Chặn hàng giả, hàng nhái lưu thông trên thị trườngTin khácĐiểm tựa vững chắc cho người lao độngSâu nặng nghĩa tình
Tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là từ đầu tháng 4/2022 đến nay. Để hạn chế tình hình trên, các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái lưu thông trên thị trường, qua đó góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Ngày 4/4, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị phát hiện lô hàng làm thủ tục quá cảnh do Công ty TNHH Thương mại & XNK An Huy (phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn) đăng ký có nhiều dấu hiệu nghi vấn. Sau khi kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng phát hiện trong lô hàng có 6.000 bộ quần áo thể thao giả mạo nhãn hiệu Adidas, 300 bộ quần áo thể thao giả mạo nhãn hiệu Nike, 300 bộ quần áo thể thao giả mạo nhãn hiệu Puma; 900 đôi giầy thể thao giả mạo nhãn hiệu Nike, 3.600 đôi dép xốp giả mạo nhãn hiệu Dior và 768 chai nước hoa giả mạo nhãn hiệu Chance Chanel.
Đó chỉ là 1 trong tổng số 98 vụ việc vi phạm của doanh nghiệp về hành vi kê khai sai hàng nhập khẩu, nhập hàng hóa giả, nhái nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam hoặc nhãn hiệu của nước ngoài. Không chỉ Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, theo báo cáo của Cục Hải quan tỉnh, tính từ tháng 4/2022 đến đầu tháng 7/2022, lực lượng hải quan của tỉnh đã phát hiện và ngăn chặn. xử lý 205 vụ việc doanh nghiệp có hành vi gian lận, nhập nhiều mặt hàng giả, hàng nhái vào Việt Nam.
Không chỉ lực lượng hải quan, thời gian qua, qua kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cũng đã phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm về kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Theo báo cáo của Cục QLTT tỉnh, trong gần 7 tháng đầu năm 2022, các đội đã phát hiện 103 cơ sở kinh doanh vi phạm về kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Trong đó, chỉ tính từ trung tuần tháng 6/2022 đến ngày 25/7/2022, lực lượng QLTT tỉnh đã xử phạt 23 cơ sở kinh doanh về các vi phạm này. Ngoài lực lượng QLTT, lực lượng hải quan, từ tháng 4/2022 đến nay, lực lượng công an tỉnh cũng đã phát hiện, ngăn chặn 24 vụ vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Ông Vũ Tuấn Bình, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh cho biết: Sau quý I/2022, nhu cầu về một số mặt hàng tiêu dùng trong nước tăng cao, vì vậy, một số doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực xuất, nhập khẩu hàng hóa đã lợi dụng quy trình hải quan điện tử, lợi dùng loại hình hàng hóa quá cảnh và hàng quà biếu… để gian lận, nhập một số loại hàng hóa giả, nhái nhãn hiệu vào thị trường Việt Nam. Đặc biệt, cơ quan hải quan còn phát hiện một số đối tượng thành lập doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực xuất khẩu, đặt hàng sản xuất bên Trung Quốc, sau đó về Việt Nam mới thay đổi nhãn mác để đưa ra thị trường tiêu thụ.
Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Trong bối cảnh người tiêu dùng dần chuyển sang mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt là lợi dụng sự thiếu thông tin về hàng hóa của người tiêu dùng để phân biệt hàng thật, hàng giả,…, nhiều cơ sở kinh doanh đã tìm cách đưa các loại hàng giả nhãn mác Việt Nam, hoặc các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài, trong đó, chủ yếu là một số mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao như quần áo, giày dép, mỹ phẩm, các loại thực phẩm.
Trước tình hình đó, thời gian qua, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (BCĐ 389) đã chỉ đạo các lực lượng chức năng cấp tỉnh, cấp huyện xây dựng kế hoạch, phương án hoạt động, trong đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng, nhóm hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao.
Ông Đặng Văn Ngọc, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh – Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ 389 tỉnh cho biết: Thời gian qua, với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, nhiều vụ việc vi phạm về hành vi nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh hàng nhái, hàng giả đã được ngăn chặn, phát hiện kịp thời, nhưng theo dự báo, trong những tháng cuối năm, hoạt động kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn sẽ diễn biến phức tạp. Do vậy, để ngăn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… lưu thông trên thị trường, BCĐ 389 tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng chống buôn lậu của tỉnh tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm. Việc kiểm tra, kiểm soát sẽ tập trung vào hoạt động kinh doanh hàng kém chất lượng, hàng giả. Cùng với đó, sẽ thực hiện đồng bộ một số biện pháp để ngăn chặn các đối tượng vận chuyển hàng giả, hàng nhái ngay từ trên khâu lưu thông. Đặc biệt, cơ quan công an và QLTT sẽ kiểm tra các kho hàng, các điểm kinh doanh tại các chợ đầu mối, trung tâm thương mại. Cùng với đó, các lực lượng sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong xúc tiến thương mại, lợi dụng khuyến mại để trà trộn, đưa vào lưu thông hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc.
Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của ngành chức năng thì chính bản thân người tiêu dùng cũng cần tự nâng cao kiến thức về nhận biết hàng giả, hàng nhái, đồng thời người tiêu dùng cũng kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng nếu phát hiện dấu hiệu gian lận, vi phạm… Từ đó, mới góp phần ngăn chặn hiệu quả tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái.