Chân dung những chủ tịch ngân hàng thế hệ 2
Thế hệ kế cận của chủ tịch các ngân hàng đời đầu đang liên tục thể hiện những ấn tượng 'khác biệt', tạo ảnh hưởng đến bộ máy lãnh đạo hoạt động tại các nhà băng cũng như trên thị trường tài chính.
Sau nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, một số ngân hàng thương mại đã bắt đầu thực hiện chuyển giao vai trò điều hành quan trọng cho những người trẻ tuổi hơn kế thừa sự nghiệp. Đặc biệt, có nhiều gương mặt là thế hệ "cha truyền con nối", giữ những vị trí chủ chốt trong ban lãnh đạo các ngân hàng.
CHỦ TỊCH "CÔ ĐƠN TRÊN SOFA"
Sau sự kiện kỷ niệm 30 năm thành lập Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) ngày 4/6 vừa qua, Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy trong một đêm đã nổi tiếng khắp cộng đồng mạng nhờ vào tiết mục đàn, hát và biểu diễn dưới mưa.
Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy đã thể hiện khả năng đàn, hát, nhảy khi trình diễn hai ca khúc "Always remember us this way" và "Cô đơn trên sofa" trước toàn thể nhân viên và khách mời. Hình ảnh vị “tổng tài” phong độ, điển trai diện sơ mi trắng trình diễn đầy máu lửa dưới màn mưa được dàn dựng công phu không khác gì tiết mục của những ngôi sao đình đám khiến khán giả choáng ngợp và hưởng ứng nhiệt tình.
Nổi lên chỉ sau một đêm, Chủ tịch Trần Hùng Huy và ngân hàng ACB đã liên tục được tìm kiếm trên các trang mạng xã hội, báo chí khác nhau và gây bất ngờ vì những gì mà vị Chủ tịch này đã làm được khi điều hành ACB.
Ông Trần Hùng Huy sinh năm 1978, là con trai của ông Trần Mộng Hùng - một trong những cổ đông sáng lập của ACB và bà Đặng Thị Thu Thủy - thành viên HĐQT của ngân hàng ACB. Ông là người đã đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng vào độ tuổi trẻ nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam.
Theo giới thiệu của ACB, ông Huy tốt nghiệp cử nhân với ba chuyên ngành quản trị kinh doanh, tài chính và kinh doanh quốc tế vào năm 2000, tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh vào năm 2002 tại Đại học Chapman, Hoa Kỳ, Tiến sỹ Quản trị Kinh doanh- Đại học Golden Gate - Hoa Kỳ (2011).
Tại ACB, ông Huy đang sở hữu 115,7 triệu cổ phiếu ACB, chiếm tỷ lệ 3,43% vốn điều lệ ngân hàng. Giá trị tài sản của Chủ tịch ACB thông qua sở hữu cổ phiếu ước tính khoảng 2.516 tỷ đồng (Tạm tính theo phiên giao dịch ngày 5/6/2023 trên TTCK Việt Nam).
Sau "biến cố bầu Kiên" năm 2012, ông Huy bắt đầu giữ vai trò Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB khi chỉ mới 34 tuổi.
Trong những giai đoạn tiếp theo, lợi nhuận tại ACB ghi nhận tăng trưởng ổn định. Năm 2013, lợi nhuận trước thuế tại ngân hàng này đạt 1.035 tỷ đồng. Đến năm 2017, con số lợi nhuận đã tăng lên 2.656 tỷ đồng, tăng 156% sau 4 năm.
Bắt đầu từ giai đoạn 2018 cho đến hiện tại, lợi nhuận ACB vẫn liên tục tăng trưởng từ 6.389 tỷ đồng (2018) và nhanh chóng vượt mốc 10.000 tỷ đồng vào năm 2021. Đến thời điểm gần nhất là năm 2022, lợi nhuận trước thuế ACB đạt kỷ lục từ trước đến nay của ngân hàng này, lên đến 17.114 tỷ đồng, tăng gần 43%, vươn lên vị trí thứ 7 trong top 10 ngân hàng thương mại Việt Nam có mức lợi nhuận cao nhất trong năm 2022.
Trong năm 2023, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tiếp tục tăng trưởng 18% so với cùng kỳ, đạt hơn 20.000 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên tháng 4 vừa qua, Chủ tịch Trần Hùng Huy đã có chia sẻ với cổ đông, năm 2023 có nhiều thử thách và khó khăn hơn 2022. Hoạt động kinh doanh của ngân hàng nói chung và ACB nói riêng sẽ có ảnh hưởng nhưng ban lãnh đạo đã có nhiều phương án dự trù dựa theo tình hình thị trường.
