Chặn ngay kiểu đòi nợ 'khủng bố'
Thời gian gần đây, nhiều người bức xúc khi bỗng nhiên bị liên lụy vào chuyện vay mượn nợ nần của người khác một cách hết sức vô lý.
Các nạn nhân liên tục bị người lạ sử dụng tin nhắn, gọi điện “khủng bố” nhằm gây áp lực để đòi nợ, thậm chí còn bị lăng mạ, sỉ nhục trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín, danh dự và công việc của họ.
* Bức xúc vì bị xúc phạm vô cớ
Theo phản ảnh của nhiều nạn nhân, các đối tượng lạ mặt này đã bất chấp pháp luật, tự tiện dùng hình ảnh cá nhân của nạn nhân để uy hiếp, đe dọa nhằm gây áp lực để nhờ những người này “đòi nợ giùm”. Thậm chí, các đối tượng còn gọi điện “quấy rối” cơ quan, trường học, công ty - nơi nạn nhân làm việc.
Như vụ việc xảy ra đối với chị Đ.T.N.T. (công chức của một cơ quan nhà nước ở H.Long Thành) mới đây. Theo trình báo của chị T., giữa tháng 5-2022, chị bất ngờ nhận được những cuộc gọi, tin nhắn điện thoại từ các đối tượng lạ gọi đến hoặc nhắn tin đe dọa để buộc chị phải đòi nợ một người quen thay cho chúng.
Khi bị từ chối, các đối tượng này chửi bới, đe dọa, thậm chí đăng hình cả gia đình, cha mẹ của chị T. lên mạng xã hội để bôi nhọ, lăng mạ với lời lẽ xúc phạm rất nặng nề. Không những thế, các đối tượng này còn liên tục gọi điện đến cơ quan nơi chị T. đang làm việc để “khủng bố” nhằm gây áp lực buộc chị T. phải đòi nợ thay cho chúng. Do đó, cơ quan nơi chị T. làm việc phải gửi đơn tố giác hành vi của các đối tượng này đến Công an H.Long Thành.
Công an TP.HCM bắt nhóm đòi nợ theo kiểu “khủng bố”
Đầu tháng 6-2022, Công an Q.Bình Tân (TP.HCM) khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam nhóm đối tượng chuyên hoạt động cho vay lãi nặng và đòi nợ theo kiểu “khủng bố”.
Theo xác minh nhóm do Bùi Văn Vương (30 tuổi, ngụ TP.HCM) cầm đầu cho nhiều người vay tiền thông qua app và các trang website trên mạng. Tổng cộng Công an Q.Bình Tân xác định có khoảng 30 đối tượng tham gia trong 9 nhóm để hoạt động cho vay lãi nặng với lãi suất từ 15-25%/tháng và thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, khi người dân không có khả năng trả nợ, các đối tượng đã dùng hình ảnh, thông tin cá nhân để “khủng bố” tinh thần như: gọi điện, nhắn tin đe dọa và tạt chất bẩn vào nhà con nợ.
Tương tự, trước đó nhiều cán bộ, giáo viên tại một số trường ở TP.Biên Hòa như: Trường THPT Chu Văn An (P.Hóa An), Trường tiểu học Lê Văn Tám (P.Quang Vinh) cũng đã bị các đối tượng lạ gọi điện “khủng bố” nhằm gây áp lực để đòi nợ… phụ huynh có con học ở các trường này.
Vô lý hơn, một số cán bộ, giáo viên và cả ban giám hiệu các trường này còn bị đăng tải hình ảnh cá nhân lên mạng với những nội dung sai sự thật nhằm uy hiếp, buộc những giáo viên này phải đòi nợ giùm cho chúng.
Cô Lại Thị Kiều Oanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám, cho biết trong một thời gian dài, các giáo viên bị đối tượng lạ mặt “khủng bố” để đòi nợ giùm đã bị ảnh hưởng đến công việc giảng dạy. Do đó, nhà trường và các giáo viên đã làm đơn trình báo cơ quan công an để đề nghị vào cuộc điều tra, xử lý.
Còn chị Đ.T.N.T. cho biết, việc chị và nhiều người thân trong gia đình bị người lạ đe dọa, dùng hình ảnh để bôi nhọ và thậm chí gọi điện đến cơ quan chị làm việc để hạ uy tín là chuyện hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát. Không những thế, vụ việc còn khiến cha mẹ chị đang bệnh nặng phải lo lắng đến mất ngủ, còn em trai của chị bị điêu đứng vì những thông tin bôi nhọ “từ trên trời rơi xuống” này ảnh hưởng đến uy tín, công việc.
