Chân dung nữ Giáo sư liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm Nguyễn Minh Thủy
Tâm huyết với ngành Công nghệ thực phẩm, lĩnh vực dinh dưỡng người, Giáo sư Nguyễn Minh Thủy đã có nhiều đóng góp cho khoa học với nhiều nghiên cứu quan trọng.
Giáo sư - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Minh Thủy là một trong 3 nữ Giáo sư liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm năm 2020.
Bà sinh năm 1961, quê ở xã Long Điền, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Hiện tại, Giáo sư là Giảng viên cao cấp, công tác tại Bộ môn Công nghệ thực phẩm, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ.
Từng là cựu sinh viên ngành Chế biến của Đại học Cần Thơ, năm 23 tuổi, Giáo sư Nguyễn Minh Thủy bắt đầu nhận công tác với chức vụ là Cán bộ giảng dạy, Trưởng phòng thí nghiệm - Khoa Chế Biến của ngôi trường này.
Từ năm 2010 đến năm 2016, bà là Giảng viên cao cấp, Phó Trưởng khoa; Đảng ủy viên Đảng bộ Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Chi ủy viên cơ sở; Phụ trách Sau đại học, Bộ môn Công nghệ thực phẩm, Khoa Nông nghiệp của Trường Đại học Cần Thơ.
Từ năm 2016 đến nay, Giáo sư Nguyễn Minh Thủy là Giảng viên cao cấp, công tác tại Bộ môn Công nghệ thực phẩm, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ.
Năm 31 tuổi, bà được cấp bằng Thạc sĩ ngành Công nghệ sau thu hoạch của Viện Kỹ thuật Châu Á (Asian Institute of Technology - AIT), Thái Lan.
Sau đó, bà trở thành Nghiên cứu sinh ngành Kỹ thuật Khoa học Sinh học của Trường KU Leuven (Katholieke Universiteit Leuven), vương quốc Bỉ và được cấp bằng Tiến sĩ vào năm 2007.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Minh Thủy đã được công nhận chức danh Phó giáo sư ngành Công nghệ thực phẩm ngày 09 tháng 11 năm 2010.
Trong 36 năm làm công tác giảng dạy, trên cơ sở các học phần được phân công giảng dạy chủ yếu là “Dinh Dưỡng Người”, “Dinh dưỡng và cộng đồng”, “Công nghệ sau thu hoạch rau quả” và “Công nghệ sau thu hoạch Nông sản” cho các ngành đào tạo Đại học và sau Đại học ngành “Công nghệ thực phẩm” và “Công nghệ sau thu hoạch”, Giáo sư Nguyễn Minh Thủy đã nỗ lực thực hiện nhiều nghiên cứu theo các hướng của học phần giảng dạy với mục tiêu đầu tiên quan trọng nhất là làm sáng tỏ Nội dung giảng dạy của Học phần, cập nhật các thông tin nghiên cứu thực tế mới nhất cho bài giảng của học phần luôn sinh động.
Liên quan với dinh dưỡng người, một yếu tố quan trọng chính là nguồn thực phẩm. Nguồn nguyên liệu nông sản đa dạng với giá trị dinh dưỡng cao đã và đang phát triển trong nước với sản lượng lớn, đặc biệt là rau củ quả, chỉ được tiêu thụ dạng tươi, thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân địa phương còn thấp.
Nhiều năm do ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau (thiên tai, dịch bệnh..), nhiều mặt hàng nông sản gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống một bộ phận nông dân.
Vì vậy, các nghiên cứu của Giáo sư Nguyễn Minh Thủy hướng tới các giải pháp, chiến lược nhằm giải quyết lâu dài vấn đề về tiêu thụ nông sản, hỗ trợ nông dân và ngành nông nghiệp khi gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, bệnh dịch.
Các nghiên cứu của Giáo sư tập trung vào nhóm nông sản này (bảo quản dạng tươi và chế biến đa dạng) nhằm tận dụng nguồn dinh dưỡng sẵn có để hỗ trợ tích cực cho sự phát triển dinh dưỡng của cả khu vực và đất nước, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng.
Các kết quả nghiên cứu đạt được còn được lồng ghép và được truyền tải trong các buổi học giúp sinh viên,học viên tiếp cận các kiến thức mới nhất và áp dụng thực tế hiệu quả khi ra trường, về địa phương công tác và hoạt động ở lĩnh vực chuyên môn có liên quan.