"Do đó, ACB tự tin có thể hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm nay và sẽ toàn dụng hạn mức tín dụng, tăng trưởng huy động phù hợp với tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp", ông Huy cho biết.
THẾ HỆ 2 CỦA VIETBANK
Một nhân tố khác giữ vai trò chủ chốt tại một ngân hàng và được biết đến là thế hệ thứ 2 của ông Dương Ngọc Hòa, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank, mã: VBB). Nhân vật đó là ông Dương Nhất Nguyên.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm ngân hàng, ông Dương Nhất Nguyên (sinh năm 1983) là con trai của nguyên Chủ tịch HĐQT VietBank Dương Ngọc Hòa và bà Trần Thị Lâm – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, HĐQT ngân hàng VietBank đã thống nhất bầu Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2021-2025 là ông Dương Nhất Nguyên, thời điểm đó đang là Thành viên HĐQT độc lập.
Trước đó, ông từng theo học tại trường Keller Graduate School of Management - Đại học DeVry - Mỹ, tốt nghiệp với bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Trước khi gia nhập VietBank, ông Nguyên đã đảm nhiệm các chức vụ như Giám đốc Đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Hoa Lâm; Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Dược phẩm Hoa Lâm và tham gia nhiều dự án lớn của Tập đoàn Hoa Lâm.
Ông Nguyên tham gia HĐQT VietBank từ tháng 1/2013 với chức danh Phó Tổng Giám đốc. Từ năm 2013, ông giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT VietBank nhiệm kỳ 2016-2020.
Tại VietBank, ông nắm giữ hơn 14,59 triệu cổ phiếu VBB, tương đương với giá trị hơn 162 tỷ đồng, tính theo giá phiên 7/6/2023.
Dưới thời ông Nguyên, VietBank cũng liên tục đạt kết quả kinh doanh tăng trưởng khả quan. Năm 2021, lợi nhuận trước thuế của VietBank đạt 636 tỷ đồng, tăng 57,8% so với năm 2020, vượt kế hoạch tối thiểu ngân hàng đề ra. Đến năm 2022, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt là 656 tỷ đồng, tăng 3,2%.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Chủ tịch Dương Nhất Nguyên cho biết, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 960 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2022, tổng tài sản đạt 125.000 tỷ đồng, huy động đến từ khách hàng (bao gồm giấy tờ có giá) đạt 95.000 tỷ đồng, cho vay khách hàng đạt 75.600 tỷ đồng.
Ngoài ra, VietBank cũng đặt mục tiêu mở rộng thị phần, tăng trưởng quy mô tổng tài sản cả về chất và lượng, kiểm soát nợ xấu dưới 3% theo quy định của NHNN.
Nhắc đến con trai "bầu" Hiển - Chủ tịch HĐQT ngân hàng SHB, hai cái tên Đỗ Quang Vinh và Đỗ Vinh Quang cũng nổi tiếng trong giới thể thao và tài chính nói chung vì tuy còn trẻ nhưng đã nắm giữ những vị trí quan trọng trong ngành.
Ông Đỗ Quang Vinh sinh năm 1989, là con trai cả của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) - người đặt nền móng xây dựng tên tuổi Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và đang là Chủ tịch HĐQT ngân hàng này.
Tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng tại đại học Middlesex (Anh), ông Vinh trở về Việt Nam vào năm 2019 sau một số năm làm trong các doanh nghiệp, ngân hàng ở nước ngoài để có thêm kinh nghiệm.
Đến năm 2021, ông Đỗ Quang Vinh được bầu vào vị trí Phó Tổng giám đốc SHB, trở thành lãnh đạo trẻ tuổi nhất tại ngân hàng này. Ngoài ra, ông cũng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Khối Ngân hàng số đồng thời là lãnh đạo tại SHB Finance - Công ty con của SHB hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, ông Đỗ Quang Vinh được bầu vào HĐQT và đến tháng 4/2023, ông chính thức được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng SHB.
Năm 2022, SHB đạt 9.689 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 55% so với cùng kỳ. Tổng tài sản của ngân hàng cuối năm 2022 đạt 550.904 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2021 và đứng thứ 6 về tổng tài sản trong các ngân hàng TMCP tư nhân có quy mô lớn nhất Việt Nam.
Ngoài ra, với vốn điều lệ 30.674 tỷ đồng, SHB đang là ngân hàng đứng top 5 về vốn điều lệ trong khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.
