Chán mác 'du lịch giá rẻ'

Số lượt khách quốc tế không còn là mục tiêu của nhiều địa phương trong phát triển du lịch. Thay vào đó, mức chi tiêu được chú trọng nhiều hơn.

"Giá rẻ" là một cái mác khi khách quốc tế nhắc đến du lịch Việt Nam. Mỗi năm, Travel + Leisure, CNN hay TravelPulse đều công bố danh sách điểm đến có mức giá phải chăng tại châu Á hoặc trên thế giới. Nước ta thường xuyên góp mặt vào hạng mục này.

Năm 2004, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy mỗi du khách đến Việt Nam chi tiêu bình quân 1.283 USD/người. Đến cuối năm 2019, thời điểm "bùng nổ du lịch" trên toàn cầu, con số này giảm khoảng 6%, còn 1.151 USD/người.

Đến 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam phục hồi gần bằng trước dịch với 12,6 triệu lượt, song mức chi tiêu bình quân một lượt khách ước tính chỉ đạt 726,7 USD.

Tuy nhiên, riêng tại TP.HCM, điểm đến này ghi nhận tình hình ngược lại. Cụ thể, năm 2023, thành phố đón 5,5 triệu lượt khách quốc tế, chưa bằng 60% của năm 2019 (8,5 triệu lượt khách), nhưng doanh thu từ du lịch ghi nhận cao hơn tới 22%, từ mức 145.000 tỷ đồng lên 160.000 tỷ đồng.

Trước thực tế này, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM đề xuất thành phố nên tập trung vào nâng cao doanh thu du lịch thay vì chỉ đếm số lượng khách.

"Chúng ta không cần tập trung quá nhiều vào số lượng khách, nó không còn phù hợp với TP.HCM nữa", ông Hòa này phát biểu tại tọa đàm "Nghệ thuật vì sự phát triển bền vững" thuộc khuôn khổ sự kiện "Sự sống 2024" hôm 11/7.

Hai mặt của mác "giá rẻ"

Việt Nam vốn được biết đến là đất nước mang lại những trải nghiệm du lịch trọn vẹn với mức giá rẻ, đặc biệt khi so sánh với các quốc gia lân cận.

Theo tiến sĩ Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, chi phí thấp sẽ mang đến lực đẩy, khuyến khích du khách tham gia vào các trải nghiệm du lịch tại Việt Nam. Mức giá phải chăng còn khiến cho khối lượng và thời gian trải nghiệm của du khách tăng lên, cho họ cơ hội tiếp cận và tìm hiểu Việt Nam nhiều hơn.

Ngoài ra, việc chi tiêu thấp hơn so với các nước trong khu vực giúp du lịch Việt có thêm sức hút, đặc biệt thúc đẩy đối tượng du khách tiềm năng dễ đưa ra quyết định trong việc lựa chọn điểm đến.

 Khách nước ngoài nghỉ ngơi trên bãi biển tại Phú Quốc tháng 6/2023. Ảnh: Duy Hiệu.

Khách nước ngoài nghỉ ngơi trên bãi biển tại Phú Quốc tháng 6/2023. Ảnh: Duy Hiệu.

Tuy nhiên, giá rẻ hình thành định kiến đối với du lịch Việt và tạo ra những rào cản khi muốn tăng chi tiêu của du khách. Đặt chân đến Việt Nam, du khách chỉ chuẩn bị tâm lý tiêu một số tiền nhất định, điều này sẽ hạn chế du khách "vung" tiền nhiều hơn cho các hoạt động vui chơi, mua sắm.

Bên cạnh đó, nếu chỉ tập trung cạnh tranh về giá sẽ khiến ngành du lịch khó có được những dòng sản phẩm du lịch cao cấp. Thiếu đi dòng sản phẩm này, vị thế điểm đến, vị thế du lịch quốc gia khó tăng trưởng được.

Bổ sung cho quan điểm này, tiến sĩ Matt Kim, Giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT, cho rằng: "Sự khác biệt về kinh tế giữa 'chủ nhà' và du khách khiến khách du lịch được coi là những ân nhân giàu có". Điều này có thể gây tổn hại đến sự bình đẳng trong mối quan hệ giữa người dân địa phương và khách du lịch.

Ngoài ra, việc khách đến đông nhưng chi tiêu thấp không chỉ tạo nên sức ép về mặt dịch vụ, vận tải mà còn mang đến những áp lực, tác hại lên môi trường địa phương.

Không thể chỉ dựa vào ẩm thực

Từng chia sẻ với Tri Thức - Znews, PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch, cho rằng Việt Nam đang thiếu trầm trọng các điểm kinh tế đêm như tổ hợp vui chơi - mua sắm - ăn uống để du khách sẵn sàng "móc hầu bao".

Trong năm 2023, TP.HCM xây dựng hàng loạt sản phẩm du lịch, các tuyến phố ẩm thực, phố đêm để giữ chân du khách lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn như phố đêm Thảo Điền (TP Thủ Đức), phố ẩm thực Hà Tôn Quyền (quận 11), Phan Xích Long (quận Phú Nhuận)... Tuy nhiên, không phải mô hình nào cũng đạt hiệu quả.

Đơn cử, phố đêm Thảo Điền sau nửa năm thí điểm đã rơi vào tình trạng ế ẩm, đìu hiu, số tiểu thương còn trụ lại không bằng một phần mười so với ngày đầu khai trương.

"Điều này chứng minh rằng nếu chúng ta chỉ tập trung cho sản phẩm ẩm thực thôi thì chưa đủ thú vị để thu hút du khách", tiến sĩ Dương Đức Minh nói.

Chợ đêm ẩm thực Thảo Điền bày bán món ăn của nhiều nước như Nhật Bản, Đức, Mexico và các món ăn vặt thường thấy ở Việt Nam. Ảnh: Linh Huỳnh.

Chợ đêm ẩm thực Thảo Điền bày bán món ăn của nhiều nước như Nhật Bản, Đức, Mexico và các món ăn vặt thường thấy ở Việt Nam. Ảnh: Linh Huỳnh.

Có thể thấy, ẩm thực chỉ là một thế mạnh của du lịch Việt, nhưng những con phố đêm, phố ẩm thực chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khách quốc tế.

Tiến sĩ Kim chia sẻ: "Khách du lịch quốc tế thường quan tâm nhiều hơn đến vấn đề an toàn và vệ sinh thực phẩm. Những cân nhắc này trở nên càng quan trọng hơn vào ban đêm".

Du khách muốn khám phá nhiều hơn, nhưng họ sẽ không sẵn sàng chi tiền cho thức ăn đường phố và không muốn đi bộ quá nhiều nếu cảm thấy không thoải mái. Đối với những vị khách này, an toàn vệ sinh thực phẩm là yêu cầu cơ bản và quan trọng nhất.

Theo ông Kim, để đáp ứng mong đợi của đối tượng khách này, những người bán hàng rong cần được đào tạo và quản lý bởi các cơ quan chức năng, đồng thời đường phố cần được dọn dẹp, cải tạo, không để xe máy lấn chiếm vỉa hè, cản trở du khách. Ông cho rằng nỗ lực thu hút du khách nên được bắt đầu từ những điều cơ bản nhất.

Bên cạnh đó, việc xây dựng, phát triển đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao trải nghiệm là điều tất yếu để kích cầu chi tiêu của du khách.

"Vì nếu chỉ dựa vào ẩm thực thì chắc chắn không thể phát huy được hết những thế mạnh của TP.HCM", tiến sĩ Minh chia sẻ.

Nâng giá

Bàn về giải pháp thúc đẩy chi tiêu của khách quốc tế khi đến Việt Nam, tiến sĩ Minh cho rằng chúng ta cần nâng cấp, liên kết các chuỗi cung ứng thành chuỗi giá trị để phát triển du lịch. Việc này cần rất nhiều sự kiên nhẫn.

"Ví dụ, tại Trà Vinh, chúng tôi làm du lịch gắn với những câu chuyện của nông nghiệp, nông thôn. Khi gắn những câu chuyện trong sản phẩm gia tăng, giá trị kinh tế cũng tự tăng lên", ông nói.

