Chân lý trong tranh tụng tại phiên tòa

Tranh tụng tại phiên tòa có vai trò hết sức quan trọng, nó không chỉ là sự đánh giá kết quả hoạt động của giai đoạn điều tra, truy tố mà còn có tác dụng to lớn đối với chính giai đoạn xét xử. Đây là cơ chế tối ưu để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị cáo, đảm bảo việc truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Tại tòa, việc tranh luận là hoạt động thường xuyên, bắt buộc và cũng là nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi người tham gia tố tụng được pháp luật quy định cụ thể. Nơi đây, sẽ thể hiện đầy đủ các thủ tục công khai, toàn diện về sự thật khách quan của vụ án. Tòa án ra bản án, quyết định trên cơ sở các chứng cứ được thu thập và kiểm tra công khai tại phiên tòa. Việc chứng minh được các chủ thể có quyền và lợi ích khác nhau (bên buộc tội, bên bào chữa, nguyên đơn, bị đơn) thực hiện một cách bình đẳng, dân chủ tại phiên tòa khi xét hỏi cũng như tranh luận. Xác định sự thật của vụ án được tòa án thực hiện trên cơ sở chứng cứ được thu thập, thẩm tra tại phiên tòa và cân nhắc, đánh giá của các bên tham gia tố tụng.

Nhiều chân lý được tìm ra trong tranh luận tại phiên tòa. Ảnh: S.M

Nhiều chân lý được tìm ra trong tranh luận tại phiên tòa. Ảnh: S.M

Nhớ lại phiên tòa, luật sư Trần Tuấn Hiệp (thuộc Đoàn Luật sư Sóc Trăng) với vai trò là luật sư chỉ định bào chữa cho bị cáo mang tội hiếp dâm (bị cáo thuộc hộ nghèo) đã có một trận “khẩu chiến” cùng kiểm sát viên. Lúc đó, sau khi nghe kiểm sát viên với vai trò công tố đề nghị hội đồng xét xử áp dụng các điều khoản, mức án nghiêm khắc trước hành vi phạm tội của bị cáo, luật sư đã có một loạt lý lẽ để phản bác. Rồi bên đối, bên đáp và cả hai bên đều hùng hồn, lời lẽ sắc bén, lập luận chặt chẽ, xem ra ai cũng đúng. Sự việc, anh chàng ở tuổi đôi mươi với hoàn cảnh túng nghèo, suốt ngày chỉ biết làm thuê, làm mướn và chẳng được học hành. Anh vốn hiền lành, thật thà, chân chất, có hiếu, được làng xóm mến thương nên được giới thiệu lên làm công cho chủ ở TP. Sóc Trăng. Anh được chủ tin tưởng xem như con cái trong nhà và được giao luôn việc đưa rước cô chủ nhỏ đi học (bé gái chưa đầy 13 tuổi). Do bận công việc, cha mẹ thiếu quan tâm và suốt ngày cứ gần gũi anh chàng giúp việc hiền lành, rồi bọn trẻ cảm thấy thích nhau. Một ngày, cha mẹ vắng nhà, cô chủ nhỏ rủ chàng giúp việc tốt bụng làm chuyện người lớn.

Khi ấy, kiểm sát viên nêu rõ về điều, khoản của luật định và nhấn mạnh về tình trạng trẻ em gái bị hiếp dâm hiện nay, hậu quả của hành vi này và cũng khẳng định đã xem xét, cân nhắc “lý - tình” trước khi đề nghị. Còn luật sư Hiệp cứ khăng khăng đề nghị xem xét hạ khung và tuyên bố “bị cáo vô tư phạm tội”, vì bọn trẻ nghĩ mình đang xuất phát từ tình cảm. Vị luật sư khẩn thiết đề nghị xem xét mức án thấp nhất để bị cáo sớm về với gia đình, làm lại cuộc đời; vì cơ bản bản chất bị cáo là không xấu, chỉ do thiếu hiểu biết… Lúc đó, không khí phiên tòa khá căng thẳng, kiểm sát viên và luật sư chẳng ai chịu ai ở phần tranh luận. Thế mà phiên tòa vừa kết thúc, họ lại câu vai nhau vui vẻ cùng ra ngoài uống nước. Thấy người đối diện ngơ ngác nhìn, luật sư Hiệp cười nói: “Chúng tôi luôn cố gắng làm hết trách nhiệm của mình trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Dù là chỉ định hay được thuê, tôi luôn tìm những chứng cứ, tình tiết có lợi cho thân chủ của mình và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho bị cáo”. Tất cả họ đều dựa trên cơ sở pháp luật, tinh thần trách nhiệm và mục đích chung “bàn cãi để làm ra lẽ phải”. Bản chất của tranh tụng là quá trình điều tra công khai và tranh luận giữa các bên dưới sự điều khiển của hội đồng xét xử để phân tích, thẩm định, đánh giá chứng cứ nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án, giúp tòa án giải quyết vụ án khách quan, công bằng, đúng pháp luật.

Năm 2021, tòa án nhân dân hai cấp đã tổ chức 97 phiên tòa rút kinh nghiệm (tăng 28 vụ so với cùng kỳ), bình quân 1 phiên tòa/thẩm phán. Qua đó, từng bước tạo chuyển biến về trách nhiệm của những người tham gia tố tụng, phương pháp tổ chức, điều hành và tranh tụng tại phiên tòa. Ông Lê Thanh Vũ - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cho biết, thời gian qua, Tòa án nhân dân tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc các giải pháp nâng cao chất lượng xét xử (14 giải pháp của Tòa án nhân dân Tối cao và 3 giải pháp do Tòa án nhân dân tỉnh đề ra). Theo đó, các đơn vị tòa chú trọng tổ chức các phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp với định hướng tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật và thực hiện nguyên tắc tranh tụng. Qua đánh giá các phiên tòa, nhất là các phiên tòa rút kinh nghiệm và chất lượng xét xử cho thấy, các hoạt động tố tụng tại tòa được tiến hành bài bản hơn, có sự nhận định rạch ròi giữa hội đồng xét xử - nhân danh Nhà nước thực hiện quyền tư pháp với các chủ thể khác tại phiên tòa, đảm bảo tính nghiêm minh, thượng tôn pháp luật. Hội đồng xét xử thực hiện đúng quyền năng pháp lý, tạo điều kiện để kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền tố tụng của mình. Việc tranh tụng phiên tòa không hạn chế về thời gian, các ý kiến tranh tụng đều được ghi nhận, kết quả tranh tụng là cơ sở quan trọng để hội đồng xét xử đưa ra phán quyết về vụ án. Từ đó, chất lượng xét xử ngày càng tiến bộ hơn và có thể nói tranh tụng là một trong những con đường đi đến công lý.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những phiên tòa mà tính chất, vai trò của tranh tụng chưa được thực hiện đầy đủ, đúng quy định. Nhiều phiên tòa vắng bóng luật sư, việc tranh tụng đôi khi chỉ nghiêng về một phía; luật sư trợ giúp pháp lý nhiều trường hợp bào chữa mang tính hình thức. Từng có những phiên tòa, vì bảo vệ quyền thân chủ mà luật sư đã có lời lẽ “gay gắt”, thiếu tôn trọng với kiểm sát viên. Luật sư tham gia bào chữa nặng về khai thác các tình tiết gỡ tội, giảm nhẹ nên ít quan tâm tới việc làm rõ các tình tiết của vụ án một cách đầy đủ, toàn diện... Đây là những vấn đề các cơ quan tố tụng cần nhìn nhận, để tranh tụng thật sự là một trong những con đường đi đến công lý.

SỚM MAI

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/chan-ly-trong-tranh-tung-tai-phien-toa-54993.html