Tại SHB, ông Đỗ Quang Hiển trực tiếp nắm giữ 78 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2,54%) trong khi, ông Đỗ Quang Vinh chỉ trực tiếp nắm giữ 736.000 cổ phiếu (0,024%) và ông Đỗ Vinh Quang nắm giữ hơn 84 triệu cổ phiếu SHB. Tính chung bầu Hiển và hai con trai sở hữu lượng cổ phiếu trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng, tính theo giá phiên giao dịch ngày 7/6/2023.
BÓNG HỒNG DUY NHẤT TRONG THẾ HỆ F2 NGÀNH NGÂN HÀNG
Danh sách thế hệ F2 hoạt động tại lĩnh vực ngân hàng xuất hiện một bóng hồng duy nhất, giữ vai trò Phó Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã: SSB) là bà Lê Thu Thủy.
Bà Thủy sinh năm 1983, là con gái của doanh nhân Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG và Phó Chủ tịch thường trực SeABank. Trong lĩnh vực ngân hàng, bà Nga là một người có tiếng, từng tham gia góp vốn và giữ vị trí quan trọng tại nhiều ngân hàng. Trước đó, bà Nga từng có 10 năm giữ cương vị Chủ tịch SeABank.
Theo thông tin từ SeABank, bà Thủy là Cử nhân Quản trị Kinh doanh - Đại học George Mason - Hoa Kỳ và đồng thời cũng là Cử nhân Tài chính - Ngân hàng - Đại học George Mason - Hoa Kỳ. Sau khi học xong đại học, bà Lê Thu Thủy hoạt động thêm một thời gian ở Mỹ và rồi quyết định về Việt Nam để tiếp tục sự nghiệp của gia đình.
Trước khi nắm giữ vị trí Phó Chủ tịch thường trực SeABank, bà Thủy đã có kinh nghiệm 20 năm làm việc tại SeABank, và nhiều năm làm việc tại các tổ chức tài chính ngân hàng quốc tế.
Cụ thể năm 2009, bà Lê Thu Thủy chính thức làm Ủy viên thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng SeABank khi chỉ mới 26 tuổi.
Từ năm 2013 – năm 2018, bà làm Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SeABank và đến ngày 11/07/2022, bà Thủy chính thức thôi làm Phó Tổng giám đốc SeABank, tuy nhiên bà vẫn nằm trong ban quản trị cấp cao với chức danh Phó Chủ tịch ngân hàng này.
Hiện tại bà đang nắm giữ 48,053 triệu cổ phiếu SSB, với tỷ lệ 2,355% cổ phần, giá trị tính theo thời điểm ngày 7/6/2023 là 1,518 tỷ đồng. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nga đang nắm giữ 68,116 triệu cổ phiếu SSB, tính đến ngày 03/10/2022.
Trong 5 năm qua, SeABank đã có sự tăng trưởng mạnh về vốn điều lệ, tổng tài sản cũng như lợi nhuận.
Cụ thể, tổng tài sản tăng từ gần 141.000 tỷ đồng năm 2018 lên gần 230.000 tỷ đồng vào năm 2022 và mở rộng mạng lưới hoạt động với gần 180 chi nhánh, điểm giao dịch tại 29 tỉnh thành trên cả nước. Đồng thời, vốn điều lệ của SeABank liên tục tăng, từ mức 7.688 tỷ đồng lên 19.809 tỷ đồng sau 5 năm.
Một nhân tố khác tại SeABank là ông Lê Tuấn Anh - là con trai bà Nguyễn Thị Nga, hiện đang đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT SeABank kiêm Tổng giám đốc ngân hàng này.
Ông Tuấn Anh hiện đang nắm giữ hơn 44,784 triệu cổ phiếu tại ngân hàng SeABank, trị giá 1,406 tỷ đồng, theo giá cập nhật đến 6/6/2023.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, với nền kinh tế được dự báo sẽ có nhiều biến động nên SeABank định hướng mục tiêu tổng tài sản tăng 10%, tăng ròng huy động 18.000 tỷ đồng (tăng 12% so với năm 2022, trong đó ưu tiên tăng trưởng huy động không kỳ hạn (CASA). Tăng ròng tín dụng 16.200 tỷ đồng (tăng 11% so với 2022, đảm bảo phù hợp quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và lợi nhuận trước thuế hơn 5.633 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong năm nay, SeABank dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ từ 20.403 tỷ đồng lên tối đa 25.903 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và cổ phiếu thưởng với tỷ lệ gần 20,3%, chào bán cổ phiếu riêng lẻ với tỷ lệ hơn 4,6% và phát hành cổ phiếu theo Chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).