Theo chị T., việc các đối tượng lạ mặt tự dưng đưa hình ảnh cá nhân của chị và gia đình lên mạng xã hội để bôi nhọ, trong khi chị và nhiều người trong gia đình không liên quan là hành vi vi phạm pháp luật. Hành động của các đối tượng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, cuộc sống của chị và người thân. Trước thực tế đó, chị đã làm đơn trình báo cơ quan công an để vào cuộc xác minh, xử lý các đối tượng liên quan đến vụ việc này.
* Có dấu hiệu của tội phạm
Trước tình trạng các vụ “khủng bố” bằng tin nhắn, điện thoại, mạng xã hội nói trên, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, xác minh để xử lý theo quy định.
Trao đổi về vụ việc này, một lãnh đạo Công an H.Long Thành cho biết, Công an huyện đã tiếp nhận đơn trình báo của cơ quan nơi chị N.T. làm việc. Trên cơ sở đó, cơ quan công an đang tiến hành các bước điều tra làm rõ. Do các vi phạm nói trên có liên quan đến việc sử dụng công nghệ cao nên Công an H.Long Thành đang phối hợp với các cơ quan chức năng để truy tìm thủ phạm.
Theo một cán bộ chỉ huy Đội Cảnh sát hình sự Công an TP.Biên Hòa, thời gian qua, đơn vị đã tiếp nhận tin báo của 4-5 trường hợp về việc bị các đối tượng lạ “khủng bố” bằng những cuộc gọi điện thoại, tin nhắn nhằm đòi nợ giùm. Trước mắt, cơ quan công an hướng dẫn người dân tìm cách tránh bị làm phiền. Trên cơ sở thông tin trình báo của người dân, lực lượng công an lập hồ sơ, cử lực lượng trinh sát vào cuộc điều tra các đối tượng liên quan để xử lý theo quy định pháp luật.
Theo cơ quan công an, để xử lý hình sự các đối tượng có hành vi thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự người khác, người dân cần lưu lại những chứng cứ (ghi âm cuộc gọi, tin nhắn điện thoại, bài đăng trên mạng xã hội) xúc phạm uy tín, danh dự của người khác; chứng cứ chứng minh những thiệt hại do hành vi này gây ra...
Theo cán bộ Đội Cảnh sát hình sự Công an TP.Biên Hòa này, các vụ “khủng bố” bằng điện thoại, tin nhắn đều được các đối tượng sử dụng “sim rác”, tài khoản ảo để tấn công. Sau những cuộc gọi hoặc tin nhắn, các đối tượng thường bỏ sim, hoặc tài khoản nên công tác điều tra, xác minh tốn nhiều thời gian hơn. Trước hết, để tránh bị làm phiền, người dân cần bình tĩnh khi nghe điện thoại của người lạ, xác định rõ không liên quan đến sự việc. Trong trường hợp đối tượng vẫn cố tình tấn công bằng những tin nhắn, cuộc gọi thì phải kiên quyết phản bác và yêu cầu đối tượng gặp mặt để làm việc. Đối với những trường hợp bị các đối tượng sử dụng hình ảnh, thông tin để bôi nhọ, đăng tải trên mạng xã hội, người dân phải kịp thời trình báo cho cơ quan chức năng để vào cuộc điều tra, xử lý.
Theo luật sư Hà Mạnh Tường (Đoàn Luật sư tỉnh), khi người dân bị các đối tượng “khủng bố” phải trình báo cơ quan chức năng. Công an địa phương nơi người dân trình báo có trách nhiệm tiếp nhận, xác minh đối tượng vi phạm để có cơ sở xử lý. Trên cơ sở xác minh, xác định đối tượng có dấu hiệu vi phạm, Thanh tra Sở TT-TT sẽ căn cứ vào các quy định của pháp luật để ra quyết định xử phạt tùy theo mức độ, tính chất của vụ việc.
Đánh giá về tính chất của các hành vi này, luật sư Hà Mạnh Tường cho rằng, các đối tượng dùng lời nói, hình ảnh để xúc phạm người khác hoặc bịa đặt, loan truyền những thông tin mà mình biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác là hành vi bị cấm theo Luật An toàn thông tin mạng năm 2015. Người nào có hành vi vi phạm quy định của luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, những hành vi xúc phạm người khác mang tính chất nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo đó, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm: phạm tội 2 lần trở lên; đối với 2 người trở lên; sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội...