Chân dung trùm ma túy 'hoang dại' Carlos Lehder
Lehder vừa luôn bị ám ảnh bởi các tư tưởng phát xít của Adolf Hitler vừa tôn sùng John Lennon vì những hành động phản chiến. Đơn giản là hắn căm ghét chính phủ Mỹ.
Trùm ma túy gốc Colombia - Đức Carlos Lehder đã giúp Pablo Escobar thành lập băng đảng Medellin, nhưng liên minh của họ không kéo dài mãi mãi. Lehder từ một tên tội phạm vặt đã vươn lên trở thành một trong những nhân vật chủ chốt của băng Medellin trong thập niên 1970 và 1980. So với Pablo Escobar khét tiếng, Lehder là một nhân vật ít được biết đến hơn trong băng đảng, nhưng nếu không có gã, hoạt động buôn bán cocaine của băng đảng có lẽ đã không “cất cánh” được.
Nổi tiếng với lối sống hoang dại, Lehder còn được biết đến với tư tưởng tân phát xít. Nhưng hắn nổi tiếng chủ yếu là một trong những cộng sự đáng sợ nhất của Escobar cho đến khi mối quan hệ của họ đổ vỡ. Carlos Enrique Lehder Rivas sinh ngày 7/9/1949 tại Armenia, Colombia. Người cha, Klaus Wilhelm Lehder, là một kỹ sư người Đức nhập cư Colombia vào cuối những năm 1920. Tại đây, Klaus kết hôn với Helena Rivas, hoa hậu Colombia, và có bốn người con, Carlos là con thứ ba.

Carlos Lehder (trái) và Pablo Escobar.
Gia đình Lehder sở hữu một nhà trọ nhỏ tên là Pension Alemana. Họ còn sản xuất dầu thực vật và nhập khẩu nhiều mặt hàng. Vào những năm 1940, nhà trọ của họ từng thu hút sự chú ý của tình báo Mỹ vì nghi ngờ là nơi gặp gỡ của các phần tử Đức Quốc xã. Sau khi cha mẹ ly dị, Lehder chuyển đến New York cùng mẹ khi mới 15 tuổi. Tại đây, hắn bỏ học và bắt đầu phạm tội vặt, cuối cùng tiến đến trộm xe ở Queens và tham gia vận chuyển cần sa. Hắn cũng trở nên ám ảnh với các tư tưởng lệch lạc, trong đó có những tư tưởng do Hitler phổ biến, và mơ về việc tạo ra một đế chế riêng.
Năm 1973, Lehder bị bắt vì tội buôn ma túy và trộm cắp. Sau khi bị kết tội, hắn bị giam tại nhà tù liên bang Danbury, Connecticut. Tại đây, hắn kết thân với một kẻ buôn lậu ma túy khác tên là George Jung. Cả hai sau này sẽ làm thay đổi hoàn toàn đường dây buôn lậu cocaine.
Sự trỗi dậy gây sốc
Sau này George Jung kể với đài PBS rằng chính Carlos Lehder đã dẫn dắt mình vào con đường buôn cocaine. Theo lời Jung: “Hắn hỏi tôi có biết gì về cocaine không, tôi bảo là không. Tôi hỏi sao anh không kể cho tôi nghe đi. Hắn nói: Anh có biết một kg cocaine bán ở Mỹ được 60.000 đô không?”. Jung kể rằng trong đầu mình lúc đó như có tiếng máy tính tiền vang lên. Sau khi được thả vào cuối những năm 1970, hai người đã “cách mạng hóa” đường dây vận chuyển cocaine bằng cách dùng máy bay nhỏ đưa hàng từ Colombia vào khu vực đông nam nước Mỹ.
