Trồng xà lách thủy tinh trên giá thể

Những cây xà lách thủy tinh xanh non, giòn rụm thường được trồng trên hệ thống thủy canh. Nhưng, một kỹ sư nông nghiệp đã mở một hướng mới, đó là trồng xà lách thủy tinh trên giá thể trong luống.

Anh Cao Xuân Tuấn đang trồng xà lách thủy tinh trên giá thể

Anh Cao Xuân Tuấn đang trồng xà lách thủy tinh trên giá thể

“Xà lách thủy tinh là giống xà lách rất giòn, ngọt, thường được các nông trại canh tác trên hệ thống thủy canh. Đây là giống xà lách có giá trị kinh tế cao, thị trường rất ưa chuộng, đặc biệt là các siêu thị, hệ thống cửa hàng rau sạch. Nhưng với điều kiện của nông dân Mê Linh, chúng tôi đã hiện thực hóa và thành công trong việc đưa cây xà lách thủy tinh trồng trên giá thể”, anh Trần Văn Định, một kỹ sư nông nghiệp chia sẻ. Anh Định vốn đã qua tu nghiệp nghề nông nghiệp tại đất nước Israel, nơi có các kĩ thuật nông nghiệp vô cùng phát triển. Trở về quê hương Mê Linh, Lâm Hà, anh Định rất tha thiết được áp dụng các kĩ thuật nông nghiệp hiện đại đến với người nông dân.

Qua thực tế, anh Trần Văn Định thừa nhận, rau xà lách thủy tinh trồng bằng hệ thống thủy canh là hiệu quả nhất. Tuy nhiên, hệ thống thủy canh đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu rất lớn, không nhiều nông hộ đủ khả năng tiếp cận với mô hình canh tác cao cấp này. “Đánh giá nhiều mô hình khác nhau, tôi quyết định áp dụng mô hình trồng xà lách thủy tinh trên giá thể. Trong điều kiện nông hộ, đây là một mô hình chi phí thấp và hiệu quả vẫn ổn định”, anh Trần Văn Định chia sẻ.

Trong gian nhà kính, anh Định làm các luống giá thể trên mặt đất, khung giá thể được vây bằng sắt hoặc tre, gỗ, cao 20 cm, căng bạt, đổ xơ dừa dày chừng 10 cm. Mỗi khung rộng 1 m, chạy 5 hàng ống nước. Trên hệ thống xơ dừa đó, anh đặt 5 hàng cốc, trong cốc cũng có giá thể và cây xà lách thủy tinh 14 ngày tuổi. Sau khi đặt cây xà lách giống vào trong luống giá thể, chỉ cần nước tưới đều cũng như cung cấp chất dinh dưỡng thông qua dung dịch, những cây xà lách thủy tinh có môi trường sinh sống tốt. Sau 30 ngày, từ cây con cao chừng 5-7 cm đã đạt chuẩn một cây xà lách nhập vào hệ thống siêu thị. Việc thu hoạch cũng rất đơn giản, chỉ cần nhấc cốc ra khỏi luống, rũ xơ dừa bám quanh, quấn góc và sơ chế bình thường, không khác những cây xà lách thủy tinh được trồng trong hệ thống thủy canh.

Anh Trần Văn Định thông tin, khung bạt được làm đơn giản để giữ phần giá thể xơ dừa được ổn định. Giá thể xơ dừa cũng không qua phối trộn hay xử lý bởi theo anh, xơ dừa chỉ giữ vai trò môi trường giữ ẩm, để xà lách được giữ vững. Còn lại, nước tưới hay dinh dưỡng, anh Định đều cung cấp cho cây thông qua hệ thống tưới tự động.

Anh Cao Xuân Tuấn, nông dân Thôn 3, xã Mê Linh, một nông hộ hợp tác cùng anh Trần Văn Định triển khai mô hình trồng xà lách thủy tinh trên giá thể cho biết, anh đã thu hoạch được nhiều lứa xà lách vườn nhà. Anh Định hướng dẫn anh Cao Xuân Tuấn trồng gối đầu hàng tuần, đảm bảo luôn luôn có sản phẩm thu hoạch hằng ngày cung cấp cho siêu thị cũng như một số hệ thống cửa hàng rau sạch. Điều khá đặc biệt, mô hình trồng xà lách thủy tinh của anh Trần Văn Định đảm bảo việc cung ứng từ gốc tới ngọn. Nông dân không nhập giống xà lách trồng sẵn mà tự ươm hạt trong các cốc có sẵn giá thể. Sau từ 10-14 ngày, những hạt xà lách nhỏ xíu đã trưởng thành, đạt độ cao 5-8 cm, đủ điều kiện để ra vườn. Như gia đình anh Cao Xuân Tuấn, anh vẫn thu hoạch xà lách thủy tinh hằng ngày, theo đơn hàng anh Định đặt sẵn. Với anh, mức đầu tư nhẹ nhàng cho ba sào xà lách thủy tinh giúp gia đình có thể canh tác một loại cây nổi tiếng khó tính, thường được các nông trại trồng trong hệ thống thủy canh. Anh Cao Xuân Tuấn cho biết, với sự hướng dẫn của anh Trần Văn Định, anh đã hoàn toàn nắm được phương pháp canh tác, nắm được chu trình phát triển của cây xà lách thủy tinh và dễ dàng áp dụng trên vườn nhà.

“Trồng xà lách trên giá thể là mô hình đầu tư phù hợp với những nông hộ mong muốn trồng xà lách thủy tinh nhưng có mức đầu tư hạn chế. Nếu bà con chú ý trong canh tác, có thể tái sử dụng rất nhiều lần. Như xơ dừa, sau mỗi vụ có thể xới lên phơi khô 5-7 ngày rồi tái sử dụng, có thể dùng được qua 1-2 năm. Xà lách cần nước nhưng không chịu úng, chỉ cần tưới ngày 2 lần, mỗi lần 5 phút là đủ. Không giống hệ thống thủy canh, nước được lưu trong các ống cứng, nước tưới xà lách trên giá thể cũng ngấm ra ngoài nhưng do bạt lót vẫn cho nước ngấm xuống đất nên tránh được việc xà lách bị ngập úng”, kỹ sư Trần Văn Định đánh giá.

Chị Trần Thị Khánh Hòa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mê Linh, huyện Lâm Hà cho biết, mô hình trồng xà lách thủy canh trên giá thể là một mô hình rất mới của địa phương. Trên địa bàn, đã có một số nông trại, doanh nghiệp, hợp tác xã có quy mô lớn trồng xà lách thủy tinh nhưng hầu hết là trên hệ thống thủy canh hồi lưu hoặc không hồi lưu. Việc nông dân triển khai và thành công mô hình trồng xà lách thủy tinh trên giá thể theo hợp đồng đã mang lại cho cư dân địa phương một hướng làm ăn mới, sản xuất nông sản chất lượng cao từ nguồn lực đầu tư hạn chế.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202411/trong-xa-lach-thuy-tinh-tren-gia-the-3802bae/