Việc xây dựng những tuyến du lịch chuyên đề chất lượng, cùng các câu chuyện đặc sắc hơn sẽ giúp bổ sung những giá trị mới vào chuỗi cung ứng, gia tăng giá thành, phát triển kinh tế.

Tiếp theo, ông cho rằng du lịch Việt cần nâng cấp sản phẩm của mình và đưa vào chuỗi cung ứng toàn cầu để duy trì nguồn thu liên tục.

"Chúng ta cần chú ý hơn về sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm, những sản phẩm ứng dụng có xuất xứ từ Việt Nam để thu hút, duy trì chi tiêu bền vững", ông Minh nói. Việt Nam cần nghiên cứu nhu cầu thị trường xem khách đang quan tâm dòng sản phẩm gì, từ đó nâng cấp sản phẩm để xuất khẩu, đưa vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trước sự phát triển của công nghệ, đặc biệt ở đất nước dễ tiếp cận Wi-Fi, Internet như Việt Nam, du khách sử dụng mạng xã hội như một người dẫn đường, không chi trả cho dịch vụ tư vấn, ít sử dụng sản phẩm của công ty lữ hành. Chúng ta cần tận dụng công nghệ để có những thay đổi, thiết kế mang tính cá nhân hóa trong dịch vụ dành cho chân dung khách hàng này.

 Du khách Singapore "săn" hoàng hôn tại Vũng Tàu ngày 30/4. Ảnh: Linh Huỳnh.

Du khách Singapore "săn" hoàng hôn tại Vũng Tàu ngày 30/4. Ảnh: Linh Huỳnh.

Trong khi đó, tiến sĩ Matt Kim chia sẻ: "Việt Nam nên lấy 'tối ưu chi phí' làm phương châm khi thực hiện chiến lược marketing và xây dựng hình ảnh quảng bá du lịch. Để đạt được điều này, Việt Nam cần khiến cho du khách tiềm năng tin rằng khi đến thăm, họ có thể tận hưởng những sản phẩm và dịch vụ chất lượng, với giá cả hợp lý trong một môi trường an toàn và sạch sẽ".

Bên cạnh đó, ông cho rằng việc cải thiện cơ sở hạ tầng vẫn luôn là yếu tố cần được quan tâm hàng đầu để phát triển du lịch. Điều này không chỉ mang đến ấn tượng tốt, tạo cảm giác an toàn, giao thông công cộng cần được mở rộng, kết nối để khách dễ dàng di chuyển đến các địa điểm khác và ở lại lâu hơn, trải nghiệm và chi tiêu nhiều hơn.

Tại sân bay, các cửa hàng và dịch vụ chất lượng sẽ "móc hầu bao" khách nhiều hơn trong thời gian chờ cất cánh. Việc đào tạo, nâng cao chất lượng phục vụ cần thực hiện thường xuyên và liên tục để cải thiện hình ảnh, đáp ứng nhu cầu của chân dung khách hàng mục tiêu.

 Du khách Canada thưởng thức món Việt tại một nhà hàng tại quận 3, TP.HCM. Ảnh: Phương Lâm.

Du khách Canada thưởng thức món Việt tại một nhà hàng tại quận 3, TP.HCM. Ảnh: Phương Lâm.

Trong khi đó, theo PGS.TS Phạm Hồng Long, giảng viên Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, du lịch Việt đang trên đà hướng đến dòng khách du lịch quốc tế có khả năng chi trả cao.

Hiện nay, có rất nhiều du khách châu Âu du lịch 30-90 ngày trong 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) muốn vào Việt Nam mà không cần phải xin visa du lịch. Vì thế, việc mở rộng các quốc gia được miễn visa đơn phương sẽ giúp Việt Nam hút được khách thị trường lớn và chi tiêu cao.

"Độ mở cửa còn nằm ở các thủ tục liên quan như thủ tục hành chính ở cửa khẩu phải nhanh gọn, đồng bộ giữa các bộ phận hải quan, cửa khẩu. Thị thực điện tử (evisa) cũng cần cải thiện giao diện, để đảm bảo sự thuận tiện và dễ hiểu với khách", ông Long nói.

Linh Huỳnh - Tường Vi

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/chan-mac-du-lich-gia-re-post1486518.html