Cùng thời điểm đó, trùm ma túy Colombia Pablo Escobar đang nổi lên trong ngành buôn bán cocaine. Tuy nhiên, ban đầu Escobar chỉ dùng các "con la" để vận chuyển cocaine vào Mỹ. "Con la" là cách nói lóng để chỉ những người vận chuyển ma túy bằng cơ thể hoặc hành lý cá nhân, thường là giấu trong vali, quần áo, thậm chí nuốt bao cao su chứa cocaine vào bụng. Trong khi đó, Lehder đã phát triển một hệ thống vận chuyển đường không, sử dụng máy bay nhỏ bay ở độ cao thấp để vận chuyển lượng cocaine lớn hơn rất nhiều qua biên giới. Escobar tất nhiên bị thu hút bởi hệ thống này, và đó là lý do Lehder trở thành đồng sáng lập băng Medellin cùng gã.
Khi Escobar lo khâu sản xuất cocaine ở Colombia, Lehder và Jung phụ trách vận chuyển và phân phối. Tuyến đường ban đầu của họ đi qua Nassau (Bahamas), nơi họ đã mua chuộc các quan chức tham nhũng. Tuy nhiên, Lehder muốn một nơi biệt lập hơn và đã mua lại Norman’s Cay, một hòn đảo nhỏ cách Miami khoảng hơn 300 km về phía đông nam. Tại đây, gã thiết lập một căn cứ chuyển hàng riêng. Nó cũng trở thành chốn ăn chơi trác táng bí mật, tràn ngập ma túy.
Lehder, được cho là người song tính, thường xuyên tổ chức các cuộc truy hoan. Một người thân cận mô tả như sau: “5 đàn ông, 10 phụ nữ, tất cả trần truồng, liên tục đổi bạn tình, ăn, uống và hút... kéo dài ba ngày”. Hòn đảo này cũng là nơi Lehder cổ súy cho các tư tưởng lệch lạc. “Có vài người dân sống trên đảo, nhưng họ bị xua đuổi dần, và Lehder bắt đầu thành lập một nhóm tân phát xít để bảo vệ các chuyến bay chở cocaine và đe dọa dân địa phương”, Mike Vigil, cựu giám đốc hoạt động quốc tế của Cơ quan Phòng chống ma túy Mỹ (DEA) nói với Business Insider.
Theo nhà báo Tamara Inscoe-Johnson, người viết sách về Lehder: “Gã dành vô số thời gian mưu đồ sự nghiệp chính trị, với tham vọng trở thành tổng thống Colombia. Khi mục tiêu ngày càng lớn, nỗi ám ảnh với chủ nghĩa Quốc xã cũng tăng theo; vì Hitler từng muốn thống trị thế giới, và Lehder cũng vậy.”
Chịu ảnh hưởng từ Adolf Hitler và cả John Lennon
Mặc dù thu về hàng tỷ đôla từ cocaine, Carlos Lehder còn muốn lãnh đạo một chính quyền tân phát xít ở Colombia. Gã công khai bài Do Thái và coi trùm phát xít Adolf Hitler là thần tượng. Kỳ quặc thay, gã cũng thần tượng ngôi sao nhạc rock John Lennon của ban nhạc The Beatles. Có thời điểm, Lehder cho đúc tượng đồng Lennon khỏa thân đội mũ phát xít, như một cách vinh danh cả hai “anh hùng” của mình.
Đây là một sự kết hợp gây sốc - Lennon là nhà hoạt động phản chiến, từng chỉ trích chính phủ Mỹ gay gắt, còn Lehder thì căm ghét chính phủ Mỹ. Lehder coi cocaine không chỉ là hàng hóa, mà là vũ khí phá hoại nước Mỹ bằng cách gây hỗn loạn, làm rối loạn hệ thống chính trị. Gã thường xuyên bày tỏ mong muốn “trả lại công lý” cho Colombia, bù đắp những ảnh hưởng tiêu cực từ các cường quốc, đặc biệt là Mỹ.
Trên đảo của mình, Lehder treo cờ Colombia và hát quốc ca. Một số người dân Colombia yêu quý gã vì sự giàu có, việc làm và các món quà từ thiện. Một tài xế taxi ở Armenia kể lại: “Tôi lớn lên trong gia đình rất nghèo. Khi tôi khoảng 12 tuổi, mẹ hay sai tôi đi bộ mỗi thứ Bảy tới La Alemana. Ở đó, chúng tôi xếp hàng nhận lương thực. Ông ấy (Lehder) có mặt ở đó, trước khi bị bắt. Ông ấy luôn giúp đỡ người nghèo”.
