Chặn đường phát hành trái phiếu tràn lan

Cơ quan chức năng đang cân nhắc khả năng không cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu để góp vốn hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn.

Một trong những điểm đáng chú ý được nếu trong dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 153/2000NĐ-CP đang được bàn thảo là không cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu để góp vốn dưới mọi hình thức, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng yêu cầu doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành tại phương án phát hành theo quy định và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu.

Nếu được sửa đổi theo phương án này, đây sẽ là động thái siết chặt "cửa" huy động vốn từ trái phiếu của doanh nghiệp sau khi Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định ngân hàng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp đó hoặc để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác.

Lý giải về quy định mới trong dự thảo, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, việc thu hẹp mục đích sử dụng vốn trong phát hành trái phiếu xuất phát từ rủi ro thị trường.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép mà doanh nghiệp hoàn toàn chủ động phát hành. Trong khi đó, nhà đầu tư mua bằng mọi giá, gây nỗi lo về rủi ro hệ thống, nên để dễ đánh giá rủi ro cần biết doanh nghiệp huy động vốn làm gì,

"Với mục đích sử dụng vốn như vậy, nên chăng chúng ta sẽ định hướng doanh nghiệp vay ngân hàng hoặc thực hiện phát hành ra công chúng?", ông Dương nhận xét.

Xét trên bình diện tổng thể của thị trường, để cơ quan quản lý, giám sát rất khó khăn khi nhìn nhận, phân biệt những rủi ro có thể chấp nhận được, rủi ro dòng tiền lòng vòng trong nền kinh tế.

"Chính vì vậy, Bộ Tài chính mới thiết kế điều khoản này", ông Dương nhấn mạnh.

Thực tế, việc sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP là Bộ Tài chính nhận thấy các rủi ro của thị trường quá lớn, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư cá nhân.

Nghị định 153/2020/NĐ-CP yêu cầu đối tượng mua trái phiếu doanh nghiepẹ phát hành riêng lẻ phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp . Tuy nhiên, nhiều công ty chứng khoán sẵn sàng nhận một khoản phí để “phù phép” biến nhà đầu tư cá nhân thành nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Theo TS. Võ Đình Trí - Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM và IPAG Business School Paris: “Nhiều người dân được ngân hàng giới thiệu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nhưng với thông tin rất mơ hồ ngoại trừ lãi suất thì nhiều khi không biết trái phiếu được phát hành với mục đích gì, có đảm bảo gì không, xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp phát hành ở mức nào”.

Hậu quả là thời gian qua, trái phiếu “3 không” (không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán) xuất hiện tràn lan trên thị trường, tiềm ẩn rủi ro lớn cho nhà đầu tư và cho cả hệ thống tài chính.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc cho vay giữa các doanh nghiệp với nhau là quyền hợp hiến của mỗi doanh nghiệp, miễn là không vượt trần lãi suất. Nếu quy định như trên coi như đóng sập cánh cửa mua doanh nghiệp khác bằng vốn vay đối với các nhà đầu tư nội và cản bước các doanh nghiệp trong nước tham gia vào quá trình tái cơ cấu cho nền kinh tế.

"Vì nhu cầu đầu tư, doanh nghiệp bắt buộc phải huy động vốn nhưng việc không phải trong trường hợp nào cũng có thể giải ngân được ngay 100%, nên việc doanh nghiệp lựa chọn kinh doanh nguồn vốn đó trong ngắn hạn thế nào, để tối đa hóa lợi ích là điều hết sức bình thường", lãnh đạo một doanh nghiệp tư vấn đầu tư cho biết.

Ông Dương cũng thừa nhận thực tế là, công ty con mới thành lập thường non trẻ nên huy động vốn rất khó. Vì thế, công ty mẹ có tiếng tăm, có uy tín trên thị trường thường huy động vốn để thực hiện đầu tư vào công ty con hoặc góp vốn vào dự án của công ty con. Hiện tượng này khá phổ biến đối với doanh nghiệp bất động sản lớn khi thường thành lập những doanh nghiệp mới, tách biệt để hoạt động minh bạch, rõ ràng để phát triển dự án mới.

Tuệ Minh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/chan-duong-phat-hanh-trai-phieu-tran-lan-1642703274787.htm