Chân dung những phụ nữ khởi nghiệp thành công ở Gia Lai

Mỗi bạn trẻ có sự lựa chọn riêng để bắt đầu hành trình khởi nghiệp của mình. Nhiều bạn nữ luôn tìm cái mới, dám đương đầu với thử thách và thành công.* Nguyễn Thị My Sa-chủ cơ sở sản xuất tinh dầu thiên nhiên My Sa (thôn 4, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh): Khởi nghiệp bởi sự lôi cuốn từ mùi hương thiên nhiên

Thời còn nhỏ, mỗi lần ra đồng phụ giúp bố mẹ, cứ thấy cây gì có mùi hương là Nguyễn Thị My Sa ngắt đem về phơi khô hay ép vào trang vở làm kỷ niệm. Bị cuốn hút bởi các mùi hương nên mong ước của Sa sau này sẽ trở thành bác sĩ Đông y. Song, theo định hướng của gia đình, Sa đành gác lại ước mơ để theo học ngành Sư phạm.

Chị Sa kể: “Hồi mới trúng tuyển vào làm giảng viên Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Chư Păh, tôi ở trọ tại khu tập thể. Hết giờ làm việc, tôi về phòng đọc sách và bắt đầu nghiên cứu các loại cây thảo dược. Càng tìm hiểu càng thấy thích thú và quyết tâm phải thử nghiệm chế biến tinh dầu… để biết khả năng của mình tới đâu. Năm 2014, tôi chọn sả chanh để chế biến vì lá này dễ tìm mua, giá lại rẻ, thậm chí khi thu hoạch lấy củ xong người ta còn cho không lá. Ban đầu, tôi chưng cất bằng nồi thủ công, mỗi lần ra được một ít tinh dầu vừa để dùng, vừa tặng người quen, còn dư đăng lên mạng xã hội để bán”.

Năm 2018, chị Sa tiếp tục thử nghiệm các loại tinh dầu như: hương nhu, long não, vỏ cam quýt, tinh dầu quế, tinh dầu bạc hà, tinh chất trầu không, tinh chất tỏi. Sản phẩm nhận được phản hồi tích cực từ người dùng. “2 năm gần đây, tôi mới hướng đến việc xây dựng thương hiệu tinh dầu thiên nhiên My Sa nên dành nhiều thời gian nghiên cứu quy trình mới nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, đáp ứng yêu cầu của đối tác. Với định hướng mở rộng thị trường, tôi đặt mục tiêu mỗi năm đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng”-chị Sa chia sẻ.

4 sản phẩm do chị Sa sản xuất gồm: tinh chất trầu không bạc hà, tinh dầu sả chanh, tinh dầu long não, tinh dầu hương nhu đã đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh. Sản phẩm tinh chất trầu không đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020. Tại Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp lần thứ IV-2020 do Tỉnh Đoàn phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức, chị tham gia với sản phẩm soap tắm thảo dược và đạt giải ba. Sản phẩm này được kết hợp từ nguyên liệu bột cà phê, bột đông trùng hạ thảo, mật ong rừng và sự sáng tạo trong việc tạo mùi hương của các loại tinh dầu cam, sả chanh; tạo màu từ các loài hoa hồng, hoa đậu biếc...

Năm 2020, chị Sa gặt hái nhiều kết quả từ nghề “tay trái”. “Đây là sự ghi nhận, là động lực để tôi cố gắng đưa sản phẩm của mình vươn xa hơn. Tôi đang ấp ủ ý tưởng làm thêm các sản phẩm trà từ hoa atisô, trà hoa đậu biếc”-chị Sa bộc bạch.

* Nguyễn Thị Hà-chủ cơ sở trà mãng cầu xiêm Minh Hưng Phát (làng Doăch, xã Ia Vê, huyện Chư Prông): Bỏ nghề dạy học đến với nghề nông

“Từng là cô giáo dạy văn của một trường THPT ở tỉnh Đồng Nai, năm 2013, tôi quyết định khăn gói theo chồng lên Tây Nguyên lập nghiệp. Qua 6 năm gắn bó với nghề nông, tôi hiểu sản phẩm nông nghiệp bán thô luôn phải phụ thuộc thương lái nên rất bấp bênh, chỉ có con đường chế biến mới mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm. Vậy nên tôi chọn hướng đi mới là sản xuất và chế biến trà mãng cầu xiêm”-chị Nguyễn Thị Hà nói về lựa chọn trong hành trình khởi nghiệp sản phẩm không đụng hàng của mình. “Hành trang vào đời với tấm bằng đại học, bạn trẻ nào cũng mang hy vọng sẽ gắn bó với công việc có thu nhập ổn định, song tôi nghĩ cuộc sống có rất nhiều điều mới mẻ, thú vị để mình khám phá khả năng của bản thân”-chị Hà nói.

Chị Hà nhớ lại: “Lúc mới về xã Ia Vê, vợ chồng tôi mua 1,5 ha đất trồng hồ tiêu. Khi vườn hồ tiêu chết, tôi chuyển sang trồng cây ăn quả, chủ yếu là mãng cầu xiêm. Thời điểm này, người dân ở Ia Vê trồng xen mãng cầu xiêm trong vườn rất nhiều nên sản lượng khá lớn. Tới vụ thu hoạch rộ, giá cả thường xuống thấp, có người không bán được phải xắt lát phơi khô để uống. Khi tôi lên mạng tìm hiểu thì biết quả mãng cầu có tác dụng ngăn ngừa ung thư, tăng cường chức năng thận, chống mất ngủ, ổn định huyết áp, ngừa tim mạch… Lúc ấy, trong đầu lóe lên ý nghĩ sao không tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có này để chế biến một loại trà, góp phần gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp ở địa phương. Nghĩ là làm, năm 2019, tôi bàn với chồng đầu tư một máy sấy cùng các thiết bị phục vụ cho việc chế biến”.

Chị Hà cho biết: “Nếu quả mãng cầu non khi sấy sẽ cho ra vị nhạt, còn hơi chín lại có vị chua, chỉ những quả vừa già mới cho ra vị trà thơm, đậm đà và đảm bảo giá trị dinh dưỡng. 10 kg mãng cầu tươi sấy được 1 kg trà khô. Để có những mẻ trà thành công như hôm nay, tôi đã làm hỏng khá nhiều và tốn thời gian nghiên cứu. Sau này, tôi mới rút ra công thức riêng để tạo hương vị đặc trưng và giữ màu sắc đẹp”.

Khi sản phẩm thành công, vấn đề tiêu thụ cũng nan giải. May mắn là chị được kết nạp làm thành viên của Cộng đồng nông nghiệp minh bạch ở TP. Hồ Chí Minh. Từ đó, sản phẩm làm ra tiêu thụ được thuận lợi. Hiện trà mãng cầu xiêm Minh Hưng Phát tiêu thụ hơn 2 tấn/năm, chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Theo tính toán của chị Hà, với giá bán 200-300 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, cơ sở của chị lãi khoảng 300 triệu đồng/năm. Hiện nay, ngoài sấy trà từ quả, chị Hà đang nghiên cứu để chế biến trà từ hoa và lá mãng cầu để tận dụng tối đa nguồn phụ phẩm, nhằm mang lại giá trị gia tăng cho cây mãng cầu xiêm. Chị cũng đang hướng đến việc sản xuất trà túi lọc để tăng thêm chủng loại cho khách chọn lựa.

* Đinh Thụy Hà Tiên-chủ thương hiệu Mybella Coffee (thôn 9, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh): Xây dựng thương hiệu cà phê sạch

Gia Lai là vùng đất bạt ngàn cà phê nhưng loại cây trồng này chưa mang lại giá trị thực cho người trồng. Từ suy nghĩ này, chị Đinh Thụy Hà Tiên bắt đầu nghiên cứu quy trình chế biến cà phê. Chị chia sẻ: “Tham gia các hội chợ, triển lãm, tôi được học hỏi và giao lưu với những chủ thương hiệu cà phê lớn trong và ngoài nước, qua đó nhận thấy cà phê sạch đang là xu hướng tiêu dùng. Tôi bàn với gia đình cải tạo vườn cà phê của gia đình mình theo hướng hữu cơ và dành nhiều thời gian nghiên cứu quy trình chế biến cà phê bột. Ngay từ đầu, tôi đã xác định phải tạo sự khác biệt mới mong tìm được chỗ đứng trên thị trường. Từ công đoạn sản xuất phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt theo hướng hữu cơ, thu hái phải tuyển chọn 100% quả chín cây, cà phê phải phơi giàn cách đất… Nói chung, phải nâng cao chất lượng cà phê ở tất cả các khâu”.

Mặt hàng cà phê vốn có lợi thế nhưng cũng đối mặt với sự cạnh tranh rất gay gắt trên thị trường. Do vậy, muốn có chỗ đứng trên thị trường, chị Tiên phải tiến hành từng bước đi chắc chắn. Năm 2019, khi mọi việc đã sẵn sàng, chị mới chính thức xây dựng thương hiệu Mybella Coffee. Chị kết hợp giữa 2 dòng Robusta và Arabica để cho ra đời sản phẩm chính là cà phê hạt rang, cà phê bột. Khi tìm hiểu kỹ đặc tính của từng loại sẽ thấy mỗi dòng cà phê mang lại hương vị, hàm lượng cafein khác nhau nên việc kết hợp thế nào là bí quyết riêng để đánh thẳng vào “gu” khách hàng.

Hàng tháng, Mybella Coffee cung ứng ra thị trường khoảng 1 tấn sản phẩm, khách hàng chủ yếu ở Long An, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hà Nội… Dù sản lượng tiêu thụ chưa nhiều, nhưng đó là động lực cho một thương hiệu mới đang dần hoàn thiện để có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Để đảm bảo vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến, chị Tiên đã liên kết với các hộ dân trồng 15 ha cà phê theo hướng hữu cơ. “Bà con từ chỗ hoài nghi, giờ đã hoàn toàn bị thuyết phục khi áp dụng quy trình nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc đến thu hoạch”-chị Tiên khẳng định.

Chị Tiên cho biết: “Để mở rộng thị trường, tôi tham gia Hợp tác xã Organic CPA. Trong môi trường này, tôi được tiếp thêm năng lượng từ những người trẻ, cộng với cơ hội được học hỏi, trau dồi kiến thức từ công việc chính là sự cộng hưởng tích cực để tôi phấn đấu mỗi ngày, hoàn thiện và nâng cao chất lượng, đưa sản phẩm vươn xa hơn. Hiện sản phẩm cà phê bột của tôi đã đạt chứng nhận 3 sao OCOP cấp tỉnh năm 2020”.

VŨ THẢO

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12363/202102/chan-dung-nhung-phu-nu-khoi-nghiep-thanh-cong-o-gia-lai-5723976/