Tiếng tăm của Lehder giúp gã chen chân vào chính trường Colombia. Những năm 1980, gã thành lập Movimiento Civico Latino Nacional (Phong trào Công dân Mỹ Latinh quốc gia) được mô tả là chống Cộng, tân phát xít, dân tộc cực đoan và bài chủ nghĩa thực dân. Đảng này từng chiếm ba ghế quốc hội, chủ yếu vì chống lại hiệp ước dẫn độ với Mỹ, một vấn đề nóng lúc bấy giờ ở Colombia. Gã thường xuyên tổ chức họp báo, chỉ trích hiệp ước dẫn độ. Lehder gay gắt phê phán sự can thiệp của Mỹ vào châu Mỹ Latinh, và không giấu giếm sự ngưỡng mộ dành cho Hitler, thậm chí còn trích dẫn lời trùm phát xít. Sự ngông cuồng của Lehder nhanh chóng khiến chính quyền chú ý.

Một bức ảnh Lehder chụp chung với Escobar trong những năm 1980.
Cú sụp đổ bất ngờ
Vào thời điểm Carlos Lehder bắt đầu phất lên cùng Escobar, gã đã loại George Jung khỏi đường dây. Từ cuối thập niên 1970 đến 1980, đảo Norman’s Cay là trung tâm buôn cocaine chính của Lehder. Tuy nhiên, Lehder ngày càng lộ diện do hoạt động chính trị và những phát ngôn công khai chống Mỹ. Dù mạng lưới buôn lậu bằng máy bay của gã từng giúp băng Medellin phát tài, sự bất ổn tâm lý khiến Escobar dần xa lánh Lehder.
Số phận của Lehder được cho là đã an bài sau khi gã cho giết một sát thủ của Escobar tại một bữa tiệc ở Hacienda Nápoles. Đây được xem là giọt nước tràn ly đối với Escobar, người lúc này coi Lehder là gánh nặng hơn là đối tác đáng tin. Có tin nói rằng Escobar đã chỉ điểm nơi ở của Lehder cho chính quyền Colombia, và vào ngày 4/2/1987, Lehder trở thành người đầu tiên bị dẫn độ về Mỹ theo hiệp ước mà chính gã từng phản đối dữ dội.
Biết rằng Escobar có thể đã phản mình, Lehder nói với một nhân viên DEA: “Nghe này, tôi có thể giúp các anh bắt Pablo Escobar… Cho tôi được bảo vệ bởi quân đội Colombia, tôi sẽ tìm Escobar cho các anh”. Nhưng phía Mỹ từ chối để Lehder quay lại Colombia.
Từ phòng giam tại nhà tù liên bang ở Marion, Illinois, Lehder cố gắng thương lượng một thỏa thuận khác với chính quyền Mỹ, nhưng thất bại vì thông tin hắn cung cấp bị cho là vô dụng. Năm 1988, hắn bị tuyên án tù chung thân không ân xá cộng thêm 135 năm vì tội buôn cocaine. Tuy nhiên sau đó, Lehder đã có đóng góp quan trọng trong việc cung cấp lời khai chống lại cựu độc tài Panama Manuel Noriega, người từng hỗ trợ băng Medellin, điều này giúp rút ngắn bản án. Cuối cùng, Lehder được thả vào năm 2020 sau hơn 33 năm ngồi tù và bị trục xuất sang Đức, nơi hắn có quốc tịch. Ở Đức, Lehder đã xuất bản một cuốn hồi ký.
Không có gì bất ngờ khi cuốn sách xuất bản năm 2024 với tựa đề Cuộc đời và cái chết của băng Medellin đổ phần lớn trách nhiệm về bạo lực thời kỳ đó cho ông trùm cũ Pablo Escobar. Tháng 3/2025, Lehder trở về Colombia nhưng bị bắt ngay tại sân bay do lệnh truy nã còn hiệu lực. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, một thẩm phán Colombia đã ra lệnh thả Lehder vì lệnh bắt giữ đã hết hiệu lực pháp lý.
