Chân dung ông chủ 8X đứng sau Công ty Nước sạch Sông Đà

Ông Nguyễn Văn Tuấn là Chủ tịch HĐQT Gelex, doanh nghiệp đang nắm giữ cổ phần chi phối tại Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà.

Danh sách cổ đông Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà gồm nhiều doanh nghiệp nổi tiếng. Trong đó, Tổng công ty cổ phần thiết bị điện Việt Nam (Gelex) nắm giữ nhiều nhất với 45.348.000 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 60,46%. Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) cũng đang nắm 29.960.000 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 35,95%. Các cổ đông khác sở hữu 3,59% số cổ phần còn lại.

Như vậy, Gelex đang là chủ sở hữu lớn nhất, có quyền chi phối của Nước sạch Sông Đà.

Con đường thâu tóm của Gelex

Với giá cổ phiếu vào phiên sáng 17/10 là 36.000 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa của Nước sạch Sông Đà trên sàn UPCoM là khoảng 2.700 tỷ đồng.

Như vậy, Gelex đang sở hữu khối tài sản trị giá 1.600 tỷ đồng tại Nước sạch Sông Đà, trong khi REE là 970 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Tốn, hiện là Tổng giám đốc Nước sạch Sông Đà, đang nắm giữ 3.000 cổ phiếu. Như vậy, ông Tốn sở hữu khối tài sản là 108 triệu đồng tại doanh nghiệp này.

Nhà máy Nước sạch Sông Đà. Ảnh: Hồng Quang.

Nhà máy Nước sạch Sông Đà. Ảnh: Hồng Quang.

Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà hiện đơn vị duy nhất cung cấp nước sạch từ nguồn nước mặt sông Đà về Hà Nội với công suất 300.000 m3/ngày đêm. Doanh nghiệp này ban đầu thuộc sở hữu của Vinaconex. Năm 2017, Vinaconex thoái vốn tại Nước sạch Sông Đà và bán toàn bộ cổ phần. Khi đó, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Sinh Thái và REE tham gia cuộc đua mua lại cổ phần.

Công ty Đầu tư phát triển Sinh Thái đã thành công hơn khi mua gom được 50,42% cổ phần. Trong khi đó, REE sở hữu 34,68%. Tuy nhiên, ngay sau đó, Công ty Sinh Thái đã chuyển nhượng 25,21 triệu cổ phiếu cho Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex ngày 4/1/2018 (Công ty con của Gelex).

Một số người giả thiết Sinh Thái chỉ là pháp nhân đứng ra “gom giúp” cổ phần cho Gelex đứng sau. Cuối cùng, Gelex đã gom được 60,46% cổ phần, REE nắm 35,95% cổ phần. Qua đó, Gelex nắm quyền chi phối tại Nước sạch Sông Đà.

Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex là công ty con của Gelex. Hiện, Chủ tịch Gelex cũng đồng thời giữ chức vụ Chủ tịch của Năng lượng Gelex, đó là ông Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1984. Tập đoàn này đang hoạt động ở một số lĩnh vực là công nghiệp, tiện ích, logistics và bất động sản.

Chủ tịch 8X của hàng loạt công ty

Ông Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1984, tại Thanh Liêm, Hà Nam, học ngành tài chính - ngân hàng. Ông này đang nắm giữ nhiều chức vụ tại nhiều doanh nghiệp khác nhau. Hiện là Chủ tịch HĐQT và CEO của Gelex. Đồng thời, ông là Chủ tịch Công ty Dây cáp điện Việt Nam, Chủ tịch Công ty TNHH Thiết bị điện, Phó chủ tịch Công ty TNHH S.A.S - CTAMAD, Phó Chủ tịch Công ty Hạ tầng Fecon.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO của Gelex. Ảnh: Gelex.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO của Gelex. Ảnh: Gelex.

Nhóm cổ đông của Gelex cũng đang nắm giữ 25% cổ phần của Viglacera. Mới đây, hồi tháng 6, nhóm cổ đông này đã đề cử ông Nguyễn Anh Tuấn và Trần Ngọc Anh (Phó tổng giám đốc Gelex) để bầu làm thành viên HĐQT Viglacera. Ông Tuấn sau đó còn được bầu là Chủ tịch Viglacera.

Dưới thời của ông Nguyễn Văn Tuấn, Gelex được cho là phát triển khá tốt với doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh hàng năm. Doanh nghiệp này cũng vươn ra khỏi các lĩnh vực cốt lõi là cơ điện, khi lấn sân sang dự án năng lượng điện mặt trời, logistic, nước sạch, bất động sản, vật liệu xây dựng…

Doanh nghiệp này đang sở hữu nhiều dự án năng lượng như điện mặt trời tại Ninh Thuận, Bình Thuận, thủy điện Ca Nan 1&2 (Nghệ An), thủy điện Sông Bung 4A (Quảng Nam)...

Về bất động sản, Gelex sở hữu khách sạn Melia Hà Nội và Gelex Tower cao 22 tầng tại quận Hai Bà Trưng (gồm căn hộ và văn phòng). Đặc biệt, "lô đất vàng" rộng 10.000 m2 tại 10 Trần Nguyên Hãn và 27-29 Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) dự kiến xây tòa nhà văn phòng, khách sạn cao cấp...

Doanh thu cả năm 2018 của Gelex đạt 13.699 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.283 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 942,4 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận béo bở từ Nước sạch Sông Đà

Đầu tư vào Nước sạch Sông Đà được coi là một kênh “béo bở” đối với Gelex. Doanh nghiệp này hiện là đầu mối cấp nước độc quyền cho toàn bộ khu vực phía tây nam Hà Nội, gồm các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông. Doanh nghiệp này cũng sở hữu hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông.

Nhờ hoạt động này, mỗi năm Viwasupco đều ghi nhận hàng trăm tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế. Mảng kinh doanh nước sạch của công ty cũng có biên lợi nhuận gộp lên tới 57,2% trong năm gần nhất (2018). Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp cung cấp nước sạch khác ở TP.HCM như nhà máy Thủ Đức, Nhà Bè, Gia Định với biên lãi gộp dưới 40%/năm.

Trong 4 năm gần nhất, mỗi năm Nước sạch Sông Đà đều đạt trên 400 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận ròng sau thuế xấp xỉ 150 tỷ đồng. Riêng năm 2018, công ty này ghi nhận 219 tỷ đồng lãi ròng, tăng 29% so với năm 2017. Đây cũng là năm thứ 7 liên tiếp lợi nhuận của công ty tăng trưởng kể từ khi hoạt động kinh doanh có lãi vào năm 2012.

Tính từ năm 2012 đến nay, doanh thu của công ty này đã tăng gần 1,7 lần và lợi nhuận sau thuế tăng gấp hàng trăm lần (năm 2012 công ty chỉ lãi 215 triệu đồng).

Nửa đầu năm nay, kết quả kinh doanh tiếp tục tăng so với cùng kỳ. Trong đó, công ty đạt 264 tỷ đồng doanh thu, tăng 23%. Hiệu quả kinh doanh cũng được nâng lên khi biên lãi gộp đạt 56,8%, cao hơn mức 54,9% của năm trước.

Hiếu Công

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/chan-dung-ong-chu-8x-dung-sau-cong-ty-nuoc-sach-song-da-post1002537.html