Theo đó, Giáo sư Nguyễn Minh Thủy tiến hành nghiên cứu khoa học dựa vào 2 hướng chính. Thứ nhất là “Dinh dưỡng trong mối liên quan với thực phẩm và con người”; Thứ hai là “Ứng dụng các kỹ thuật xử lý/tồn trữ/chế biến các loại nông sản nhiệt đới sau thu hoạch”.
Với hướng nghiên cứu và các lĩnh vực nghiên cứu đó, nhiều nghiên cứu của Giáo sư đã được thực hiện trong các đề tài cấp cơ sở (sử dụng nguồn nguyên liệu gấc, gạo, nếp, khoai, tỏi, các loại đậu và rau củ quả đa dạng), đề tài hợp tác với các tỉnh, đối tượng chính là nguồn đặc sản của địa phương, như cây mía và trái khóm Cầu Đúc (tỉnh Hậu Giang), thốt nốt (tỉnh An Giang), trái khóm Gò Quao (tỉnh Kiên Giang), trái chôm chôm (tỉnh Bến Tre), củ hành tím (tỉnh Sóc Trăng), trái thanh trà (tỉnh Vĩnh Long), các loại rau dạng lá, dạng trái, mầm (tỉnh Trà Vinh và Cần Thơ), các loại hoa và rau quả có màu sắc đẹp tự nhiên (hoa bụp giấm, hoa đậu biếc, trái si rô, trái tầm bóp...).. có nhiều trong cả nước.
Kết quả nghiên cứu theo định hướng đã cho ra hàng loạt sản phẩm mới với quy trình hoàn chỉnh, nhiều bài báo đã được công bố ở các Tạp chí trong nước và quốc tế có uy tín.
Các cơ hội và tác động tiềm năng của công nghệ chế biến mới phát triển với các sản phẩm dinh dưỡng tạo ra sẽ tăng nguồn cung thực phẩm đa dạng trong nước là rất lớn và có ý nghĩa.
Giáo sư Nguyễn Minh Thủy đã có hơn 150 bài báo (tiếng Việt và tiếng Anh) được công bố trong các Tạp chí khoa học có phản biện trong nước (có chỉ số ISSN) và Tạp chí quốc tế có uy tín (SCOPUS, Indexed ISI).
Bà có 28 công trình khoa học được công bố ở các kỷ yếu trong nước và quốc tế (một số kỷ yếu sau năm 2012 có chỉ số ISBN); đã báo cáo (oral, poster) 48 công trình/kết quả nghiên cứu tại các hội thảo khoa học chuyên ngành trong nước (16 công trình) và quốc tế (32 công trình).
Bên cạnh đó, nhữ Giáo sư cũng đã viết một Sách tổng hợp tất cả các công trình nghiên cứu đạt được đến năm 2016 (Sách: Kỹ thuật sau thu hoạch (Bảo quản và chế biến) một số loại nông sản ở đồng bằng sông Cửu Long, xuất bản năm 2016, NXB ĐHCT).
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Minh Thủy luôn chủ động nghiên cứu, cập nhật kịp thời yêu cầu đổi mới về kiến thức chuyên môn; vận dụng sáng tạo và phù hợp.
Trong giảng dạy, Giáo sư sử dụng các phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập và sự tiến bộ của sinh viên bằng các hoạt động trao đổi kiến thức chuyên môn trên lớp và đánh giá sinh viên theo các hình thức khuyến khích khác nhau, từ đó sinh viên tích cực học tập nâng cao kiến thức và trao đổi với giáo viên tích cực hơn.
Trong hoạt động giảng dạy, hướng dẫn Nghiên cứu khoa học và nhiệm vụ cố vấn học tập, nữ Giáo sư đã phát triển mối quan hệ tốt giữa nhà trường, gia đình sinh viên và xã hội.
Bà sử dụng tốt ngoại ngữ trong giảng dạy, hỗ trợ giúp đỡ sinh viên tìm tài liệu phục vụ học tập và nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục.
Giáo sư Nguyễn Minh Thủy cũng đã tham gia một học phần giảng dạy bằng tiếng Anh (Dự án VLIR Network), tham gia nhiều hội nghị quốc tế (báo cáo oral, poster) (với 18 đợt tham dự và công bố 32 công trình khoa học tại hội nghị quốc tế) để chia sẻ kết quả nghiên cứu khoa học với các chuyên gia quốc tế hoạt động trong cùng lĩnh vực và cũng đã nâng cao trình độ ngoại ngữ trong các đợt tham dự này.