Tương phản giữa hai ông trùm
Đã có nhiều người so sánh cuộc đời và lối sống của hai ông trùm từng là chiến hữu. Carlos Lehder và Pablo Escobar tuy cùng nằm trong băng Medellin, nhưng khác nhau về bản chất, phong cách, tham vọng và cách thao túng quyền lực. Escobar luôn lạnh lùng, thực dụng, luôn đặt mục tiêu tối đa hóa quyền lực và lợi nhuận. Dù dùng bạo lực, hắn biết lúc nào phải mua chuộc, lúc nào phải giết. Lehder thì ngông cuồng, khoa trương, tự cho mình là sứ giả của một cuộc cách mạng mới. Hắn vừa là tội phạm vừa là “chính trị gia điên”, trộn lẫn buôn ma túy với lý tưởng phát xít và tư tưởng chống Mỹ cực đoan.
Escobar muốn trở thành “ông vua” của Colombia, giàu nhất, quyền lực nhất, được công chúng nhớ đến như thánh Robin Hood. Dù bịp bợm, hắn biết cách tạo hình ảnh tốt trong mắt dân nghèo. Lehder thì muốn lập một “quốc gia lý tưởng” kiểu phát xít, trong đó hắn là nhà độc tài tuyệt đối. Lehder không cần tình cảm của dân chúng, hắn cần sự tôn thờ và phục tùng.
Về tư duy chính trị, hai ông trùm cũng khác nhau. Escobar dùng chính trị làm công cụ. Hắn vào quốc hội không phải để làm luật, mà để có quyền miễn trừ và ảnh hưởng tới luật pháp. Trái lại, Lehder thực sự muốn thay đổi chính trị. Chính đảng của hắn thực sự hoạt động như một cỗ máy tuyên truyền. Hắn viết sách, diễn thuyết, và mơ đến cách mạng toàn châu Mỹ Latinh theo mô hình độc tài chống tư bản. Về cách dùng bạo lực và ảnh hưởng, Escobar thiên về tính toán. Hắn sẽ mua chuộc trước, nếu không được mới giết. Phương châm của hắn là “Plata o plomo” (Tiền hay đạn). Trong khi đó, Lehder lại thích phô diễn sức mạnh, tàn bạo, vì hắn tin mình là người “được chọn”. Hắn không giết người vì cần thiết mà giết để khẳng định đẳng cấp.
Kết cục của hai ông trùm cũng khác nhau: Escobar chết trong một cuộc truy bắt sau khi mất dần đồng minh, quyền lực tan rã. Lehder thì bị chính Escobar và đồng bọn bán đứng. Bị dẫn độ sang Mỹ, ngồi tù 33 năm, rồi trục xuất sang Đức năm 2020, không còn tiếng nói, không còn quyền lực, chỉ còn là tàn tích của một giấc mộng điên rồ.
Escobar là “ông trùm thực tế”, hiểu luật chơi, biết khi nào nên ẩn mình. Lehder là “gã điên lý tưởng hóa”, thông minh nhưng không kiểm soát được bản thân, cuối cùng bị chính đồng minh trừ khử vì quá nguy hiểm và quá nhiều lời. Nếu Lehder biết kiềm chế và đóng vai phụ, có thể hắn đã sống sót lâu hơn và nguy hiểm hơn Escobar rất nhiều. Nhưng hắn chọn làm kẻ mộng du trong thế giới thật. Và thế giới đó nghiền nát hắn không thương tiếc.
Carlos Lehder là biểu tượng của một thời kỳ đẫm máu và hỗn loạn trong lịch sử Colombia. Gã không chỉ là một trùm ma túy mà còn là kẻ thao túng chính trị, truyền thông và xã hội. Cuộc đời của gã cho thấy cách mà tiền bạc và bạo lực có thể làm lung lay cả hệ thống pháp luật và chính trị. Dù đã trả giá bằng hơn ba thập kỷ sau song sắt, cái tên Lehder vẫn là lời nhắc nhở về sức mạnh và sự tàn phá của các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia.