Chân dung thủ lĩnh 5 năm ngồi tù, 5 năm ở khách sạn hạng sang của Taliban

Thủ tĩnh Taliban Abdul Ghani Baradar - người có khả năng là nhà lãnh đạo tiếp theo của Afghanistan - đã tiến vào Kandahar hôm 17-8 và được chào đón bởi hàng ngàn người ủng hộ.

Abdul Ghani Baradar đã sống như 1 tù nhân hay người nổi dậy trong hơn nửa đời, từng chuẩn bị chính thức đầu hàng khi Mỹ tiến vào Afghanistan sau vụ khủng bố ngày 11-9-2021. Đến nay, ông ta lại nổi lên với tư cách là lực lượng đã thế chỗ Mỹ và các đồng minh.

Không ai biết chính xác Baradar bao nhiêu tuổi. Giờ đây, câu hỏi quan trọng nhất về ông ta là: Làm thế nào 1 người đàn ông từng ngồi tù 5 năm ở Pakistan và 5 năm sống ở 1 khách sạn sang trọng ở Doha điều hành 1 đất nước nơi tất cả cấu trúc nhà nước đều biến mất trong 1 ngày?

Abdul Ghani Baradar, phó thủ lĩnh của Taliban, đến hội nghị hòa bình Afghanistan tại Moscow - Nga vào tháng 3. Ảnh: Reuters

Abdul Ghani Baradar, phó thủ lĩnh của Taliban, đến hội nghị hòa bình Afghanistan tại Moscow - Nga vào tháng 3. Ảnh: Reuters

Baradar là người bạn thân cận với người thành lập Taliban Mohammad Omar. Cả hai lên nắm quyền chính trị tại Afghanistan sau khi Liên Xô rút quân. Vào cuối những năm 1990, Baradar từng là thống đốc của Taliban tại nhiều tỉnh, cùng các thủ lĩnh khác điều hành một chế độ truyền tải quyền lực thông qua đàn áp và bạo lực.

Sau khi Taliban chiếm được Kabul vào tuần này, Baradar đã đưa ra 1 thông báo qua video với nội dung: "Bài kiểm tra đã đến. Giờ là lúc chúng ta phục vụ, bảo vệ người dân và đảm bảo tương lai của họ".

Khi Mỹ tiến quân vào Afghanistan năm 2001 và bắt đầu tấn công cả al-Qaeda lẫn Taliban, chính Baradar là người đàm phán để Taliban đầu hàng Hamid Karzai, người sau đó được bổ nhiệm làm tổng thống Afghanistan. Barada vốn đã định cho người đi ám sát ông Karzai nhưng buộc phải đầu hàng vào tháng 12 cùng năm dưới sự bắn phá dữ dội của Mỹ.

Khi Taliban bắt đầu nhen nhóm lại, Baradar được cho là cực kỳ tức giận vì một cuộc không kích của Mỹ tại tỉnh Uruzgan, khiến hàng chục người thiệt mạng trong đám cưới của họ hàng ông ta vào năm 2002. Sau đó, ông ta bỏ trốn sang Pakistan và bắt đầu sinh sống ở Karachi.

Cảnh sát giao thông dùng cờ của Taliban khi làm nhiệm vụ ở Kandahar vào ngày 17-8. Ảnh: EPA-EFE

Cảnh sát giao thông dùng cờ của Taliban khi làm nhiệm vụ ở Kandahar vào ngày 17-8. Ảnh: EPA-EFE

Đến năm 2010, khi chính quyền Tổng thống Barack Obama của Mỹ đưa thêm hàng chục ngàn quân tới Afghanistan, Baradar trở thành thủ lĩnh chiến đấu hàng đầu của Taliban và Uruzgan là một trong những chiến trường khốc liệt nhất. Các căn cứ quân sự kiên cố của Mỹ, Úc và Hà Lan ở Uruzgan thường xuyên bị quân nổi dậy bắn phá.

Cùng lúc đó, Baradar thúc đẩy các cuộc thảo luận không công khai với chính phủ ông Karzai thông qua các mối quen biết giữa các bộ lạc. Khi Baradar bị bắt vào tháng 2-2010 trong 1 chiến dịch chung của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và an ninh Pakistan ở Karachi, đây được xem là ý đồ phá vỡ các cuộc đàm phán hòa bình ở Afghanistan của nước láng giềng Pakistan.

Ông Thomas Ruttig, một nhà ngoại giao Đức kiêm nhà phân tích lâu năm về Afghanistan, cho biết Baradar đã ngồi tù nhiều năm ở Pakistan trước khi được phóng thích vào năm 2018 và khoảng thời gian này chỉ làm tăng thêm "vị thế chính trị" của ông ta.

Khi đến Qatar để đàm phán về việc chia sẻ quyền lực ở Afghanistan năm 2020, Baradar tỏ ra dịu giọng và ít xuất hiện hơn so với những người khác trong đội ngũ Taliban. Ông ta dùng ngôn ngữ hòa giải và nói rằng Taliban đang tìm kiếm "một hệ thống Hồi giáo để tất cả người dân trong nước có thể tham gia mà không bị phân biệt đối xử và sống hòa thuận trong bầu không khí anh em".

Ông Baradar chụp ảnh cùng cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: NYT

Ông Baradar chụp ảnh cùng cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: NYT

Kể cả khi các cuộc tấn công của Taliban vẫn tiếp diễn trong suốt quá trình đàm phán, các quan chức Mỹ lại bị thuyết phục bởi lý lẽ của Baradar. Vào tháng 11, ông ta chụp ảnh cùng với cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo.

Ông Ruttig cho biết Baradar đã trở nên quyền lực hơn một số người khác trong những năm qua, đồng thời "phát triển và thể hiện sự hiểu biết về chính trị". Tuy nhiên, cách kiểm soát của Baradar và khả năng củng cố quyền lực của ông ta tại Kabul là điều không thể đoán trước. Ngay cả khi ông ta và các lãnh đạo khác của Taliban đã nêu rõ một tầm nhìn tự do hơn trong những ngày gần đây, các dấu hiệu về biện pháp đàn áp của Taliban đã tái xuất hiện.

Tại một số khu vực ở Afghanistan, có các báo cáo cho biết những trường học nữ sinh bị đóng cửa. Ngoài ra, còn có những câu chuyện khác về việc Taliban chiếm giữ tài sản và tấn công dân thường.

Bảo Hạnh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/chan-dung-thu-linh-5-nam-ngoi-tu-5-nam-o-khach-san-hang-sang-cua-taliban-20210821001152029.htm