Chán ghét gia đình, triệu phú Mỹ để lại bản di chúc 'oái oăm' dài 42 trang
Trước khi qua đời, ông trùm khai thác gỗ và khoáng sản lừng lẫy nước Mỹ một thời đã viết ra bản di chúc dài 42 trang để 'làm khó' con cháu của mình.
Wellington R. Burt sinh ngày 26/8/1831 tại Pike, New York, là ông trùm khai thác gỗ và khoáng sản nổi tiếng nhất nhì thế kỷ 19 tại Mỹ. Ở thời kỳ đỉnh cao, doanh nhân này không chỉ là chủ sở hữu duy nhất của toàn bộ các tuyến đường sắt ra vào bang Michigan mà còn vung tay mua cả những tuyến đường sắt ở Trung Quốc và Nga - điều chưa ai dám làm vào thời điểm đó.
Chưa hết, Wellington còn đầu tư vào các lĩnh vực như đường sắt, ngân hàng khiến sự thịnh vượng của ông càng được nhân lên gấp bội. Ở tuổi xế chiều, Wellington sở hữu khối tài sản ước tính khoảng 40-90 triệu USD (tương đương 500 triệu - 1,2 tỷ USD ngày nay) và là 1 trong 10 người giàu nhất nước Mỹ vào thời đó.
Giàu có là vậy nhưng Wellington chưa bao giờ hạnh phúc khi nhắc đến gia đình. Ông đã kết hôn 2 lần, có 7 người con và 2 người cháu. Sinh ra trong nghèo khó và đi lên từ bàn tay trắng, triệu phú này hiểu rất rõ giá trị của đồng tiền nên sống rất khiêm tốn và tiết kiệm. Tuy nhiên, trái ngược với sự chăm chỉ, cầu tiến và nỗ lực của Wellington, người thân của ông lại là những người lười biếng, ăn không ngồi rồi, thích soi mói người khác. Thậm chí, họ chỉ chực chờ ông chết để được thừa kế khối tài sản kếch xù. Điều này khiến ông rất buồn phiền.
Cũng vì quá chán ghét gia đình, doanh nhân này đã tạo một bản di chúc oái oăm và phức tạp bậc nhất trong lịch sử ngành tư pháp Mỹ, khiến con cháu ông đến 100 năm sau mới được thừa kế gia sản.
Theo đó, trước khi mất, Wellington dự định để lại phần lớn tài sản cho gia đình và một số tổ chức chính phú ở Michigan. Tuy nhiên, kế hoạch của triệu phú này đã thay đổi sau 1 lần ông xảy ra tranh cãi với một chuyên gia thẩm định tài sản địa phương. Từ đó, Wellington đã thẳng tay loại bỏ tất cả các tổ chức chính phủ ra khỏi di chúc của mình.
Không những thế, vì chán ghét người thân trong gia đình, vị doanh nhân này dù vẫn để lại di chúc cho con cháu nhưng lại đi kèm hàng loạt điều kiện oái ăm. Theo đó, bản di chúc này dài đến 42 trang được vị doanh nhân này viết hoàn toàn bằng tay, ký và công chứng vào tháng 8/1917. Trong đó nói rằng toàn bộ tài sản của Wellington được cất giữ tại Ngân hàng Quốc gia Thứ hai với mức lãi suất tối thiểu. Tuy nhiên, số tiền này sẽ không được rút ra và phân bổ cho đến khi toàn bộ con và cháu của ông qua đời.
Theo CNW, Wellington yêu cầu rằng khối tài sản của ông sẽ được cất giữ thêm 21 năm sau khi người cháu trẻ nhất của ông qua đời. Trước khi điều đó xảy ra, triệu phú này vẫn dành ra vài khoản tiền cho con cháu thừa hưởng hàng năm nhưng không đáng kể. Không một thành viên nào của nhà Burt có thể lường trước điều này. Thậm chí, họ còn hoài nghi về tính pháp lý của nó vì kiểu di chúc này bị coi là bất hợp pháp tại một số bang ở Mỹ.
Minnesota là một trong những bang không thừa nhận di chúc của Wellington. Vì vậy, chỉ 1 năm sau khi doanh nhân này qua đời, người thân của ông đã đấu tranh giành lại 720.000 USD tiền mặt và khối tài sản trị giá 5 triệu USD liên quan đến các mỏ tại Minnesota. Tuy nhiên, số tiền này vẫn là quá nhỏ với khối tài sản được cất giữ tại Ngân hàng Quốc gia Thứ hai ở Saginaw.
Theo di chúc, chỉ khi người cháu trẻ nhất của Wellington là Marion Lansil -14 tuổi tại thời điểm Wellington qua đời, mất đi thì 21 năm sau đó, các thành viên nhà Burt mới được thừa hưởng khối tài sản khổng lồ này. Trớ trêu thay, Marion Lansill lại sống thọ đến 84 tuổi nên phải 100 năm sau cái chết của triệu phú Wellington, khối tài sản của ông mới chính thức có người thừa kế.
Lúc này, con cháu của Wellington năm xưa đã không còn, chỉ còn lại các hậu duệ còn sống là các chắt, chút, chít của ông thừa hưởng khối tài sản đó. Họ đã mất tới 7 tháng làm việc với luật sư để phân bổ hợp lý số tiền này. Trung bình mỗi người nhận được 2,9 triệu USD, trong đó những người già nhất có thể nhận đến 14,5 triệu USD.
Có thể nói bản di chúc của triệu Wellington R. Burt chính là một trong những bản di chúc oái oăm nhất trong ngành tư pháp nước Mỹ.
(Theo CNW)