thuận bồi thường các thửa đất thuộc dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Hơn 1.230 bất động sản tại các công ty liên quan bị can Trương Mỹ Lan bị kê biên cùng với hơn 857 triệu cổ phần SCB của bà Lan và các cá nhân đứng tên hộ nữ bị can này. Ngoài ra, trên 137 triệu cổ phần của 5 công ty của các pháp nhân, cá nhân đứng tên hộ bà Lan cũng bị kê biên.
Đáng chú ý, quá trình điều tra, nhà chức trách còn kê biên 22 tài sản là phương tiện (gồm 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô) của bà Trương Mỹ Lan và bị can Trương Huệ Vân do các pháp nhân đứng tên.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra xác định Công ty TNHH MTV An Nhựt Tân Long An (chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp An Nhựt Tân Long An) được UBND tỉnh Long An cấp 233 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tái định cư.
Sau đó, công ty đã bàn giao 90 lô đất tái định cư cho các hộ dân, còn 37 hộ dân chưa nhận nền đất.
Theo kết luận điều tra, UBND tỉnh Long An có đề nghị được nhận lại 143 giấy chứng nhận để bố trí tái định cư cho 37 hộ dân chưa nhận nền đất và các hộ dân tại các dự án khác trên địa bàn huyện Tân Trụ; thống nhất chuyển số tiền công ty được nhận khi hoàn tất thủ tục chuyển quyền, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân tái định cư về tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra để khắc phục số tiền mà bà Lan chiếm đoạt.
Trong vụ án này, Cục C03 cáo buộc sau khi thâu tóm Ngân hàng SCB, từ ngày 9/2/2018 đến 7/10/2022, bị can Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn để rút tiền. Qua đó, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB hơn 304.000 tỷ đồng. Ngoài ra, những sai phạm của bà Lan còn gây thiệt hại số tiền lãi phát sinh là hơn 129.000 tỷ đồng.
Cũng theo cáo buộc, Trương Mỹ Lan phạm tội với vai trò là người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu để thực hiện hành vi tham ô tài sản với số tiền đặc biệt lớn. Hành vi của bà Lan và đồng phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, có dự mưu từ trước, được chuẩn bị, tổ chức thực hiện hết sức công phu, tỉ mỉ và có kịch bản.