Chặn gian lận hóa đơn

Tình trạng thành lập các 'công ty ma' để mua bán hóa đơn trái phép đang diễn biến hết sức phức tạp. Việc này không chỉ khiến những doanh nghiệp làm ăn chân chính bị vạ lây, mà còn dẫn đến nhiều thiệt hại khác cho nền kinh tế.

Người dân khai báo thuế tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Người dân khai báo thuế tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Một cá nhân thành lập 116 công ty “ma”

Ngày 20-8, Cục Thuế TPHCM ban hành công văn yêu cầu các chi cục thuế rà soát, xử lý hóa đơn không hợp pháp, liên quan đến 12 công ty “ma” mà Công an quận 12 đang điều tra. Các công ty này được lập ra nhưng không có hoạt động kinh doanh thực tế, với mục đích thực hiện các hành vi gian lận, lừa đảo... Trước đó, hồi tháng 6, ngành thuế TPHCM cũng rà soát và phát hiện chỉ trong thời gian ngắn (từ tháng 12-2023 đến tháng 3-2024), một cá nhân đã thành lập đến 116 công ty tại nhiều quận ở TPHCM. Người này đã bị Công an TPHCM khởi tố, bắt tạm giam về tội rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Vừa qua, Tổng cục Thuế công bố thông tin 113 doanh nghiệp mua bán trái phép hóa đơn, trong đó 99 doanh nghiệp có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại TPHCM. Số doanh nghiệp này nằm trong số 637 công ty do Nguyễn Minh T. cầm đầu, mua bán trái phép hơn 1 triệu hóa đơn. T. đã bị TAND tỉnh Phú Thọ tuyên phạt 7 năm tù vì hành vi mua bán trái phép hóa đơn, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cục thuế địa phương khai thác dữ liệu hóa đơn điện tử, thu thập hóa đơn giấy (nếu có) của 113 doanh nghiệp nói trên để áp dụng các biện pháp quản lý thuế theo quy định. Nếu người nộp thuế có sử dụng hóa đơn của 113 công ty trên thì xem xét, xử lý.

Theo TS Lê Quang Cường (Đại học Kinh tế TPHCM), việc mua bán hóa đơn trái phép không chỉ khiến những doanh nghiệp làm ăn chân chính bị vạ lây, mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác cho nền kinh tế, do liên quan đến việc khấu trừ thuế, hoàn thuế. Chẳng hạn, trong vụ việc của Nguyễn Minh T. kể trên, với hơn 1 triệu hóa đơn, tổng doanh số ghi trên các hóa đơn này lên tới 64.000 tỷ đồng. Nếu không phát hiện kịp thời thì ngân sách nhà nước sẽ thiệt hại lớn khi các hóa đơn được dùng để khấu trừ thuế, hay đề nghị hoàn thuế. Đặc biệt, ngành thuế sẽ “mất” không ít cán bộ vì các doanh nghiệp “ma”.

Với lợi ích quá lớn do hành vi mua bán trái phép hóa đơn mang lại, các đối tượng bỏ ra nhiều tiền mua chuộc cán bộ để dung túng cho mình. Điển hình như trong vụ án xảy ra tại Công ty Thuduc House, có 3 cán bộ thuế đã nhận hối lộ hơn 7 tỷ đồng để làm ngơ trước các sai phạm và báo trước cho doanh nghiệp những đợt kiểm tra nhằm đối phó. Trong vụ án này, một đối tượng (hiện đang bị truy nã quốc tế) đã lập nhiều công ty “ma” ở Việt Nam và hàng chục pháp nhân ở nước ngoài, ký kết hợp đồng mua bán khống, xuất khẩu hàng hóa giữa các doanh nghiệp này với nhau, sau đó lập hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng và chiếm đoạt hơn 538 tỷ đồng tiền hoàn thuế.

Ngăn chặn bằng VNeID

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, nguyên nhân chính của tình trạng trên là do hiện nay thủ tục thành lập doanh nghiệp khá đơn giản. Thậm chí, có trường hợp bỗng dưng phát hiện mình đứng tên thành lập doanh nghiệp bởi bị lấy cắp thông tin chứng minh nhân dân, căn cước công dân. Nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng chính sách thông thoáng để thành lập doanh nghiệp “ma”, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp.

 Người dân khai báo thuế tại cục thuế TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Người dân khai báo thuế tại cục thuế TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Về giải pháp, ông Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, ngành thuế đang chờ sửa đổi Nghị định 123/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ. Trong đó, điểm mấu chốt nhất là khi đăng ký sử dụng hóa đơn với cơ quan thuế, người đăng ký phải xác thực bằng ứng dụng định danh điện tử (VNeID). Như vậy, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp vẫn đảm bảo thông thoáng, dễ dàng, cải cách thủ tục hành chính. Đến bước đăng ký hóa đơn, nhờ xác thực định danh thì người thực sự là chủ doanh nghiệp mới có thể đăng ký sử dụng hóa đơn. Với việc định danh này, trường hợp một cá nhân thành lập nhiều doanh nghiệp cũng sẽ bị phát hiện sớm. Dự thảo nghị định đang được hoàn thiện những bước cuối cùng, nhưng hiện Tổng cục Thuế cũng đang triển khai ứng dụng có thể rà soát thông tin một người sở hữu nhiều doanh nghiệp trên địa bàn cả nước.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, kiến nghị cần xem lại việc cấp phép thành lập doanh nghiệp, sửa đổi bổ sung một số điều kiện, thủ tục trong việc cấp giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh, thành lập doanh nghiệp cũng như vấn đề hậu kiểm với doanh nghiệp sau khi thành lập. Cụ thể, muốn thành lập doanh nghiệp cần có đầy đủ thông tin về nguồn vốn, nơi sản xuất kinh doanh, kho bãi, nhân lực… phù hợp với ngành nghề kinh doanh. Các ngành, địa phương cũng cần phối hợp cơ quan thuế để có biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

TPHCM: Doanh nghiệp mới tăng 6,5%

Theo Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng qua, cả nước có gần 110.800 doanh nghiệp được thành lập mới. Tại TPHCM, trong 8 tháng đã cấp phép thành lập mới 34.626 doanh nghiệp, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Đây là một trong những số liệu quan trọng để đánh giá tình hình kinh tế và được xác định là chỉ tiêu cần đạt được của từng năm, của cả nhiệm kỳ. Do vậy, tình trạng thành lập doanh nghiệp nhằm mua bán trái phép hóa đơn không đơn giản là vi phạm pháp luật, mà còn khiến cho tình hình kinh tế không được phản ánh đúng bản chất.

KHÁNH CHÂU

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chan-gian-lan-hoa-don-post758833.html