Chăn nuôi an toàn để đẩy mạnh xuất khẩu

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), dù hiện nay sản lượng lợn sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35 - 40%, sản lượng lợn sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại chiếm 60 - 65%. Tuy nhiên, tính chuyên nghiệp trong chăn nuôi của khu vực nông hộ, trang trại quy mô vừa và nhỏ chưa được cải thiện, giá thành sản xuất còn cao…

Sản lượng lợn sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại chiếm 60 - 65%. Ảnh: B.Nguyên.

Sản lượng lợn sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại chiếm 60 - 65%. Ảnh: B.Nguyên.

Chăn nuôi nông hộ giảm

Theo Bộ NNPTNT, giá trị tăng trưởng của ngành chăn nuôi năm 2023 ước đạt 5,72%, đạt doanh thu trên 33 tỷ USD toàn ngành, đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp và trên 5% GDP của nước ta. Dự kiến, tổng giá trị doanh thu của toàn ngành chăn nuôi trong năm 2024 sẽ đạt 35 tỷ USD. Trong đó, chăn nuôi lợn vẫn là lĩnh vực chăn nuôi chủ lực chiếm trên 62% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại vật nuôi được sản xuất trong nước. Tổng số lợn của cả nước ở thời điểm tháng 7/2024 ước đạt hơn 25 triệu con (tăng 2,9% so với cùng thời điểm năm 2023).

Ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) đánh giá, chăn nuôi lợn đã chuyển dịch theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình, tăng mạnh các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp và trang trại quy mô lớn. Trong 5 năm vừa qua, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm từ 5-7%/năm (riêng giai đoạn 2019-2022, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm 15-20%). Hiện nay, sản lượng lợn sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35 - 40%, sản lượng lợn sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại chiếm 60 - 65%. Mặc dù vậy, chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh chưa thực sự được triển khai đồng bộ. Tính chuyên nghiệp trong chăn nuôi của khu vực nông hộ, trang trại quy mô vừa và nhỏ chưa được cải thiện, giá thành sản xuất còn cao.

Thông tin về tình hình dịch bệnh, ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho hay, từ ngày 1/1 - 12/8/2024, cả nước xuất hiện 863 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 46 tỉnh, thành phố, tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy hơn 57.000 con. Đáng chú ý, việc kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y vẫn đối diện với nhiều khó khăn. Vẫn còn tình trạng giết mổ không phép sau khi xây dựng và đưa vào hoạt động cơ sở giết mổ tập trung. Số lượng động vật được giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung chỉ đạt khoảng 40 - 50% so với công suất thiết kế… Hiện rất khó thu hút được các nhà đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung hoặc đã có nhưng vẫn để tồn tại song song nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong khi kinh phí đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, đầu tư mang tính rủi ro cao, nhiều địa phương có nhu cầu tiêu dùng ít.

Chăn nuôi an toàn sinh học, hướng đi bền vững

Thực tế tại Hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn bền vững do Bộ NNPTNT tổ chức mới đây, nhiều địa phương phản ánh, hiện nay xung đột giữa xây dựng trang trại chăn nuôi và khu dân cư chưa có cách giải quyết. Nhiều trang trại khi xây dựng đã tuân thủ quy định về đảm bảo khoảng cách với khu dân cư (500m). Tuy nhiên, chưa có quy định nào về việc người dân xung quanh trang trại không được phát triển nhà ở vào phạm vi 500m. Từ đó, dẫn tới tình trạng nhà dân ngày một tiến sát khu vực nuôi, rồi khiếu nại vì bị mùi hôi từ khu vực nuôi ảnh hưởng. Bên cạnh đó, chúng ta đang nỗ lực xây dựng, mở rộng vùng an toàn dịch bệnh, nhưng khi đã được công nhận lại chưa có quy định mạnh mẽ để bảo vệ, nhất là liên quan tới công tác vận chuyển gia súc gia, cầm qua địa bàn thuộc vùng.

Dưới góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam, theo chiến lược phát triển chăn nuôi hiện nay, quy hoạch chăn nuôi thành các vùng tập trung tuy nhiên khi phát triển thành các vùng tập trung thì rủi ro lây bệnh cao do trại liền trại, liền đường dễ dẫn đến xóa sổ các vùng chăn nuôi lớn. Để đảm bảo vùng chăn nuôi tập trung nên chăng có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp vào những vùng sâu vùng xa để xây dựng khu chăn nuôi quy mô lớn, khả năng cách ly cao. Bên cạnh đó, cần khớp nối các trang trại lớn ở các địa phương để liên kết phục vụ xuất khẩu thuận lợi.

Để thúc đẩy phát triển bền vững về ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi cho rằng, cần phải định hướng phát triển rõ ràng: Có ban hành chế tài xử lý, kiểm soát tốt được dịch bệnh, điều tiết thị trường, xem lại cán cân xuất nhập khẩu… Về giết mổ, cần công nghiệp hóa, tiến tới đưa dây chuyền hiện đại vào sản xuất, tránh manh mún. Việc đánh giá tác động môi trường cần giao về địa phương để tiện kiểm tra giám sát, điều phối tránh ngồi trên các quy định pháp luật để phê duyệt.

Ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam được xác định là ngành chủ lực, quan trọng đã và đang chuyển dịch dần từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn. Chính vì vậy, theo ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NNPTNT), hướng đến xuất khẩu việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học là yêu cầu hết sức cấp thiết cho chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng. Bên cạnh việc áp dụng an toàn sinh học ở các khâu của chuỗi như: vật tư đầu vào, thức ăn, giống, giết mổ, chế biến, bảo quản và phân phối cần tăng cường nghiên cứu mở rộng thêm các thị trường ngách để gia tăng cơ hội xuất khẩu.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chan-nuoi-an-toan-de-day-manh-xuat-khau-10288333.html